Chuyện tình cảm động thời chiến:

Câu chuyện kỳ diệu sau 4 lần nhận giấy báo tử

12:11 | 01/05/2019
(LĐTĐ) Chiến tranh đã khiến những mối tình ở tuổi đôi mươi phải ly biệt với khoảng cách dài vô định. Có những người vợ nuốt nước mắt tiễn chồng ra chiến trận để rồi mòn mỏi chờ chồng sau 4 lần nhận giấy báo tử từ mặt trận gửi về. Nhưng rồi bằng tình yêu sâu sắc, họ lại được đoàn tụ bên gia đình, trở về bên nhau trong niềm hạnh phúc vỡ òa…  
cau chuyen ky dieu sau 4 lan nhan giay bao tu Câu chuyện tình Hà Nội
cau chuyen ky dieu sau 4 lan nhan giay bao tu Nhật Hà gây bất ngờ khi chia sẻ câu chuyện tình yêu đồng tính trái ngang
cau chuyen ky dieu sau 4 lan nhan giay bao tu Chuyện tình mưa

Chết lặng khi nhận giấy báo tử của chồng

Đó là chuyện tình cảm động của ông Đỗ Trọng Ngoạn (89 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thất (87 tuổi), hiện đang sống trong một ngôi nhà trên con ngõ nhỏ ở phường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội).

Mặc dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng tình yêu của họ dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Giở lại những bức thư, bức ảnh và kỷ vật đã úa màu thời gian, ông bà ôn lại những kỷ niệm về mối tình đã đi qua khói lửa của bom đạn. Câu chuyện tình ấy bắt đầu từ thời kỳ đất nước còn chiến tranh, cuộc sống người dân đói khổ.

cau chuyen ky dieu sau 4 lan nhan giay bao tu
Ngày nay khi tuổi đã cao nhưng ông Ngoạn và bà Thất vẫn chăm sóc, quan tâm nhau mỗi ngày.

Ngồi trong căn nhà, ông Ngoạn nhớ lại mối tình đẹp xưa kia của ông bà rồi kể, năm 16 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Ngày đó, bà Thất là bạn thân của em gái ông, thường xuyên lui tới nhà nên được các thành viên trong gia đình rất yêu mến.

Ông Ngoạn thường đi xa nhà nhưng lần nào về cũng nhìn thấy bà Thất hiền lành, nết na nên ông đem lòng thương từ khi nào không biết. Năm 1955, đám cưới thân mật của ông bà được tổ chức trước sự chứng kiến, chung vui của hai bên gia đình, họ hàng.

Trước Cách mạng tháng Tám thành công, ông xin nhập ngũ, tham gia Cách mạng, “ngày đó tôi biết chữ nên được giữ chức vụ tiểu đội phó và còn nhận nhiệm vụ dạy văn hóa cho anh em, hồi đó gian khổ nhưng lòng vui lắm vì đã được cống hiến công sức của mình cho đất nước”, ông Ngoạn nhớ lại.

Năm 1967, ông Ngoạn phải vào chiến trường Quảng Trị tăng cường cho tiền tuyến. Trong thâm tâm, bà Thất không muốn ông đi bởi những năm tháng chiến tranh khói lửa ấy, có biết bao người ra đi không bao giờ trở về. Thế nhưng bà Thất cũng đành nuốt nước mắt vào trong để cho chồng yên tâm hoàn thành nghĩa vụ với đất nước.

Trong những ngày chiến trường miền Nam bị địch tập kích, bộ đội ta thương vong rất nhiều, bà Thất càng mong chờ tin tức của chồng nhưng thêm thời gian, tin về ông chẳng có, bà lo lắng, đợi chờ. Đến năm 1968, bà Thất nhận được tin chồng hy sinh ngoài mặt trận, tin báo tử của chồng là cú sốc mạnh đối với bà.

“Lúc đó, có người gửi cho tôi tờ giấy báo tử nói ông Ngoạn đã hy sinh trong một trận truy quét của địch. Lúc nghe tin ấy, tai tôi ù, nói không nên hơi, không cầm lòng được, rồi ngất lịm đi”, bà Thất nhớ lại.

Không lâu sau, trong lần bà đang nằm điều trị tại viện Tổng cục Hậu cần quân đội, bà nhận ba lô, quần áo của chồng, lại thêm lần nữa nhận được giấy báo tử của chồng, bà tuyệt vọng. Vết thương xưa chưa lành, thêm lần nỗi đau cứa sâu vào lòng người vợ trẻ, sau đó, liên tiếp hai lần có bộ đội mang ba lô về tận nhà, báo tử cho gia đình.

Những ngày tháng tuyệt vọng đó, bà vẫn nhớ lời dặn của chồng, bà cố gắng mạnh mẽ hơn để làm chỗ dựa tinh thần, giúp gia đình vượt qua mất mát đau thương. Tuy nhiên, trong tiềm thức của người vợ, bà Thất linh cảm chồng mình vẫn còn sống, bà vẫn đặt niềm tin ông sẽ trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Niềm vui trong câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Kể từ khi nhận được giấy báo tử của chồng, hàng ngày nhang khói cho ông nhưng bà Thất vẫn son sắt chờ đợi chồng. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, cho đến năm 1969, ông Ngoạn trở về trong sự vỡ òa ngạc nhiên, hạnh phúc của bao người.

Bà Thất vẫn nhớ như in khoảng khắc kỳ diệu ấy, khi ông Ngoạn vừa vào tới nhà, bà đã hét toáng lên vì nghĩ ông là ma. Ông bà kể đến đây đã không giấu được cảm xúc, niềm hạnh phúc ngày nào vẫn vẹn nguyên trong giọng nói của bà Thất, ông Ngoạn nhìn vợ nói xen vào: “Những năm đó cuộc chiến rất ác liệt, thư từ tin tức thất lạc, nhầm lẫn về sự hy sinh của tôi cũng là chuyện bình thường”.

Theo lời kể của ông, đã nhiều lần ông tưởng mình sẽ không thể qua khỏi. Có lần, ông mắc bệnh sốt rét ác tính, tưởng như vô phương cứu chữa hay những lần bị địch tập kích, chính ông cũng không tin mình được trở về đoàn tụ với vợ con.

Ngày ông trở về, cả gia đình được đoàn tụ, dân làng đến chúc mừng, họ kể cho nhau nghe về sự chung thủy của bà Thất, về sự trở về bình an của ông, về sự kỳ diệu như chuyện cổ tích giữa đời thường.

Một câu chuyện với một kết thúc có hậu mà người ta thường chỉ thấy trên phim ảnh, những thứ tình cảm đã gắn kết họ qua biết bao thăng trầm của thời thế ấy vốn không thể nói được bằng lời.

Sau những ngày trở về từ chiến trường, ông Ngoạn tiếp tục tham gia các công tác khác nhau và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, ông luôn đứng về phía bảo vệ quyền lợi của người dân nên được nhiều người tin yêu, quý mến. Hiện nay, dù ở cái tuổi xưa nay hiếm song hai ông bà vẫn luôn yêu thương nhau, giúp nhau trong những sinh hoạt hàng ngày.

Có những đêm ông Ngoạn ốm hay những tối mất ngủ, bà Thất lẳng lặng chăm sóc cho ông. Mỗi khi có tâm sự, ông đều gửi gắm vào trái tim bà, còn bà Thất luôn hạnh phúc với sự lớn khôn và thành đạt của con, cháu.

N. Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này