Bác sĩ trẻ tình nguyện: Những đóng góp lặng thầm

18:06 | 09/04/2019
(LĐTĐ) Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết, là một trong 7 người nhóm đầu tiên trong tổng số 78 bác sĩ tình nguyện về công tác tại huyện nghèo. Anh là một trong số những sinh viên tốt nghiệp tại Trường Đại học Y Hà Nội tình nguyện tham gia dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” của Bộ Y tế.
bac si tre tinh nguyen nhung dong gop lang tham Hướng tới nâng cao sức khỏe toàn dân
bac si tre tinh nguyen nhung dong gop lang tham Bộ Y tế bàn giao 7 bác sĩ trẻ về công tác tại huyện nghèo

Tiên phong về với nhân dân vùng khó khăn

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động và Tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu lần thứ VIII nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4/2019) diễn ra vừa qua ở Hà Nội đã có 10 gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu với nhiều cống hiến cho người bệnh được vinh danh.

bac si tre tinh nguyen nhung dong gop lang tham
ThS.BSCKI Nguyễn Chiến Quyết phát biểu tại Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Theo ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu là hoạt động thường niên của Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, được tổ chức từ năm 2008 đến nay.

Năm 2019, với mục tiêu hướng đến y tế cơ sở, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và hưởng ứng Năm thanh niên tình nguyện, Hội đồng đã lựa chọn ra 10 gương mặt tiêu biểu, điển hình trong hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, nổi bật trong chuyên môn và nghiên cứu khoa học, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

bac si tre tinh nguyen nhung dong gop lang tham
Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (bên phải) tiến hành một ca mổ nội soi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà.

Là một trong 10 thầy thuốc trẻ được vinh danh lần này, ThS.BSCKI Nguyễn Chiến Quyết - Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà, tỉnh Lào Cai chia sẻ: Chúng tôi là những thanh niên ngành Y tế, vừa mặc trên mình chiếc áo xanh tình nguyện, vừa khoác bên ngoài là chiếc áo blouse trắng, đây là sự kết hợp của tuổi trẻ, nhiệt huyết và chuyên môn. Bởi vậy, những bác sĩ trẻ như tôi sẽ cố gắng mang hết tâm huyết và sức lực để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là những người dân vùng sâu vùng xa điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và hạn chế.

Từ khi tiên phong tình nguyện về Lào Cai công tác, bác sĩ Quyết đã có nhiều đóng góp, cống hiến trong công tác nâng cao sức khỏe cho người dân nơi đây. Cụ thể, trong thời gian công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà từ tháng 7/2017, bác sĩ Quyết đã tham gia hơn 700 ca mổ về chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, ngoại nhi,... trong đó có các ca mổ cấp cứu nặng như chấn thương bụng, vỡ tạng, đa chấn thương, tiền sản giật, rau bong non, cấp cứu bé sơ sinh có trường hợp chỉ nặng 900g….giúp nhiều bệnh nhân nơi đây không phải chuyển tuyến vất vả và tốn kém.

Theo lời bác sĩ Quyết chia sẻ: Các bác sĩ trẻ chúng tôi luôn phát huy tính năng động sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật hiện đại trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đồng thời, để đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe, làm sao để mọi người dân ở cả nông thôn và thành thị đều được chăm sóc như nhau, chúng tôi phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu mà nhân dân cần nhằm mục đích tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, tăng cường y tế tuyến cơ sở cả, cả con người và vật chất.

“Nhiều thầy thuốc đã tình nguyện về vùng sâu, vùng xa công tác; tình nguyện hiến máu cứu chữa người bệnh mà không nhận thù lao của bệnh nhân; có người còn giúp đỡ tiền để bệnh nhân nghèo chữa bệnh, có người còn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho dân nghèo,…mặc dù chính thu nhập và cuộc sống của các thầy thuốc còn nhiều khó khăn", bác sĩ Quyết cho biết.

Đảm bảo tính bền vững cho nguồn nhân lực y tế

Bác sĩ Quyết cũng bày tỏ mong muốn có thêm chính sách để đảm bảo về tinh thần và vật chất cho nhân viên y tế. Đặc biệt, về phía người bệnh, bác sĩ hy vọng người dân có thể hiểu và chia sẻ với những khó khăn của thầy thuốc.Bởi lẽ, nghề y là nghề đặc thù và vất vả.

“Hàng ngày, hàng giờ, các y, bác sĩ phải tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, những máu, mủ với đủ thứ vi trùng, vi rút…nguy cơ lây nhiễm bệnh khá cao. Có những ca trực các y, bác sĩ phải thức thâu đêm đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả…Những vì sức khoẻ và tính mạng của nhân dân, thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để giữ lại sự sống cho bệnh nhân”, bác sĩ Quyết chia sẻ.

Được biết, với Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” ưu tiên 62 huyện nghèo được Bộ Y tế triển khai thực hiện với mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên.

Dự án này được Bộ Y tế kỳ vọng sẽ là giải pháp đồng bộ giúp giảm quá tải tại Bệnh viện tuyến Trung ương, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giúp người dân được hưởng thụ các kỹ thuật cao ngay tại địa phương.

Trước đó, dự án đã đào tạo Chuyên khoa I cho 78 bác sĩ thuộc 10 chuyên ngành (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện.

Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc Trung tâm y tế huyện nghèo.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, dự án là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. Triển khai tốt dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực, trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này