Thành quả từ chuyển đổi mô hình kinh tế

15:28 | 11/04/2019
(LĐTĐ) Là huyện ngoại thành ở phía Nam thành phố Hà Nội, sau 10 năm sáp nhập vào Thủ đô, huyện Thường Tín đã có những bước chuyển biến tích cực trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được duy trì phát triển.
thanh qua tu chuyen doi mo hinh kinh te Nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả
thanh qua tu chuyen doi mo hinh kinh te Quảng Bình: Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn tín dụng chính sách
thanh qua tu chuyen doi mo hinh kinh te Thương binh hạng 4/4 quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương

Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Đến nay toàn huyện đang dồn sức đề hoàn thành mọi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra, làm bản lề đề xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoàn 2020 - 2025.

thanh qua tu chuyen doi mo hinh kinh te
Vườn cây cảnh được người dân chăm sóc phục vụ du lịch sinh thái tại xã Hồng Vân.

Từ phát triển toàn diện

Theo ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, trong 3 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn.

Giá trị sản xuất các ngành Công nghiệp - Xây dựng, Thương mại - dịch vụ, nông nghiệp đều đạt, vượt kế hoạch và tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt kết quả tốt. Triển khai kế hoạch gieo cấy vụ xuân 2019 đảm bảo tiến độ thời vụ. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản.

Cụ thể, giá trị sản xuất Công nghiệp - Xây dựng 3 tháng đầu năm ước đạt 5.148 tỷ đồng, đạt 27,2% kế hoạch năm và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018; tổng giá trị Thương mại - Dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt 3.246 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018; Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 3 tháng đầu năm ước đạt 797,035 tỷ đồng, đạt 54,2% kế hoạch năm, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018.

Huyện đã hỗ trợ 70% giá giống lúa cho 50% diện tích của các xã, thị trấn, định mức 2kg/sào, 100% giá giống và 130.000 đồng/sào tiền phân bón cho các điểm khảo nghiệm giống lúa mới tại các xã: Duyên Thái, Khánh Hà, Quất Động với diện tích 38,3 ha và mô hình gieo sạ tại xã Nhị Khê với diện tích 4,7 ha, mô hình dưa chuột tại xã Dũng Tiến với diện tích 0,6 mẫu.

Tổng lượng thóc giống đã hỗ trợ 108,99 tấn, tổng kinh phí hỗ trợ là 2,14 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác tưới tiêu, phục vụ sản xuất, chủ động trong công tác chống hạn và phòng, chống thiên tai.Tổng diện tích gieo trồng cây vụ xuân năm 2019 ước đạt 5.583 ha, trong đó diện tích gieo cấy lúa xuân ước đạt 4.814 ha, đạt 94,4% so với kế hoạch, giảm 46 ha so với vụ xuân 2018; tổng diện tích cây màu các loại ước đạt 769 ha.

Về giao thông, huyện đã triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2019; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn huyện.

Chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền lưu động, cổ vũ trực quan dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tập trung tại các điểm đông dân cư trong dịp tết Nguyên Đán và Lễ hội đầu xuân năm 2019 về các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Về chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Tổ chức tốt các kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp huyện, gồm 995 em dự thi, trong đó có 658 em đạt học sinh giỏi. Tham gia thi học sinh giỏi cấp Thành phố đạt kết quả cao gồm 01 giải Nhì, 10 giải Ba, 26 giải Khuyến khích, 01 giải A cuộc thi “Sải cánh vươn cao”, 01 giải Nhì toàn đoàn Hội thi “Giai điệu tuổi hồng”.

Về văn hóa xã hội, huyện tăng cường kiểm tra công tác quản lý và tổ chức các lễ hội, đặc biệt là các lễ hội lớn, quản lý các dịch vụ văn hóa, thông tin, các cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, kinh doanh đĩa nhạc, đĩa hình, không có các trò chơi cờ bạc trá hình, không có ăn mày, ăn xin, không có các hoạt động mê tín dị đoan. Nhiều lĩnh vực khác cũng tạo được sự đột phá trong những tháng đầu năm 2019.

Đến một xã điển hình

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ XXIII phải kể đến phong trào phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thường Tín mà đặc biệt là xã Hồng Vân. Đến Hồng Vân hôm nay, một điều khác lạ, đặc biệt khiến mỗi người phải ấn tượng là những con đường nơi đây được đặt theo tên các loài hoa.

Những tên đường Hoa Ban, Phượng Vĩ, Hoa Sưa, Chuông Vàng, Phượng Tím,... khiến người đến như lạc vào xứ sở hoa của Đà Lạt. Cùng với đó, khắp Hồng Vân những tháng cuối năm là hình ảnh những người thợ đang tỉ mỉ với công việc cắt lá, tỉa cành, tạo dáng cho hoa, cây cảnh.

Theo người dân nơi đây, cây cảnh có mặt ở Hồng Vân từ lâu, phát triển mạnh khoảng 20 năm trở lại đây. Khi đó, nhà nhà theo nghề trồng cây cảnh, cũng từ đó nhiều hộ gia đình xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đồ dùng hiện đại.

Trong làng cũng lần lượt xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú cây cảnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho thị trường cây cảnh trầm lắng. Người dân trong nghề gặp khó khăn, một số hộ chuyển nghề, số còn lại tìm cách bám trụ giữ gìn nghề từ xa xưa của làng.

Trong cái khó ló cái khôn, nhiều hộ nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng cây cảnh sang làm du lịch sinh thái và đạt được nhiều thành công. Cùng với đó, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngay sau khi hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp và đạt chuẩn xã nông thôn mới, Đại hội Đảng bộ xã Hồng Vân lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2015 -2020 đã ban hành Nghị quyết phấn đấu đến năm 2020 phát triển xã cơ bản trở thành xã Du lịch – Sinh thái – Làng nghề.

Để tạo điều kiện cho bà con phát triển, giữ nghề, chính quyền xã Hồng Vân đã thành lập các Hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ các xã viên chuyển đổi mô hình kinh tế. Đến nay, xã Hồng Vân đã hình thành điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh với diện tích 128ha, chia thành 6 khu: Khu trung tâm xã; khu sản xuất và trưng bày sản phẩm làng nghề sinh vật cảnh; khu sản xuất nông nghiệp chuyên canh, các mô hình trang trại kết hợp khai thác dịch vụ trải nghiệm; khu ẩm thực đồng quê; khu chuyên canh hoa đào; khu kinh tế trang trại kết hợp khai thác dịch vụ.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Hồng Vân, số lượng khách du lịch đến điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh ngày càng nhiều. Năm 2016, có 5 vạn lượt khách, trong đó có 3 đoàn khách quốc tế với 47 lượt người. Năm 2017, có 3,5 vạn lượt khách, trong đó có 2 đoàn khách quốc tế, với 62 lượt người.

Trong đó, các địa điểm du lịch của điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân thu hút đông khách du lịch gồm Nông trại giáo dục (của Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Anh Tùng) diện tích 2 ha, xây dựng mô hình tham quan du lịch sinh thái; Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân diện tích 35,6 ha tổ chức liên kết sản xuất hoa, cây cảnh, rau củ quả, chăn nuôi và tham quan quy trình sản xuất trà chùm ngây, trà trâu cổ, rượu hoa quả các loại; Khu trồng cây ăn quả kết hợp với khai thác dịch vụ tâm linh trải nghiệm dọc sông Hồng như đền Xâm Thị và đền Chử Đồng Tử phục vụ khách thập phương có nhu cầu về tín ngưỡng và vãn cảnh ven sông Hồng.

Chia sẻ về phương hướng phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tiếp theo, ông Mai Văn Ngần (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Vân) cho hay: “Trong thời gian tới, Hồng Vân tập trung hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đáp ứng yêu cầu của điểm du lịch, phấn đấu đến năm 2020 đưa điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách của huyện Thường Tín và của thành phố Hà Nội. Đồng thời chúng tôi hướng đến mục tiêu đón được 1000 lượt khách du lịch quốc tế, 500.000 lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 50 tỷ đồng, qua đó đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn của địa phương..

Những mô hình du lịch sinh thái đang ngày càng được nhân rộng tại xã Hồng Vân, đưa vùng đất này trở thành một điểm nhấn trong chương trình hành lang xanh của Thủ đô. Để tiếp tục phát huy thế mạnh về du lịch cho xã, lấy du lịch làm mũi nhọn của địa phương đòi hỏi phải có sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt từ chính quyền các cấp cho đến các hộ dân trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường, có vậy, mô hình du lịch sinh thái mới có thể phát triển bền vững, xứng đáng là điểm sáng của sự phát triển kinh tế - xã hội của không chỉ của huyện Thường Tín mà còn tạo hành lang xanh cho Thủ đô.

Bảo Thoa – Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này