Vấn nạn bạo lực học đường: Giải pháp nào để chấm dứt?

11:35 | 02/04/2019
(LĐTĐ) Bạo lực học đường hiện đang là vấn đề nóng, trở thành mối quan tâm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Những năm gần đây, bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều với mức độ nghiêm trọng. Bạo lực học đường không còn đơn thuần chỉ là những hành vi đánh nhau dẫn đến thương tích cho cơ thể mà còn diễn ra ở dưới góc độ khác với sự cố ý lạm dụng những tính năng của mạng xã hội để tra tấn, làm nhục nhân phẩm người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
van nan bao luc hoc duong giai phap nao de cham dut Bài học không chỉ của ngành giáo dục Hưng Yên mà còn cho cả nước
van nan bao luc hoc duong giai phap nao de cham dut Hà Nội: Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh
van nan bao luc hoc duong giai phap nao de cham dut Giảm bạo lực học đường: Giáo viên cũng cần được tư vấn tâm lý

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, PV báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tâm lý - pháp lý TS. Nguyễn Hà An (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trách nhiệm Xã hội).

PV: Những ngày qua, xã hội lại một lần nữa nóng lên với vấn đề bạo lực học đường khi clip một học sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị lột quần áo, đánh hội đồng ngay tại lớp học. Sau đó, đoạn clip về màn “hội đồng” tàn ác đã được đưa lên mạng xã hội. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- TS. Nguyễn Hà An: Vấn đề này theo suy nghĩ của tôi là một hồi chuông báo động, thể hiện kỉ cương trong nhà trường của chúng ta quá lỏng lẻo, khiến cho học sinh, sinh viên không còn coi kỉ luật của nhà trường ra gì. Đa phần do các thầy cô giáo không làm gương và bám sát tâm lý học sinh. Gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc tới con em mình, dẫn tới các em có những suy nghĩ lệch lạc, sa ngã.

Bên cạnh đó, nhận thức của các em ngày càng có xu hướng lệch lạc, sai trái, đặc biệt là nhận thức về giá trị giữa người và người. Một phần là do mạng xã hội ngày càng phát triển. Ngoài ra còn do xã hội, chính quyền chưa nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến nhận thức, giáo dục phù hợp cho các em.

van nan bao luc hoc duong giai phap nao de cham dut
Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, quan tâm tới từng học sinh, sinh viên. (Ảnh minh họa: GD&TĐ)

PV: Ông đánh giá như thế nào về vấn nạn “bạo lực học đường” hiện nay, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên?

- TS. Nguyễn Hà An: Theo tôi, vấn nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng với những hậu quả khó có thể nhìn thấy trước được. Theo số liệu thống kê thì hiện nay, tại Việt Nam, mỗi năm xảy ra hàng nghìn vụ học sinh đánh nhau và bị kỷ luật ở trong và ngoài trường học. Trong đó có khoảng 80% vụ việc xảy ra với lứa tuổi thanh thiếu niên.

PV: Bạo lực học đường không còn là vấn đề mới nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng này. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường?

Theo báo cáo của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an, từ năm 2011 - 2018 có đến hơn 18.000 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường mà đối tượng liên quan là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên: Hơn 11.000 vụ đánh nhau gây thương tích, hơn 200 vụ xâm hại tình dục, hơn 900 vụ uy hiếp tinh thần... Đáng nói, trong số này, gần 10.000 vụ diễn ra trong nhà trường.

- TS. Nguyễn Hà An: Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường. Tuy nhiên, theo tôi có 4 nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực học đường. Nguyên nhân thứ nhất là do gia đình, nhà trường và xã hội chưa thực sự truyền tải những nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử giữa người với người; chưa chú trọng đến kỹ năng sống, đạo đức của học sinh, sinh viên. Nguyên nhân thứ hai là do sự chuyển biến tâm lý từ chính bản thân các em, đặc biệt là trong độ tuổi từ 12 – 17, trong độ tuổi này các em có sự biến đổi tâm lý, muốn khẳng định cái tôi của bản thân.

Mặt khác, khả năng kiềm chế của các em trong độ tuổi này khá kém. Trong giai đoạn này nếu không có sự chú ý về giáo dục, sự quan tâm tới chuyển biến tâm lý, các em dễ dàng chịu sự tác động xấu từ bên ngoài đặc biệt từ mạng xã hội, từ đó các em sẽ có nhận thức sai lầm về cách sống, hành động. Nguyên nhân thứ ba nữa là do môi trường sống của các em thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, có nhiều đối tượng bỏ học, lang thang chơi bời, nhiều tệ nạn xã hội, tỷ lệ phạm tội cao… Nguyên nhân cuối cùng là do nhà trường chưa có trách nhiệm và biện pháp xử lý triệt để vấn nạn bạo lực học đường.

Tóm lại, tại gia đình thì trẻ em chưa gần gũi bố mẹ bởi nhiều ông bố, bà mẹ chưa dành nhiều thời gian cho trẻ em vì còn bận đi kiếm việc làm để trang trải cuộc sống; xã hội và trường học chưa thực sự có nhiều quan tâm.

PV: Ông có nghĩ rằng nên có một chế tài riêng, nghiêm khắc hơn, dành cho những hành vi này?

-TS. Nguyễn Hà An: Thực tế pháp luật đã có những chế tài xử lý những hành vi bạo lực học đường. Cụ thể tùy từng mức độ, tính chất, hành vi mà hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi áp dụng các chế tài xử lý vi phạm này cần phải căn cứ vào độ tuổi của các em.

Như: Theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý với hình thức xử phạt là: Cảnh cáo. Hay như Khoản 3 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này (trong đó, Điều 134 quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác)

PV: Vấn đề bạo lực học đường hiện nay được ví như “bệnh nặng không có thuốc chữa”. Là chuyên gia tâm lý - pháp lý, ông có thể đưa ra một vài giải pháp?

-TS. Nguyễn Hà An: Theo tôi, có thể thực hiện những giải pháp thiết thực sau nhằm hạn chế tối đa vấn nạn bạo lực học đường: Gia đình, nhà trường và xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh, sinh viên và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này.

Trong đó, gia đình cần chú trọng giáo dục con cái như: Phê phán những hành vi thô bạo, xử lý nghiêm khắc những hành vi thô bạo, bạo lực từ con trẻ; quản lý việc sử dụng mạng xã hội của con cái; hình thành cho trẻ về tính quan tâm, giúp đỡ người khác.

Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, quan tâm tới từng học sinh, sinh viên (đặc biệt là những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt) và chủ động trao đổi thông tin với gia đình các em học sinh, sinh viên. Thêm vào đó, cần sớm đưa vào giảng dạy pháp luật tại nhà trường để các em sớm ý thức được hành vi và hậu quả của hành vi mà mình thực hiện.

Chính quyền cần có những công tác tuyên truyền, vận động, phòng chống, kịp thời ngăn chặn mâu thuẫn, bạo lực; tạo, phát triển những địa điểm vui chơi giải trí cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

P.Thảo

Thực hiện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này