Báo động tình trạng đuối nước

Bài 3: Trách nhiệm thuộc về ai?

10:32 | 24/03/2019
(LĐTĐ) Mặc dù đã có nhiều biện pháp chỉ đạo sát sao nhưng tình hình đuối nước trẻ em chưa giảm, số trẻ em bị tử vong do đuối nước vẫn có xu hướng tăng. Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng là điều cần phải làm rõ.  
bai 3 trach nhiem thuoc ve ai Bài 2: Những con số báo động
bai 3 trach nhiem thuoc ve ai Bài 1: Những vụ đuối nước thương tâm
bai 3 trach nhiem thuoc ve ai Tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống đuối nước

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, trong thời gian qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em.

Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống đuối nước trẻ em. Hệ thống pháp lý liên quan đến công tác phòng chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Luật trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

bai 3 trach nhiem thuoc ve ai
Dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em là vô cùng cần thiết. (Ảnh: T. Thủy)

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình đã thể hiện sự liên kết của các ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em, với mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước học sinh, trẻ em, đặc biệt quan tâm đến phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè.

“Việt Nam đã triển khai tích cực các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, các chiến dịch truyền thông triển khai trên toàn quốc đã tác động tích cực đến sự quan tâm, nhận thức của xã hội đối với việc phòng, chống đuối nước trẻ em; các nguy cơ gây đuối nước trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng được loại bỏ; việc dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn cho trẻ được triển khai tại nhiều địa phương với sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức quốc tế. Kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017 - 2020 đã được 9 Bộ, ngành, đoàn thể ký kết, tạo sức mạnh liên ngành với một can thiệp tổng thể về vấn đề đuối nước ở trẻ em”, bà Hà thông tin.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều thách thức đối với Việt Nam để hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước của Chính phủ vào năm 2020.

“Đó là nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Nhiều địa phương còn thiếu cơ sở vật chất và hướng dẫn viên dạy bơi đặc biệt là các vùng nghèo, vùng miền núi khó khăn”, bà Hà nêu khó khăn.

Liên quan tới vấn đề trên, theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu muốn giảm tỷ lệ tử vong trẻ em do đuối nước trong thời gian tới, cần làm rõ hơn trách nhiệm của địa phương trong kiến thiết, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ em, tạo sân chơi cho trẻ em được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Trong đó, phải đặc biệt nhấn mạnh tới trách nhiệm, vai trò của ủy ban nhân dân các cấp.

“Chúng ta cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của địa phương nhất là ủy ban nhân dân các cấp trong vấn đề đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ được đào tạo các kỹ năng bơi, kỹ năng ứng phó với sự cố trong môi trường nước. Tùy điều kiện của địa phương, chính quyền các cấp cần xây dựng các kế hoạch mở thêm các trung tâm dạy bơi, dạy kỹ năng cho trẻ khi ở trong môi trường nước. Với những nơi điều kiện tinh tế còn khó khăn, có thể cân nhắc tận dụng những địa điểm tự nhiên để dạy bơi hoặc kêu gọi thêm sự vào cuộc của các tổ chức xã hội”, bà Ngô Thị Minh cho hay.

Cũng theo bà Minh, trách nhiệm về đảm bảo an toàn cho trẻ, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn ở chính nhà trường và gia đình nơi nuôi dưỡng các em.

“Nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho trẻ khi hoạt động trong môi trường nước để trẻ biết cách đối phó với các hiểm nguy tiềm ẩn. Tuy nhiên, các trường cũng không nên cứng nhắc trong việc tuyển dụng các giáo viên dạy bơi phải có tiêu chuẩn quá cao cho trẻ vì như thế sẽ làm phình biên chế, không cần thiết. Về mặt gia đình, các vị cha mẹ nếu đã biết bơi có thể dạy cho con trẻ, đó là phương pháp gần gũi, dễ thực hiện và đem lại hiệu quả cao. Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa, gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó có kỹ năng an toàn trong môi trường nước”, bà Minh khẳng định.

(Bài cuối: Làm thế nào để không còn những vụ trẻ em đuối nước thương tâm?)

H. Phong - C. Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này