Quản lý thị trường thuốc Đông y gia truyền, bỏ ngỏ đến bao giờ!

Kỳ cuối: Những bất cập trong quản lý

14:38 | 12/04/2019
(LĐTĐ) Như báo Lao động Thủ đô đã phản ánh, hiện nay thị trường Đông y trở nên bát nháo khi thuốc được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Thậm chí, nhiều lương y còn bị đánh cắp “hình ảnh” để bán thuốc, gây tâm lý hoang mang cho người sử dụng. Hệ lụy nhãn tiền là, những bài thuốc gia truyền “nhập nhèm” dần làm mất đi hình ảnh đẹp của những lương y gia truyền chân chính. 
ky cuoi nhung bat cap trong quan ly Kỳ 2: Báo động đánh cắp hình ảnh lương y để bán thuốc
ky cuoi nhung bat cap trong quan ly Kỳ 1: Tràn lan thuốc Đông y không rõ nguồn gốc
ky cuoi nhung bat cap trong quan ly Cẩn trọng vẫn hơn

Thầy thuốc phải biết bảo vệ mình

Bàn về những “thần dược” được rao bán nhan nhản trên mạng, Thầy thuốc Nhân dân- Lương y Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam) thừa nhận, hiện nay, chỉ cần lướt qua internet, mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp hàng trăm trang web kinh doanh thuốc Đông y gia truyền với đủ loại đặc trị các bệnh, trong đó có cả những bệnh nan y.

ky cuoi nhung bat cap trong quan ly
Lương y Nguyễn Hồng Siêm chia sẻ về những khó khăn trong quản lý cơ sở hành nghề Đông y

Tuy nhiên, việc này nguy hiểm ở chỗ, phần lớn người bán không có chuyên môn và chỉ chạy theo lợi nhuận. Người bệnh không được thăm khám trực tiếp để có chẩn đoán chính xác nên rất dễ dẫn đến tình trạng bệnh một đằng nhưng chữa một nẻo. Chưa kể, nếu thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng… thì có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Đối với việc thầy thuốc bị đánh cắp hình ảnh để bán thuốc, lương y Siêm cho biết chính bản thân ông cũng đã từng gặp trường hợp tương tự. “Cũng đã có nhiều lương y phản ánh việc bị lấy cắp hình ảnh để bán thuốc. Tuy nhiên, Hội Đông y chỉ có chức năng tuyên truyền đối với các cơ sở, cá nhân bán thuốc Đông y chứ không thể xử phạt được. Việc điều tra, xử phạt phải đợi các cơ quan chức năng của Bộ Y tế”, ông Siêm cho biết.

Từ năm 2010 đến nay, lương y Nguyễn Hồng Siêm đã đào tạo trên 2000 Y sĩ Y học Cổ truyền, giải quyết tạm thời cho “bài toán” giấy phép hành nghề cho những lương y gia truyền.

Mới đây, Hội Đông y Hà Nội cũng đã đưa ra đề án đưa các lương y vào trong hệ thống khám, chữa bệnh tại xã, phường. Dự kiến đề án sẽ bắt đầu thử nghiệm tại một số quận, huyện trong quý II năm 2019, hứa hẹn sẽ là một hướng đi mới cho các lương y gia truyền ở Việt Nam.

Lương y Siêm cũng chia sẻ: “Hội Đông y Hà Nội đã tuyên truyền tới nhiều tổ chức, cá nhân trong việc kinh doanh thuốc Đông y trên địa bàn. Tuy nhiên, để ngăn chặn việc lương y bị lợi dụng lấy hình ảnh để quảng cáo tràn lan như hiện nay thì bản thân thầy thuốc phải biết bảo vệ chính mình”.

Bởi thực tế chỉ ra rằng, hầu hết các lương y ở nước ta thời gian qua bị đánh cắp hình ảnh để in lên pano, poster, đăng tải quảng cáo trên các trang mạng, diễn đàn... trái với quy định thì các lương y đều giữ thái độ im lặng hoặc lên mạng xã hội “giãi bày tâm sự” để minh oan. Chính cách ứng xử này của các lương y chỉ giải quyết được phần ngọn, không đi đến cùng sự việc để đưa những hành vi trái pháp luật phải chịu những “đòn roi” thích đáng.

Thực tế, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; hành vi “quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép” sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Trong khi đó, Điều 31 của Bộ luật Dân sự 2005 cho biết cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và “nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Như vậy, theo Luật thì cá nhân hoặc tổ chức bất kỳ khi sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích bất kỳ (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật là vậy song theo lương y Nguyễn Hồng Siêm, không phải lương y nào cũng nắm rõ luật và nắm đầy đủ bằng chứng để ra pháp luật tố cáo, đòi lại quyền lợi cho mình. Theo ông, để xử lý việc đánh cắp hình ảnh trên mạng xã hội để quảng cáo thì các cơ quan chức năng, thanh tra của ngành y tế phải vào cuộc, kết hợp với an ninh mạng mới có thể xử lý một cách dứt điểm.

Nhiều khó khăn trong quản lý

Trong việc quản lý Đông y gia truyền, ông Siêm cho biết, theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT, ngày 4-11-2011, của Bộ Y tế, thì đối với người khám, chữa bệnh phải có bằng cấp về chuyên môn, có cơ sở vật chất và trang thiết bị, có đất xây dựng địa điểm riêng, cố định và tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình; phòng khám chuyên khoa phải có buồng khám bệnh có diện tích ít nhất là 10m2 và có nơi đón tiếp người bệnh...

Theo những điều kiện này, thì rất ít lương y ở những địa bàn vùng sâu vùng xa có đủ điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề, vì lâu nay các bài thuốc đều của những người trong gia đình từ đời trước truyền lại và những người hành nghề đều đã lớn tuổi, không thể theo học để có các bằng cấp về chuyên môn. Vậy nên, nhiều nơi những người hành nghề đều bán thuốc và hành nghề... “chui”.

Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cũng chỉ ra điểm bất cập khác là hiện Thông tư số 41/2011/TT-BYT mới chỉ quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề Đông y cho các đối tượng là bác sĩ của các trường y học cổ truyền, còn riêng lương y thì chưa có. Mặt khác, việc cấp phép hành nghề cho các thầy lang còn chưa sát thực và còn chậm trễ, cho nên khó phân luồng, đánh giá và quản lý.

“Từ năm 2010 tôi đã đi xin mở lớp đào tạo về lương y nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chưa có mã ngành. Ngành y tế chưa có mã ngành thì chưa có mã đào tạo nên có học đến 10 năm lương y vẫn là lương y và không có bằng. Hiện nay, công tác quản lý cũng như việc cấp giấy phép hành nghề đối với thầy lang, hoặc các cơ sở Đông y, còn nhiều bất cập. 10 năm nay, Bộ Y tế mới công nhận có 4 trường hợp lương y gia truyền”, ông Siêm cho biết.

Theo ông Siêm, việc mua bán thuốc Đông y tràn lan trên thị trường hiện nay một phần là do ý thức của người dân: “Nhiều người cứ thấy thuốc có mác Đông y gia truyền thì đều cho rằng đó là thuốc tốt. Về bản chất bất cứ một loại thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ và thực chất không có một loại thuốc nào an toàn tuyệt đối với người sử dụng. Ngay cả đối với những vị thuốc được cho là lành (không sử dụng hóa chất) thì việc chế biến, sơ chế và sử dụng, kết hợp với vị nào, không thể kết hợp với vị nào... vẫn phải tuân theo một nguyên tắc nhất định mới phát huy được hiệu quả chữa bệnh của vị thuốc đó, nếu làm không đúng có thể gây ra những phản ứng có hại”

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội nhấn mạnh rằng, người bệnh phải rất cẩn trọng khi sử dụng thuốc Đông y. Nên đi khám, chữa bệnh ở những nơi được cấp phép đàng hoàng, đề phòng với tất cả cách khám chữa bệnh mơ hồ, những lời chỉ dẫn thiếu căn cứ...

Theo ông Siêm, để kiểm soát được thị trường Đông y, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thì cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, các ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đông dược, đồng thời phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, kiểm soát thị trường đông dược và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Trước mắt, cần tăng cường lực lượng thanh tra y tế, nhất là những người có chuyên môn về y học cổ truyền. Nhà nước cần tập trung phát triển các vùng sản xuất dược liệu trong nước, góp phần hạn chế các loại đông dược không bảo đảm chất lượng nhập lậu từ nước ngoài.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này