Hà Nội:

Số cuộc đình công, ngừng việc tập thể có xu hướng giảm

18:37 | 24/03/2019
(LĐTĐ) So với giai đoạn 2010-2014, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, số cuộc đình công, ngừng việc tập thể trên địa bàn Thành phố có xu hướng giảm tuy nhiên về tính chất, mức độ, quy mô có chiều hướng phức tạp. Đây là nhận định mà LĐLĐ Thành phố nêu ra tại hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được tổ chức mới đây tại trụ sở LĐLĐ Thành phố.  
so cuoc dinh cong ngung viec tap the co xu huong giam Sau Tết Nguyên đán, cả nước xảy ra 10 cuộc ngừng việc tập thể
so cuoc dinh cong ngung viec tap the co xu huong giam Những tuyến đường ngập rác thải ở quận Hoàng Mai
so cuoc dinh cong ngung viec tap the co xu huong giam Chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao vai trò của Công đoàn trong tranh tụng tại Tòa án

Thông tin tại hội nghị, ông Tạ Văn Dưỡng- Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban chính sách pháp luật LĐLĐ Thành phố cho biết, từ khi mở rộng địa giới hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 15/NQ-QH của Quốc hội, số doanh nghiệp và CNLĐ trên địa Hà Nội tăng nhanh. Hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 231.000 doanh nghiệp đã được thành lập (trong đó có 153.905 doanh nghiệp có kê khai và thực hiện nghĩa vụ Thuế với Nhà nước), số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 90%; trong đó, doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố là 25; doanh nghiệp trong các KCN&CX là 678 doanh nghiệp (bao gồm cả khu công nghệ cao Hòa Lạc); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 5.520. Tổng số lao động toàn Thành phố khoảng 2,5 triệu người, trong đó lao động là người nước ngoài là 8.929; lao động nữ chiếm trên 50%.

Theo ông Tạ Văn Dưỡng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động, thời gian qua, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã phối hợp tích cực với UBND và các sở, ban, ngành Thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định về pháp luật lao động đối với CNLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

so cuoc dinh cong ngung viec tap the co xu huong giam
Một vụ ngừng việc tập thể xảy ra tháng 1/2019 trên địa bàn Thành phố. Ảnh minh họa. Nguồn laodong.vn

Cụ thể: Công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật đến doanh nghiệp và CNLĐ được quan tâm đẩy mạnh; việc thực hiện các quy định về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ATVSLĐ, các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại cơ sở được triển khai thực hiện tốt; công tác quản lý Nhà nước, phối hợp thanh tra kiểm tra về pháp luật lao động đã dần đi vào nề nếp và hiệu quả; thị trường lao động, quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố ổn định, số cuộc đình công, ngừng việc tập thể giảm…

Tuy nhiên, cùng với những kết quả trên, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thời gian qua cũng có những diễn biến mới phức tạp; tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực tư nhân, Công ty TNHH có quy mô nhỏ; một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của hệ thống pháp luật và sự thiếu quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước địa phương, để cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ và an sinh xã hội. Đời sống, thu nhập của CNLĐ thời gian qua, tuy đã được cải thiện song vẫn ở mức thấp, trung bình từ 5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng, tình hình tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể tuy đã được hạn chế nhưng vẫn ở mức cao so với cả nước.

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 31 cuộc đình công, ngừng việc tập thể (năm 2015: 07 cuộc; 2016: 09 cuộc; 2017: 09 cuộc; 2018: 05 cuộc; quý I/2019: 01 cuộc). Quy mô mỗi cuộc đình công trung bình có từ 300 đến 400 CNLĐ trực tiếp tham gia, cuộc nhiều nhất là 3.049 người tham gia, thấp nhất là 50 người; về thời gian đình công từ ½ ngày đến 12 ngày; số cuộc đình công chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp FDI; trong đó: Hàn Quốc: 09 cuộc; Đài Loan: 05 cuộc; Nhật Bản: 02 cuộc; 15 cuộc thuộc các thành phần kinh tế khác (Liên doanh, Cổ phần, TNHH); về ngành nghề lĩnh vực xảy ra nhiều là Dệt May: 12/31 cuộc (chiếm 38,7%); Điện tử: 11/31 cuộc (35,4%), lĩnh vực khác: 08 cuộc (25,9%).

“So với giai đoạn 2010-2014, số cuộc đình công, ngừng việc tập thể trên địa bàn Thành phố có xu hướng giảm (giai đoạn: 2010-2014 Thành phố xảy ra 77 vụ), tuy nhiên về tính chất, mức độ, quy mô có chiều hướng phức tạp, một số cuộc đình công xảy ra do hiệu ứng dây chuyền, có tác động ảnh hưởng từ mạng xã hội (facebook, Zalo…) tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”- ông Tạ Văn Dưỡng nói.

Theo ông Tạ Văn Dưỡng, nguyên nhân, các cuộc đình công chủ yếu do những tranh chấp về: tiền lương, tiền thưởng Tết, chất lượng bữa ăn ca, điều kiện làm việc của công nhân chưa được người sử dụng lao động quan tâm, đặc biệt một số cuộc đình công xảy ra do những khác biệt về văn hóa dẫn đến ứng xử không phù hợp giữa cán bộ quản lý người nước ngoài với CNLĐ, dẫn đến bức xúc đình công, các hoạt động đối thoại, thương lượng định kỳ giữa người sử dụng lao động, CĐCS và NLĐ để giải quyết kịp thời những vấn đề tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động tại cơ sở chưa được doanh nghiệp quan tâm tổ chức thường xuyên, cũng là những nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình công, ngừng việc tập thể trong thời gian vừa qua.

“Từ những kết quả, tồn tại thực tiễn thi hành pháp luật lao động thời gian qua, LĐLĐ Thành phố đề nghị các cấp công đoàn, CNVCLĐ tích cực tham gia đóng góp ý kiến gửi về LĐLĐ Thành phố, trên cơ sở đó LĐLĐ Thành phố có ý kiến tham gia đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam sửa đổi, bổ sung BLLĐ năm 2012 đảm bảo quyền, lợi ích của CNVCLĐ và những nguyên tắc, yêu cầu đề ra”- ông Tạ Văn Dưỡng nói.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này