“Giải bài toán” nước sạch Hà Nội:

Kỳ II: Bài toán công nghệ và nguồn nhân lực

17:08 | 11/04/2019
(LĐTĐ) Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân sẽ được sử dụng nguồn nước sạch. Đây là nhiệm vụ khả thi khi thành phố tập trung nhiều nguồn lực để triển khai. Tuy nhiên, những “tồn tại” trong ngành nước sạch vẫn còn đó khi những thách thức về “công nghệ” và “nguồn nhân lực” chưa được giải quyết.
ky ii bai toan cong nghe va nguon nhan luc Kỳ I: Khó khăn và thách thức
ky ii bai toan cong nghe va nguon nhan luc Hà Nội: Sẽ có thêm nhiều trụ nước sạch phục vụ người dân
ky ii bai toan cong nghe va nguon nhan luc Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cấp nước sạch nông thôn

Công nghệ tụt hậu

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, so với vài năm trước đây, tổng công suất các nhà máy nước của Hà Nội hiện nay đã tăng từ 1 triệu m3/ngđ lên khoảng 1,335 triệu m3/ngđ, 100% dân số nội thành được sử dụng nước sạch, tương đương 3,4 triệu người với tiêu chuẩn cấp nước 120 – 150 lít/ người/ ngày.

Ngoài ra, 55% dân số vùng nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sạch, tương ứng 2,2 triệu người với tiêu chuẩn cấp nước đạt 70 – 100 lít/ người/ ngày (thực tế sử dụng là 40 – 50 lít/ người/ ngày). Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm từ 24% xuống dưới 18%...

ky ii bai toan cong nghe va nguon nhan luc
Trạm cấp nước thôn Yến Vĩ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. (ảnh: Hà Phong).

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những “điểm sáng” hiếm hoi trong vô vàn những tồn tại cả chủ quan và khách quan của ngành nước sạch Hà Nội nói chung. Thực tế hiện nay cho thấy, chưa bàn với các cải tiến về chất lượng nguồn nước, không khó để nhận ra công tác thu tiền nước của các đơn vị này vẫn được thực hiện theo cách đã được áp dụng từ những năm đầu của thế kỷ 20.

Theo đó, để hoàn thành một quá trình thu phí, nhân viên thu tiền nước thường sử dụng hai loại sổ. Đó là “sổ dây” in ra từ hệ thống thông tin khách hàng phục vụ cho việc ghi đọc đồng hồ hàng tháng và “sổ truyền thống”, tức là sổ tay ghi đọc tương ứng với lộ trình đọc một ngày.

ky ii bai toan cong nghe va nguon nhan luc
Công nhân khu công nghiệp Thăng Long sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt hàng ngày. (ảnh: Mai Quý).

Thống kê bình quân, mỗi nhân viên ghi trung bình đọc trên 100 đồng hồ/ ngày, thu tiền nước 100 đồng hồ/ ngày. Sau khi đọc chỉ số đồng hồ tại nhà khách hàng, nhân viên ghi đọc chuyển sổ đọc vể tổ vi tính của Phòng Kinh doanh.

Nhân viên nhập liệu thực hiện các thao tác nhập chỉ số đồng hồ theo từng tuyến và vào theo thứ tự khách hàng. Tính hóa đơn tiền nước và kiểm tra bảng kê soát. Nhân viên kinh tế các đội đến Phòng Kinh doanh nhận hóa đơn và giao cho các nhân viên thu ngân tại đội của mình.

Thực tế cho thấy, cách làm này đã trở nên lạc hậu, năng suất không cao do các nhân viên hay gặp phải khó khăn về vị trí đặt đồng hồ, bảo quản vệ sinh đồng hồ và khi đi thu tiền nước không gặp khách hàng.

Việc áp dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại như (máy đọc cầm tay, đọc chỉ số đồng hồ tự động, phát hành hóa đơn điện tử…) sẽ giúp nâng cao năng suất lao động đáng kể, hiệu quả kinh doanh và tài chính.

Đây chỉ là một trong muôn vàn khó khăn, thách thức về mặt “công nghệ” mà các đơn vị ngành nước sạch Hà Nội sẽ phải vượt qua nếu không muốn bị tụt hậu.

Bài toán nguồn nhân lực

Là một trong những đơn vị được cổ phần hóa (CPH) đầu tiên trong ngành nước sạch Hà Nội, ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội, cho rằng, các hoạt động đào tạo để người lao động thích ứng với tư duy quản trị mới, tiếp cận học hỏi những công nghệ mới không được nhanh như kỳ vọng.

ky ii bai toan cong nghe va nguon nhan luc
Người dân sử dụng nước sạch uống tại vòi (ảnh: Mai Quý).

“Khi tiến hành CPH đơn vị, chúng tôi từng lo lắng cách ứng xử của tổng thể hệ thống quản lý nhà nước với doanh nghiệp mình như thế nào, liệu có thay đổi? Tuy nhiên, thực tế chứng mình những lo lắng này là thừa, bằng chứng là từ cơ quan quản lý nhà nước, đến đối tác truyền thống đều hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự khó khăn lại đến từ những gì chúng tôi an tâm nhất, đó là bài toán nguồn nhân lực trong việc thích ứng với tư duy quản trị mới” – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thắng, từ những ngày đầu khi mới CPH thành công, có một phần không nhỏ NLĐ trong đơn vị không hề biết sử dụng Smartphone (điện thoại thông minh), không quen dùng máy tính, không có tư duy nhận thức về các mô hình quản trị mới…

“Bằng rất nhiều nỗ lực, đến nay khách hàng đã có thể kiểm tra và thanh toán tiền nước bằng hóa đơn điện tử trên điện thoại. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng đến phương pháp thanh toán qua các ứng dụng ngân hàng, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân” – ông Thắng cho hay.

Cũng cần phải khẳng định rằng, bên cạnh những tồn tại, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành nước sạch Hà Nội có nhiều điểm đáng biểu dương. Nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều khó khăn, từ một hệ thống cung ứng đáng tuổi “ông cụ”, các đơn vị ngành nước Hà Nội vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng của hơn 1 triệu hộ khách hàng.

Đó là biết bao công sức “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” của nhiều thế hệ cán bộ ngành nước sạch Hà Nội. Tuy nhiên, hài lòng với lịch sử chính là con người ngắn nhất để bị tụt hậu, nhất là trong bối cảnh công nghệ 4.0 và nhiều đơn vị trong ngành đang trong quá trình CPH.

(còn nữa)

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này