Người làng nón khai thác du lịch từ làng nghề truyền thống

15:16 | 11/04/2019
(LĐTĐ) Để gìn giữ nghề truyền thống, những năm gần đây, các cơ sở sản xuất nón lá ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã tìm ra hướng đi mới, phát triển nghề của làng. Bên cạnh việc sản xuất nón lá phục vụ thị trường trong nước, họ còn tập trung vào sản xuất các mặt hàng phục vụ du lịch, xuất khẩu kết hợp với khai thác du lịch trải nghiệm thu hút khách quốc tế đến tham quan.  
nguoi lang non khai thac du lich tu lang nghe truyen thong Cơ hội phát triển làng nghề du lịch
nguoi lang non khai thac du lich tu lang nghe truyen thong Đỉnh cao nghệ thuật đan mây tre ở Việt Nam
nguoi lang non khai thac du lich tu lang nghe truyen thong Giải quyết bài toán môi trường ở làng nghề tái chế phế liệu

Nón làng Chuông từ lâu đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước như một nét đẹp văn hóa của mảnh đất trăm nghề. Vào những ngày diễn ra phiên chợ hàng tháng, khi bước chân đến gần khu vực đình làng Chuông, du khách sẽ thấy bao trùm một màu trắng của những chiếc nón lá hay đủ màu sắc của những sợi chỉ.

nguoi lang non khai thac du lich tu lang nghe truyen thong
Người làng Chuông vẫn ngày ngày làm ra những chiếc nón lá vừa tăng thu nhập và cũng là cách để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông

Cả phiên chợ hàng trăm người bán, hàng nghìn người mua, nhưng chỉ có một sản phẩm duy nhất là nón và các nguyên liệu làm nón. Làng Chuông được xem là làng làm nón lâu đời nhất ở miền Bắc, cũng như nhiều làng nghề khác, nghề nón ở xã Phương Trung cũng trải qua không ít thăng trầm.

Để có chỗ đứng vững chắc trong nghề và cũng để gìn giữ nghề truyền thống, nhiều cơ sở sản xuất nón ở xã Phương Trung đã tìm hướng đi mới, trong đó tập trung vào làm hàng phục vụ du lịch, xuất khẩu. Các mẫu mã nón mới, với đủ các kích cỡ khác nhau, ngoài phục vụ cho nhu cầu sử dụng truyền thống, còn có các loại để làm đồ lưu niệm, trang trí...

Ðiển hình trong đó phải kể đến nón lụa, được làm kết hợp với vải lụa Hà Ðông tạo nên sự mềm mại, đẹp mắt trong từng chiếc nón lá. Nón làng Chuông đã tham gia vào nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như SEA Game 22, Hội nghị APEC 2006 và nhiều hội chợ quốc tế.

Để tiếp nối nghề, người dân đã nhanh chóng chuyển đổi thói quen sản xuất truyền thống nhỏ lẻ sang hướng liên kết, chuyên môn hóa, hình thành bộ phận chuyên cung cấp nguyên vật liệu và bộ phận gom hàng giải quyết đầu ra.

Nhờ những cách làm đó, nghề làm nón của xã dần được khôi phục và có bước phát triển vững chắc. Nếu như trước đây, người làng Chuông chủ yếu làm nón bình dân, giá thấp thì nay có những chiếc nón chất lượng cao, mẫu mã đẹp có giá từ 150 – 200 nghìn đồng/chiếc.

nguoi lang non khai thac du lich tu lang nghe truyen thong

Các cơ sở sản xuất ở xã đang đổi mới, đa dạng sản phẩm, các mẫu mã nón mới

Việc quảng bá du lịch đã lan tỏa đi nhiều nước nên xã đã thu hút được khách du lịch nước ngoài vào tham quan. Ở làng Chuông đã xuất hiện những doanh nghiệp trẻ sản xuất và kinh doanh nón.

Điển hình như cơ sở sản xuất nón lá của gia đình bà Tạ Thu Hương, ngoài việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nón lá, trong gần chục năm qua, gia đình bà đã liên kết với các tour du lịch đưa khách về thăm làng và chỉ dẫn khách trải nghiệm quy trình làm nón.

“Để gìn giữ nghề truyền thống mà mẹ tôi để lại cho gia đình, lớn lên tôi tìm hiểu cách tiếp cận với thị trường để quảng bá cho nhiều du khách và các công ty xuất nhập khẩu biết đến nón lá của làng, sau đó chúng tôi thay đổi trong cách sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú hơn.

Gia đình tôi thường xuyên tham gia các hội chợ để quảng bá thương hiệu sản phẩm cho nghề và liên kết với các tour du lịch lữ hành đón các khách trong và ngoài nước về tại xưởng của gia đình để thăm quan, trải nghiệm nghề.

Qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, quảng bá được nghề truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm nghề đơn thuần”, bà Hương cho hay.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này