Để đô thị Hà Nội thực sự trật tự, văn minh

Kỳ 3: Giải quyết hài hòa lợi ích

09:02 | 23/03/2019
(LĐTĐ) Bản chất của các vi phạm trật tự đô thị như lấn chiếm vỉa hè, họp chợ cóc, dừng đỗ phương tiện trái phép… là vi phạm pháp luật. Song vấn đề đặt ra là, tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong ngăn chặn. Thực tế cho thấy, bên cạnh thiếu sự quyết liệt từ các cấp cơ sở thì có những vi phạm thường xuyên tái diễn bởi nó trực tiếp là “cần câu cơm”, chứa lợi ích của một bộ phận người dân. 
ky 3 giai quyet hai hoa loi ich Kỳ 2: Góc nhìn từ một số quận trung tâm
ky 3 giai quyet hai hoa loi ich Kỳ I : Trật tự đô thị sau một năm ra quân thiết lập

Đâu là nguyên nhân?

Từ nhiều năm nay, câu chuyện đảm bảo trật tự độ thị luôn là vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, có một thực tế là các chiến dịch ra quân, dù được triển khai rầm rộ và thực hiện nghiêm song vi phạm vẫn tái diễn. Nói cách khác, có một vòng lặp luẩn quẩn quanh vấn đề này là: Các lực lượng chức năng ra quân giải tỏa - Lấn chiếm - Ra quân giải tỏa… Vòng lặp này tồn tại hết năm này qua năm khác.

ky 3 giai quyet hai hoa loi ich
Lực lượng chức năng xử lý, nhắc nhở những vi phạm liên quan đến trật tự đô thị

Theo ghi nhận thực tế, tại các khu như: Trung Hòa – Nhân Chính thuộc địa bàn phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) phổ biến nhất là việc không gian bị lấn chiếm làm hàng quán. Cụ thể, phần lớn diện tích chung, hành lang ở các tòa nhà N5C, N5D đều được người dân tận dụng để kinh doanh cơm, phở, bún, ốc, chè, nước mía, trà đá…

Vào giờ cao điểm, khách đông ngồi tràn, đặc kín. Đáng nói, tại các khu vực này, xe máy đậu tràn lan chiếm dụng vỉa hè, lòng đường. Chưa hết, hiện phía bên dưới các tòa nhà (N6A, N6B, N6C) hiện tượng nhiều hàng quán, chợ cóc chiếm dụng vỉa hè cũng xuất hiện.

ky 3 giai quyet hai hoa loi ich

Khi được hỏi, nhiều người dân cho biết, hàng quán, điểm kinh doanh của họ lộn xộn, chính quyền đã nhắc nhở song không thể bỏ quán bởi đây là nguồn mưu sinh. Trường hợp bà Phạm Thị T. trú tại quận Hoàn Kiếm là ví dụ. Theo lời bà T. bản thân bà già cả, lại không có lương hưu nên chỉ có thể trông cậy, mưu sinh vào quán nước. Mỗi ngày, quán nước này cũng đem lại thu nhập cho họ từ 50.000 – 100.000 đồng.

Còn theo chị Dương Thị Hạnh, trú tại phố Chùa Bộc, gia đình chị buôn bán quần áo nên rất cần không gian để trưng bày hàng và chỗ để xe cho khách. Diện tích cửa hàng có hạn nên chị phải tận dụng một phần vỉa hè để trưng bày và làm chỗ để xe. Gần 1 năm nay, chính quyền địa phương đẩy mạnh chống lấn chiếm vỉa hè, gia đình chị cũng vui vẻ chấp hành song việc kinh doanh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị cho rằng, sở dĩ công tác quản lý trật tự đô thị luôn rơi vào cảnh “đá ném ao bèo” có thể gồm nhiều nguyên nhân song cơ bản nhất vẫn là bởi chưa hài hòa được lợi ích.

Chẳng hạn, bên cạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm thì phải có giải pháp hài hòa giữa lợi ích kinh tế của các hộ dân. Ví dụ, khi dẹp chợ “cóc”, chợ tạm nên bố trí một nơi buôn bán cho phù hợp để không làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Hay khi xóa bỏ bãi xe không phép, sai phép nên xem xét bố trí lại điểm đỗ cho người dân…

Cần xử lý mềm dẻo

Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện Mệnh lệnh số 02 của Giám đốc Công an Thành phố về tăng cường bảo đảm án toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn. Theo đó, đối với công tác quản lý trật tự đô thị, Công an TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và sắp xếp, duy trì chống tái lấn chiếm, tập trung xử lý các vi phạm, như: Chiếm dụng hè phố, lòng đường kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép; “chợ cóc”, chợ tạm, hàng quán, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, địa bàn công cộng gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị; dừng, đỗ phương tiện trái quy định trên hè phố, dưới lòng đường; ô dù, biển quảng cáo, rao vặt trái phép; lều quán, mái che, mái vảy, bục bệ, cầu dẫn không đúng quy định…

Khách quan nhìn nhận, khi triển khai thực hiện Mệnh lệnh, các đơn vị trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là Công an các phường đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 197 đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu, rộng với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp đến các tổ chức cá nhân để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm; lực lượng cảnh sát khu vực tổ chức tuyên truyền trong các buổi nói chuyện tại cụm dân cư, dân phố.

Hiệu quả bước đầu đã có. Dễ thấy nhất là tại địa bàn phường như: Điện Biên (quận Ba Đình), Trung Liệt (quận Đống Đa), Hà Cầu (quận Hà Đông)… từng hộ dân ở mặt phố, các cửa hàng kinh doanh để nhắc nhở và tuyên truyền giải thích cho người dân về việc chấp hành tốt trật tự đô thị.

Trên góc độ nhìn nhận khác, với các vi phạm như chợ tạm, chợ cóc, các hành vi vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc song hiện tượng này vẫn chưa dứt điểm. Nguyên nhân một phần bởi cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn nhất định.

Chẳng hạn, hiện để xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, các lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo quy định các lực lượng chức năng không được phép xử lý tại các tuyến đường không có tên, các ngõ, ngách. Bởi vậy, đối với các trường hợp vi phạm trật tự đô thị tại các ngõ, ngách, các tuyến đường chưa được đặt tên, các lực lượng chức năng chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử phạt. Tương tự, đối với chế tài về xử lý hành vi xả rác sai nơi quy định, lãnh đạo một số phường cũng cho rằng, để làm được điều này, các lực lượng chức năng phải tiến hành quay phim, chụp ảnh được hành vi vi phạm.

Phường Trung Liệt là ví dụ. Theo bà Hoàng Hoài Loan – Phó Chủ tịch UBND phường, trên địa bàn có một điểm khó xử lý là khu vực bãi rác Thành Công. Bãi này tồn tại từ nhiều năm nay cũng là nỗi băn khoăn rất lớn của phường. Tại đây, hiện chưa có biển báo nên các lực lượng chức năng phường khó xử lý.

Chưa hết, hiện người dân sống quan khu vực cũng chưa thuộc “biên chế” chính thức của phường nên khâu đoạn tuyên truyền, vận động cũng gặp không ít khó khăn. Phó Chủ tịch phường cũng cho rằng, với vấn đề duy trì trật tự đô thị, mấu chốt nằm ở ý thức người dân. Bởi nếu người dân không đồng lòng, không ý thức được trách nghiệm trong việc xây dựng đô thị thì dù có xử phạt bao nhiêu vẫn không xuể.

Rõ ràng, quanh câu chuyện duy trì trật tự đô thị, về lâu dài để xử lý tận gốc vấn đề bản thân mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức nhưng sẽ rất thiếu nếu như không có sự nỗ lực của các cơ quan chức năng. Theo tìm hiểu, trên nhiều địa bàn, để công tác này đi vào chiều sâu, hiệu quả nhiều địa phương đã có cách làm rất mới. Chẳng hạn, tại quận Cầu Giấy, việc sử dụng mạng xã hội cho công tác quản lý được triển khai từ năm 2016 và đến nay đã phát huy hiệu quả.

Theo đó, các cán bộ lãnh đạo quận, phường, các phòng, ban chức năng tham gia vào một nhóm trong ứng dụng Zalo hay Viber trên điện thoại thông minh. Khi phát hiện trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, các cán bộ phường, quận đều có trách nhiệm chụp ảnh, thông tin về địa điểm, ngày, giờ phản ánh lên nhóm. Từ đó, lãnh đạo các phường biết để chỉ đạo xử lý, sau đó thông tin, báo cáo lại kết quả ngay trên nhóm để lãnh đạo quận nắm rõ.

Mô hình nêu trên cho thấy, nếu chính quyền, thật sự nêu cao trách nhiệm, thì sẽ có những sáng kiến, giải pháp phù hợp giúp người dân ổn định cuộc sống, đồng thời không làm ảnh hưởng trật tự, mỹ quan đô thị. Lập lại trật tự đường phố, giữ gìn vẻ đẹp, văn minh đô thị tại Hà Nội là việc phải thực hiện.

Người dân thành phố đang rất mong chờ những giải pháp đồng bộ, vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật, vừa hài hòa lợi ích kinh tế và tập quán của người dân, làm cho mỗi người nhận thức trách nhiệm của mình, chung tay với chính quyền. Được như vậy, kết quả lập lại trật tự đô thị mới căn cơ, bền vững.

Còn nữa…

Luyện Đinh – Thảo Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này