Kỳ 2: Giấy dó cuộc hành trình trở về: Hồi sinh trong nghệ thuật

21:32 | 09/05/2019
(LĐTĐ) Bước vào thời hiện đại, công nghệ in ấn theo lối phương tây với độ chính xác cao, giấy công nghiệp với khả năng sản xuất đại trà lớn đã tước đi của giấy dó chủ quyền là vật liệu trí thức và văn hóa trong đời sống của người Việt. Giấy dó lùi mình vào dĩ vãng để rồi lại được hồi sinh trong nghệ thuật.
giay do cuoc hanh trinh tro ve hoi sinh trong nghe thuat ky 2 Giấy dó cuộc hành trình trở về: Ký ức về một thời huy hoàng (Kỳ 1)
giay do cuoc hanh trinh tro ve hoi sinh trong nghe thuat ky 2 Công chúng thích thú chiêm ngưỡng quy trình sản xuất giấy Dó ở Hà Nội
giay do cuoc hanh trinh tro ve hoi sinh trong nghe thuat ky 2 Khai mạc trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề “Dó Việt Xưa – Nay”

Khát vọng sáng tạo

Trong khát vọng sáng tạo, nhiều thế hệ nghệ sỹ Việt Nam đã tìm về giấy dó như một chất liệu để khẳng định tính bản sắc trong nghệ thuật của mình. Năng lượng và lao động nghệ thuật của những người làm mỹ thuật tạo hình đã phục hồn cho giấy dó. Giấy dó trở thành chất liệu của sáng tạo văn hóa mỹ thuật Việt Nam ngày hôm nay.

Ngoài công dụng để truyền bá tri thức, giấy dó truyền thống còn được ứng dụng trong văn hóa mà nổi bật là các dòng tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, Kim Hoàng. Đa dạng trong cách thức sử dụng, giấy truyền thống thực sự gắn bó với đời sống người Việt xưa, nó chính là chất liệu để lưu giữ và truyền tải văn hóa.

giay do cuoc hanh trinh tro ve hoi sinh trong nghe thuat ky 2
Bộ tranh Tố nữ của họa sỹ Lý Trực Sơn trên chất liệu giấy dó. Ảnh: Bảo Thoa

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên - Đại diện dòng tranh Hàng Trống cho biết, trong tranh dân gian, giấy dó có ứng dụng đặc biệt. Dòng tranh Hàng Trống gắn bó với gia định nghệ nhân Lê Đình Nghiên từ khi ông còn nhỏ và cho đến tận hôm nay, với sự thăng trầm của dòng tranh này.

Theo ông Nghiên, cách đây hơn 20 năm khi muốn tìm chất liệu giấy tốt để vẽ tranh thì rất khó. Ông đã phải tìm tòi và thử qua nhiều loại giấy nhưng vẫn chưa thực sự hài lòng. Đã có thời ông phải làm tranh bằng giấy báo thừa mua được tư các nhà in, sau đó phải bồi thêm nhiều lớp, khắc phục bằng nhiều cách thì mới có thể làm tranh. Khi có điều kiện mang tranh ra nước ngoài triển lãm phải cuộn lại cho vào va li, khi mở ra thì bức tranh quăn như bánh đa khiến cho ông cảm thấy “xấu hổ” với sản phẩm của mình. Sau này ông tìm đến với chất liệu giấy dó thì chất lượng tranh mới mang đúng tầm của nó, ông không còn sợ tranh bị nhăn, quăn hay bị ướt. Những năm gần đây nhiều họa sỹ nước ngoài cũng ưa chuộng chất liệu giấy dó của Việt Nam để thể hiện tác phẩm.

Chắc hẳn chúng ta đều quen biết với những chất liệu như sơn mài, lụa. các chất liệu này càng quen thuộc hơn đối với người họa sỹ khi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng giấy dó - một chất liệu dân tộc đặc biệt, với những tính chất đặc thù rất riêng, vốn được dùng trong các dòng tranh dân gian, thì hiện nay đang được sử dụng nhiều hơn trong các tác phẩm hội họa hiện đại.

Họa sỹ Lý Trực Sơn từng giảng dạy nghệ thuật sơn mài tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng có nhiều năm sáng tác nghệ thuật tại châu Âu, ông sáng tác trên nhiều chất liệu và đều ghi được dấu ấn riêng biệt. Từ những năm 1987-1988, ông đã bắt đầu thử nghiệm việc vẽ tranh trên chất liệu giấy dó. Trải qua rất nhiều những khó khăn và thất bại dần dần ông đã chinh phục và làm chủ được chất liệu này trong việc sáng tác các tác phẩm mỹ thuật.

Trong rất nhiều triển lãm cá nhân, ông đã tổ chức 2 triển lãm sử dụng chất liệu giấy dó, là “Tố nữ dân ca” năm 2015 và “Đất và Dó” năm 2017. Ông cho rằng: “Trước đây giấy dó được sử dụng nhiều trong in ấn nhưng để sáng tác trực tiếp và coi nó như một chất liệu độc lập thì ít ai nghĩ đến”. Chính nhờ sự thấm nước, tính dẻo dai của giấy dó cùng với thuốc nước mà hình ảnh trên tranh có thể hiện lên một cách thuần hậu nhưng kỳ ảo, sống động đến như vậy.

Họa sỹ tâm sự, có những thời kỳ tranh vẽ ra rất khó bán, bởi chất liệu và màu vẽ đều khan hiếm. Ví như tranh sơn mài thì khó vẽ vì khó mua sơn, giấy vẽ tốt thì không mua được. Nhưng bởi mê tranh Hàng Trống và bị ảnh hưởng bởi dòng tranh này nên ông đã tìm mua giấy dó và vẽ sơn mài trên giấy dó. Sau đó ông đã mở một triển lãm tranh giấy dó đầu tiên với chất liệu độc lập trực tiếp đầu tiên tại số 7 Hàng Khay. Triển lãm đã thu hút đông đảo giới hội họa và nghệ thuật đến xem và được đánh giá cao. Cũng từ triển lãm này, nhiều họa sỹ thấy sự tiện lợi của giấy dó và bắt tay vào sáng tác tranh bằng nhiều thử nghiệm với các chất liệu khác nhau.

Ứng dụng trong đời sống đương đại

Quy luật của thị trường luôn là sự nghiệt ngã và thách thức đối với sự trường tồn của mỗi giá trị văn hóa và giấy dó cũng vậy. Những năm gần đây nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật về tranh giấy dó liên tục được trưng bày đã cho thấy vẻ đẹp bền bỉ của chất liệu quý giá này. Giấy dó đã trở thành cầu nối giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Khôi phục, bảo tồn truyền thống nghề làm giấy dó là một quá trình dài hơi và tình yêu tâm huyết của những con người đã đang và sẽ gắn bó với giấy dó.

Làng Dương Ổ phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh – là một trong những cái nôi của nghề làm giấy dó truyền thống tuy nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường giấy công nghiệp, việc sản xuất giấy dó truyền thống dần bị thu nhỏ hẹp hoặc chuyển đổi nghề khác. Tại làng Dương Ổ hiện nay chỉ còn 5 gia đình làm giấy dó truyền thống. Một trong những gia đình còn theo nghề sản xuất giấy, gia đình cụ Điều hiện đang lưu giữ hơn 100 loại giấy dó được lưu giữ từ năm 1972. Các mẫu giấy dó là sáng tạo độc đáo của ông trong quá trình mày mò, nghiên cứu thay đổi hình thức.

Cháu gái cụ Điều, chị Ngô Thu Huyền - là một cử nhân, dù đã được đào tạo chính quy về kinh tế ở cấp Đại học nhưng chị Huyền vẫn luôn trăn trở về nghề truyền thống của quê hương. Với lòng yêu nghề chị đang làm và tiếp tục học làm giấy dó truyền thống.

Theo chị Huyền, đối với một nghề truyền thống thì không chỉ để dành cho việc trưng bày mà nó cần phải có giá trị ứng dụng vào đời sống cao. Ngày xưa ngành giấy phát triển rất rực rỡ vì nó được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Ngày nay xã hội đã dùng giấy công nghiệp để tiện lợi phù hợp với nhu cầu sử dụng in ấn và viết. Bởi vậy cần làm tăng giá trị ứng dụng của giấy dó, trong đó có ứng dụng vào mỹ thuật và lưu trữ những tài liệu có giá trị cao.

Năm 2012 có một đơn vị quân đội đã đến tìm cụ Điều để sản xuất giấy dó mỏng được dùng tôn nền tài liệu cũ, lưu trữ lâu dài với yêu cầu có thể nhìn xuyên thấu qua, để khi đặt lên tài liệu vẫn đọc được mà có thể lưu trữ hàng trăm năm. Gia đình cụ Điều đã nghiên cứu rất lâu và cho ra loại giấy như yêu cầu và hiện nay đang tiếp tục cung cấp giấy dó này cho một số cơ quan nhà nước để lưu trữ tài liệu cổ.

Một sản phẩm nữa là ứng dụng của giấy dó trong thư pháp phương Tây, dùng cho màu nước. Theo chị Huyền thì hiện nay nhiều bạn trẻ rất thích chất liệu truyền thống để sáng tạo trên nền giấy dó. Đối với giấy dùng để viết thư pháp phương tây, ban đầu thường bị ngòi bút cào xước hoặc do tính ngậm nước của giấy dó nên khi viết mực lên sẽ không ăn mực, chính vì vậy dựa trên yêu cầu của người sử dụng, cơ sở sản xuất của chị Huyền đã nghiên cứu và phát triển giấy dó dùng cho thư pháp thành công. Ngoài ra, chị cũng đang nghiên cứu xuất khẩu giấy dó dùng cho các sản phẩm của phương Tây như thiệp cưới, giấy mời,… “Nhiều khách nước ngoài hỏi về sản phẩm này nhưng hiện nay vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường”, chị Huyền cho biết.

Bảo Thoa

Kỳ 3: Còn nỗi lo mai một nghề giấy dó

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này