Nếp làng, hồn quê dần mai một khi làng lên phố

10:34 | 24/03/2019
(LĐTĐ) Hà Nội hiện vẫn nhiều những ngôi làng cổ nhưng không gian làng xã mai một, không khí thanh bình có từ hàng trăm năm đang dần biến mất. Việc thiếu đi những chính sách hỗ trợ, những phương án bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cùng với sự đô thị hóa càng ngày nhanh đang dần khiến cho những ngôi làng cổ ở ven đô xuống cấp từng ngày, nhiều ngôi nhà cổ xưa đã bị thay thế bằng nhà bê tông cao tầng.  
nep lang hon que dan mai mot khi lang len pho Cổng cưới miệt vườn
nep lang hon que dan mai mot khi lang len pho Chợ Vồ lưu giữ hồn quê ngày Tết
nep lang hon que dan mai mot khi lang len pho Những nẻo đường quê

Làng Cự Đà nằm cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20 km về phía Tây thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Nằm bên bờ sông Nhuệ, nơi đây được coi là một trong số làng cổ độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ với một lối kiến trúc có sự đan xen hài hòa giữa kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc và kiến trúc Việt Cổ. Với không gian đậm chất thơ của làng cổ ven sông Bắc Bộ, Cự Đà hiện lên dáng vẻ làng quê bình dị, cổ kính đến lạ thường.

nep lang hon que dan mai mot khi lang len pho
Những con đường làng yên bình, chạy quanh những nếp nhà cổ ở làng Cự Đà ngày nay không còn nhiều

Với địa thế nằm ven sông Nhuệ, thuận lợi cho giao thương nên từ lâu ngôi làng đã nức tiếng là trung tâm buôn bán trao đổi sầm uất, trên bến dưới thuyền, một ngôi làng trù phú. Thời kỳ phát triển của làng là những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chính vào thời điểm đó, nhiều người giàu lên và xây dựng những ngôi biệt thự, kiến trúc pháp hồi với ngói mũi hài, cột gỗ lim, hoa văn chạm trổ cầu kỳ.

Theo các cụ cao niên trong làng, làng Cự Đà cổ đường đi được lát gạch nghiêng, hai bên tường nhà san sát, nhà nhà đều có cổng, cổng xóm ban đêm được đóng kín bằng cánh cửa gỗ để ngăn chặn tình trạng trộm cắp. Hầu hết những ngôi nhà và biệt thự cổ trong làng Cự Đà đều được làm bằng gỗ, không có cửa chỉ có những cánh cửa bức bàn, mùa đông hạ xuống, mùa hè dựng lên cho mát.

Từ một ngôi làng có bề dày lịch sử với những nếp nhà cổ có niên đại hàng trăm năm, nay Cự Đà chỉ còn những ngôi nhà cao tầng bê tông sừng sững mọc lên cùng biển hiệu quảng cáo lộn xộn. Từ đầu đến cuối làng như một công trường với những xe chở bột làm miến, chở vật liệu xây dựng… ngày đêm ra vào rầm rập.

Con sông Nhuệ bị lấp dần để xây nhà xưởng, nhiều dấu vết văn hóa xưa kia đã biến mất. Tại đây cũng không còn cảnh trên bên dưới thuyền, tấp nập người mua kẻ bán. Những con đường lát gạch nghiêng năm xưa của làng giờ đây cũng đã được bê tông hóa. Mái vòng xây theo lối cổ vào các ngõ xóm trong làng cũng đã nhuốm màu thời gian xanh mốc, thậm chí chỉ còn trơ lại gạch.

Ngay cả hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình và cánh đồng thẳng cánh cò bay cũng bị các căn nhà cao tầng che khuất. Hàng trăm ngôi nhà cổ giờ chỉ còn chừng hai chục, nhưng cũng có nguy cơ bị “bức tử” chẳng mấy chốc cũng mất trong hoài niệm. Những tấm biển ghi tương, miến gia truyền dần bị gỡ xuống, thay vào đó là biển quảng cáo dịch vụ môi giới nhà đất, cung cấp vật liệu xây dựng...

nep lang hon que dan mai mot khi lang len pho
Ở Tây Mỗ, để tìm được những bể chứa nước cổ không phải là chuyện dễ, với những nét cổ kính đó, nơi đây được mệnh danh là “làng Holywood”

Chẳng riêng gì Cự Đà, được mệnh là “làng Holywood” của Việt Nam, làng Tây Mỗ, Từ Liêm cũng đang dần mất chữ làng bởi đô thị hóa, thay vào đó Tây Mỗ đang trở thành một khu đô thị. Đất nhanh chóng tăng giá, các dự án đổ về ngày càng nhiều, những cánh đồng xanh, những không gian thanh bình, các hàng cây đã bị từng dự án nguốm mất.

Sự thay đổi của làng quá nhanh chóng, đến nỗi nhiều người sinh sống tại đây cũng thấy lạ, không nghĩ đó là quê mình, nếp làng cũng đang từng bước thay đổi. Trước đây, người dân tự do sang nhà nhau chơi thì nay họ ngại gọi cổng, trước kia khi nhà có cỗ bàn cứ ới một câu là có người đến giúp, nay nhiều gia đình cưới con, họ ra nhà hàng tổ chức hoặc thuê người nấu cỗ nên mất đi sự nhộn nhịp, gắn kết của tình làng, nghĩa xóm. Không ít người lo lắng, chẳng bao lâu nữa, nếu không có biện pháp để bảo tồn thì lúc cần tìm nét cổ kính làng quê xưa chỉ có thể xem lại ở những bộ phim cũ.

Cụ Đinh Văn Tình (người gìn giữ nếp nhà cổ và nghề làm tương truyền thống ở làng) than thở, Cự Đà đang dần mất đi những ngôi nhà cổ, những công trình mọc lên khắp làng đang phá vỡ quần thể kiến trúc độc đáo ở đây. Nghề truyền thống xưa kia của làng nhà nhà làm nghề, giờ thì cũng chỉ còn số ít, biết vậy nhưng làm sao được, xu thế mà.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này