Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cụ thể hóa chính sách thu hút nhân tài

13:52 | 18/04/2019
(LĐTĐ) Theo tin từ Văn phòng Quốc hội, sáng qua (17/4) Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. 
cu the hoa chinh sach thu hut nhan tai Hà Nội: Đề xuất tăng thu nhập cho cán bộ nhằm thu hút nhân tài
cu the hoa chinh sach thu hut nhan tai Chính sách mới về thu hút nhân tài có hiệu lực từ hôm nay

Ba nội dung mới liên quan đến công chức, viên chức

Trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, thay mặt Ban Soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ điểm mới trong dự thảo Luật lần này là có ba vấn đề được đưa ra xin ý kiến UBTVQH gồm: Đối tượng là công chức, thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới; kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

cu the hoa chinh sach thu hut nhan tai
Toàn cảnh phiên họp.

Trong đó, về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, qua tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo Luật quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác nhằm thể chế hóa yêu cầu trong Nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Cần cân nhắc xem cái gì qui định trong Luật, cái gì thì qui định trong Nghị định của Chính phủ.

Tác động của chính sách này với nhân tài, người tài năng như thế nào, sắp xếp công chức, viên chức thì nguồn lực tài chính sẽ là bao nhiêu? Riêng về chính sách thu hút tài năng, chúng ta đã có rải rác trong các Nghị định, văn kiện của Đảng thì ta cần xem lại để áp dụng chính sách đãi ngộ người có tài thực sự phát huy được năng lực. Rõ ràng tình trạng chảy máu chất xám, không thu hút được người tài năng là do chính sách của ta còn có những bất cập…

Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị tách nội dung này (hiện đang được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Điều 84) thành điều riêng quy định theo hướng: Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tương ứng với từng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm cần quy định hình thức kỷ luật phù hợp bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cụ thể mà cán bộ, công chức, viên chức đó được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu. Đồng thời, cần quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chúng ta chỉ xóa cái tồn tại, đang hiện hữu đối với công chức đã nghỉ hưu (những chế độ này được hưởng nhờ chức danh khi đương chức), chứ không thể xóa cái không còn.

Ví dụ ông Nguyễn Văn A là Bộ trưởng nghỉ hưu, chúng ta gọi là nguyên Bộ trưởng và đang được hưởng chế độ về tinh thần, vật chất như vinh danh trong “bảng vàng” của Bộ, được mời tham gia hội nghị, hội thảo, chế độ chăm sóc y tế đối với cán bộ cấp cao... - những vấn đề này có thể xóa nếu vi phạm.

Quan trọng cơ chế thu hút hiền tài!

Ngoài các nội dung trên, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là làm sao dự án Luật (sửa đổi) khi đi vào thực tiễn phải thực sự tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng để thu hút nhân tài.

Cụ thể, về thu hút nhân tài, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 quy định chính sách đối với người có tài năng. Theo đó giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng. Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

Báo cáo Thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy: Điều 6 của Luật hiện hành đã có quy định về chính sách đối với người có tài năng và thực tiễn thời gian qua một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này đã phát huy những hiệu quả nhất định.

Bên cạnh đó, lĩnh vực, ngành nghề cần thu hút người có tài năng rất rộng, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng nên việc quy định cụ thể hết các nội dung trong Luật là không khả thi. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng. Tuy nhiên, để thể chế hóa đầy đủ yêu cầu của nghị quyết Trung ương, Ủy ban đề nghị sửa thành Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ người có tài năng.

Có ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm “người có tài năng” trong Luật để thống nhất cách hiểu; đồng thời bổ sung quy định để điều chỉnh các trường hợp sau khi thu hút nhưng người này không thể hiện được tài năng trong công việc được giao. Làm rõ vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng: Khi đã có chính sách đối với người có tài năng, thì cũng cần có chính sách cho nhân tài.

“Cho nên dự thảo Luật cần thêm cụm từ “đối với người có tài năng và nhân tài”. Người có tài năng và tài giỏi là tiềm năng nhưng nhân tài là phải có thời gian học cập, công tác và cống hiến. Nếu không có chính sách với nhân tài thì sẽ khó thu hút được chất xám của nhân tài. Luật cần ghi rõ để chính sách có tính bao quát, phù hợp với chính sách chung của Nhà nước để nhân tài phấn đấu.

Đáng chú ý ông Hà Ngọc nêu vấn đề, ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây địa phương thường áp dụng chính sách cử tuyển công chức, viên chức và có trách nhiệm bố trí công việc cho họ. Nhưng nay công chức, viên chức cấp xã phải qua thi tuyển. Đối với học sinh cử tuyển khi thi tuyển về địa phương và địa phương cử đi học, khi trở về công tác chế độ chính sách, bố trí công việc cho cán bộ, viên chức cử tuyển ra sao?…

Trong khi tại Khoản 2, Điều 4 mới đưa việc công chức từ cấp huyện trở lên, còn ở cấp xã thì không đề cập. Vậy việc liên thông cán bộ cấp xã sẽ như thế nào? Bởi họ cũng được có hưởng lương, thi tuyển rõ ràng như công chức cấp huyện, tỉnh. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Đã có cơ chế tuyển dụng người tài thì cũng cần có chính sách tuyển dụng người chưa tài thông qua chế độ cử tuyển.

Kết luận phần thảo luận về Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Cần cân nhắc xem cái gì qui định trong Luật, cái gì thì qui định trong Nghị định của Chính phủ.

Tác động của chính sách này với nhân tài, người tài năng như thế nào, sắp xếp công chức, viên chức thì nguồn lực tài chính sẽ là bao nhiêu? Riêng về chính sách thu hút tài năng, chúng ta đã có rải rác trong các Nghị định, văn kiện của Đảng thì ta cần xem lại để áp dụng chính sách đãi ngộ người có tài thực sự phát huy được năng lực. Rõ ràng tình trạng chảy máu chất xám, không thu hút được người tài năng là do chính sách của ta còn có những bất cập…

H.P- T.H

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này