Cần quyết liệt trong công tác bảo vệ động vật hoang dã

10:51 | 31/03/2019
(LĐTĐ) Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn tồn tại không ít vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã bị phát hiện, xử lý. Do đó, để ngăn chặn các hành vi vi phạm các công ước quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía cơ quan chức năng và sự phối hợp hiệu quả từ phía người dân.  
can quyet liet trong cong tac bao ve dong vat hoang da Không nên mù quáng về công dụng chữa bệnh của cao hổ
can quyet liet trong cong tac bao ve dong vat hoang da Tích cực giải cứu động vật hoang dã bị buôn bán, nuôi nhốt trái phép
can quyet liet trong cong tac bao ve dong vat hoang da Hơn 750 người từ 31 quốc gia tham gia 'Chạy vì hổ' năm 2018

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ đầu năm 2018 là một trong những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.

Bộ luật đã xóa bỏ được nhiều lỗ hổng pháp lý, tăng mức phạt với những vi phạm nghiêm trọng và là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng địa phương xử lý nghiêm các tội phạm về động vật hoang dã.

can quyet liet trong cong tac bao ve dong vat hoang da
Một cá thể khỉ bị nuôi nhốt trái phép. (Nguồn ảnh ENV)

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn không ít người có tư tưởng muốn sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức, thời trang, mỹ nghệ, trưng bày, trang trí, quà biếu, tặng…

Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì thế, các hành vi vi phạm các công ước quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã vẫn còn tồn tại.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & PTNT), từ năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện, thu giữ 28.728kg ngà voi, hơn 478,8kg sừng tê giác, hơn 15.000kg vảy tê tê và nhiều mẫu vật san hô đen, rùa sống, rắn ráo, xương hổ, vỏ trai tai tượng...

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cũng cho biết, trong năm 2018, ENV đã ghi nhận 1,666 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Trong đó, có gần 800 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên internet với khoảng hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm.

Các sai phạm thường gặp chủ yếu là hành vi rao bán, quảng bá việc lưu giữ trái phép các loài hoặc bộ phận, chế xuất loài động vật hoang dã; trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế như: Hổ, gấu, cu li, rái cá…

Cũng theo ENV, việc nuôi nhốt, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, bộ phận của chúng hiện vẫn rất phổ biến, đặc biệt đối với các loài khỉ, rùa, tiêu bản các loài gấu, hổ, rùa biển hay rượu ngâm nhiều loài động vật hoang dã khác.

Tại Hà Nội, năm 2018, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng đã bắt, xử lý vi phạm với 154 động vật hoang dã, số lượng 24kg... Cạnh đó, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cũng đã tiếp nhận 73 vụ do các cơ quan chức năng thu giữ, chuyển về trung tâm với 399 cá thể động vật hoang dã và 13kg rắn các loại.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài động vật hoang dã để có tính răn đe.

Ngoài ra, mỗi người dân cũng cần đóng góp tích cực vào công tác đấu tranh, phòng ngừa đấu tranh với tội phạm về động vật hoang dã thông qua việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã tới cơ quan chức năng.

M.Q

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này