Hiệu quả trong công tác thiết lập trật tự xây dựng

11:37 | 02/04/2019
(LĐTĐ) Nhằm tăng cường trong công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD), thành phố Hà Nội đã liên tục có những chỉ đạo, điều hành về công tác quản lý TTXD trên địa bàn. Do đó, tình hình TTXD đã từng bước đi vào nề nếp, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý TTXD vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết nhất là trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh.
hieu qua trong cong tac thiet lap trat tu xay dung Thu hồi giấy phép xây dựng các chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng
hieu qua trong cong tac thiet lap trat tu xay dung Giải quyết các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng

Thuận lợi song hành khó khăn

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, so với những năm trước, việc cụ thể hóa các quy định pháp luật ngày một chặt chẽ đã giúp nâng cao tỷ lệ các công trình xây dựng đúng phép, nếu như năm 2016 chỉ đạt 95,61%, thì năm 2017 đã đạt 95,61% và năm 2018 là 97,9%. Có thể nói, tỷ lệ các công trình xây dựng đúng phép tăng dần, cơ bản ngăn được việc lấn chiếm đất công.

Cùng với việc tăng cường công tác quản lý, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng cũng luôn được UBND Thành phố coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, công tác cấp giấy phép xây dựng (GPXD) trên địa bàn thành phố đang dần theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, công khai minh bạch, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức thực hiện công tác cấp GPXD từng bước được nâng cao. Việc làm này đã góp phần làm giảm đáng kể các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài về cấp GPXD.

hieu qua trong cong tac thiet lap trat tu xay dung
Công tác quản lý trật tự xây dựng luôn được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề hạn chế nảy sinh phải tập trung giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô, đó là: Công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu độ thị hóa cao; công tác quản lý đất đai, quản lý TTXD có mặt còn hạn chế, yếu kém. Cùng với đó, vẫn còn nhiều công trình xây dựng sai quy hoạch, sai phép... chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời, do sự phối hợp giữa lực lượng quản lý TTXD và chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ.

Những vi phạm về quản lý quy hoạch như mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc theo dự án được duyệt vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận và nhân dân; tiến độ xử lý còn chậm. Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm tại các quận, huyện, thị xã, một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý giải quyết kịp thời triệt để. Trên địa bàn thành phố vẫn còn một số công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng cũ chưa được giải quyết; đồng thời tiếp tục phát sinh thêm các thửa đất, công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên một số tuyến đường, tuyến phố mới mở gây mất mỹ quan chung của thành phố.

Thống kê của Sở Xây dựng cũng chỉ rõ, tình trạng vi phạm TTXD trên thành phố diễn ra chủ yếu ở các nhóm: Công trình ở các dự án do chủ đầu tư là các công ty thực hiện, vi phạm của các cá nhân hộ gia đình, vi phạm trên đất nông nghiệp bao gồm cả đất công do phường xã quản lý và đất đã giao cho các hộ làm nông nghiệp, phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo” trong quá trình mở đường, vi phạm trật tự quản lý rừng tại các khu rừng phòng hộ. Vi phạm diễn ra trong thời gian dài, nhiều mức độ khác nhau, nhiều vi phạm gây ra các bức xúc dân sinh.

Không để vi phạm ngoại lệ

Để từng bước hạn chế các vị phạm TTXD tại các đô thị mới, các dự án phát triển nhà, thành phố Hà Nội sẽ xem xét thu hồi giấy phép xây dựng, không giao các dự án khác trên địa bàn đối với các chủ đầu tư vi phạm TTXD. Thành phố cũng sẽ xem xét tước chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, không cho tham gia các hoạt động xây dựng trên địa bàn đối với các nhà thầu thi công, nhà thầu giám sắt vi phạm TTXD.

Mới đây, để cụ thể hóa các quy định mới trong công tác quản lý TTXD, nhằm góp phần giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-UBND quy định quản lý TTXD trên địa bàn, quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2019. Điểm mới của quyết định này là ngoài quy định rõ về nguyên tắc, trách nhiệm quản lý, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý TTXD trên địa bàn, quyết định còn nêu cao vai trò của người đứng đầu.

Theo đó, Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về TTXD trên địa bàn. Sở Xây dựng có trách nhiệm thông tin kết quả cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình do Sở Xây dựng cấp phép đến UBND cấp huyện nơi có công trình được cấp phép để phối hợp quản lý. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho UBND cấp huyện trong công tác cấp phép xây dựng, công tác quản lý TTXD.

Sở Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn xử lý các vi phạm TTXD theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND Thành phố, đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm TTXD trên địa bàn. Trên cơ sở kết luận thanh tra, kiểm tra đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, để xảy ra vi phạm TTXD nghiêm trọng trên địa bàn quản lý...

Quy định cũng nhấn mạnh, Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Xây dựng trong việc kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện, Đội Quản lý TTXD đô thị cấp huyện và UBND cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý TTXD trên địa bàn. Thanh tra Sở Xây dựng tổ chức tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý TTXD trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra và ban hành các quyết định xử lý vi phạm TTXD theo thẩm quyền.

Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Đội Quản lý TTXD đô thị cấp huyện; trách nhiệm của cán bộ, công chức, thanh tra viên được giao nhiệm vụ quản lý TTXD; nhiệm vụ của cơ quan công an và các sở, ban, ngành có liên quan... Đặc biệt, một số chế tài xử lý mạnh cũng được đưa ra tại quy định này như: Xem xét không giao thực hiện dự án đối với chủ đầu tư vi phạm; xem xét không cấp chứng chỉ năng lực hành nghề cho các nhà thầu (thi công, tư vấn giám sát) có vi phạm TTXD. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm TTXD sẽ bị đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng...

Cũng cần phải nói rằng, công tác xử lý vi phạm TTXD, nhất là đối với những công trình, dự án đã có người dân vào sinh sống là công việc phức tạp nhưng không thể vì thế mà chậm trễ, kéo dài thời gian thực hiện các kết luận thanh tra. Để thiết lập kỷ cương trong quản lý TTXD, cần xây dựng quy trình xử lý vi phạm TTXD, gắn với trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu để đẩy nhanh tiến độ xử lý. Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, nhận thức về quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng đối với người dân và các chủ đầu tư trên địa bàn.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này