Hiệu quả mô hình giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương

Góc nhìn từ thị xã Sơn Tây

17:41 | 15/03/2019
(LĐTĐ) Phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội trước đây vốn được xem là một địa bàn phức tạp về ma túy. Thế nhưng, từ khi được chọn làm thí điểm cho mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương”, đến nay đã trở thành một điểm sáng về số lượng người cai nghiện thành công. Nhiều người sau khi được cảm hóa đã vươn lên làm lại cuộc đời, tạo được cho mình một cuộc sống lành mạnh và có ích cho xã hội.
goc nhin tu thi xa son tay Làm giàu chính đáng sau vấp ngã
goc nhin tu thi xa son tay Tự tin thay đổi cuộc đời nhờ chính sách mới

Phường Quang Trung trước đây vốn được xem là một địa bàn trọng điểm về ma túy. Tuy nhiên những năm gần đây, số lượng người nghiện ma túy đã giảm hẳn, đặc biệt những người đi cai nghiện khi hoàn lương đã nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

goc nhin tu thi xa son tay
Anh Đặng Văn Quân – một tấm gương hoàn lương, làm lại cuộc đời nhờ mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương”

Bà Khuất Thị La – Chủ tịch Hội LHPN phường Quang Trung cho hay: “Với những người từng một thời lầm lỡ, việc vượt qua mặc cảm, trở thành người có ích cho xã hội là cả một quá trình và phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Thực tế, nhiều trường hợp sau khi trở lại cuộc sống cộng đồng đã bị chính người thân và những người xung quanh phân biệt, kỳ thị; có trường hợp đi xin việc đã bị từ chối khi mới xem qua hồ sơ...

Chính vì vậy chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể đã quyết định xây dựng mô hình "Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương" để hỗ trợ cơ chế, pháp lý giúp đỡ những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Bước đầu mô hình đã góp phần tích cực giảm phát sinh tội phạm, nhiều người được cảm hóa đã vượt qua lỗi lầm, mặc cảm, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương”.

Sau khi mô hình được thành lập, Đảng ủy phường Quang Trung đã chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể đến thành viên là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể mà đặc biệt là Hội LHPN và Công an phường; đồng thời phối hợp với thôn, xóm và người thân theo dõi, quản lý và giúp đỡ người nghiện, người mãn hạn tù trở về sinh sống tại địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ kỳ thị, phân biệt trong cộng đồng dân cư được chú trọng.

Bên cạnh đó, Hội LHPN với vai trò nòng cốt trong mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương” cũng thường xuyên phân công cán bộ hội viên tiếp cận từng nhà, từng người để nắm chắc điều kiện sống, hoàn cảnh kinh tế, đặc điểm tâm lý, độ tuổi... và quá trình mắc nghiện của người nghiện để phân loại và có biện pháp quản lý phù hợp như: Phân công cán bộ hội viên phụ nữ nhận giáo dục, giúp đỡ đối với mỗi người nghiện trong diện quản lý; vận động người nghiện tham gia các biện pháp cai nghiện; góp ý cho các gia đình nhận rõ tình trạng con em họ để quan tâm quản lý, giáo dục. Ngoài ra Hội còn tiến hành các hoạt động hỗ trợ như: Tặng quà cho người nghiện có nhiều tiến bộ, bảo lãnh cho vay vốn, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện, từng bước ổn định cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng.

Anh Đặng Văn Quân, trú tại Tổ dân phố 3, phường Quang Trung, là một tấm gương hoàn lương làm lại cuộc đời nhờ mô hình "Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương". Trước đó anh quân từng nghiện ma túy, bị bắt vì mua bán trái phép ma túy. Ngay khi anh vào tù, cuộc đời anh Quân dường như rơi vào “địa ngục” khi bị chính những người thân trong gia đình quay lưng, bỏ rơi. Điều đó khiến cho anh vô cùng chán nản, tuyệt vọng.

Nhưng sau hơn 1 năm ròng rã, với sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Hội LHPN và các đoàn thể xã hội phường Quang Trung anh Quân đã vượt qua mặc cảm và quyết tâm làm lại cuộc đời.

Kể lại quá trình hoàn lương của mình, anh Quân xúc động: “Ngày trở về cùng gia đình, bản thân tôi lúc đầu cũng mặc cảm lắm, cứ nghĩ mọi người sẽ xa lánh, coi thường mình, nhưng được các hội viên phụ nữ và cán bộ công an phường chủ động gặp gỡ, động viên, giúp đỡ tôi cả về vật chất lẫn tinh thần, tôi thực sự đã vượt qua được mặc cảm để dần hòa nhập với cộng đồng. Với kinh phí hỗ trợ 3 triệu đồng và vốn vay 20 triệu đồng, tôi đã mua xe lôi chở hàng thuê cho mọi người, nhờ vậy cuộc sống dần ổn định. Tôi mong là nhiều người lầm lỗi được quan tâm và có cuộc sống ổn định như tôi”.

Cũng giống như anh Quân, anh Hồng Ngọc Nam (2/6, tổ dân phố 1, Quang Trung), anh Vũ Hồng Tuấn (5/5, Nguyễn Thái Học), anh Bùi Hồng Quân (10/2, Hoàng Diệu); anh Nguyễn Anh Luân (phố Thuần Nghệ)… cũng được Hội LHPN và Công an phường, động viên, người thì mở cửa hàng kinh doanh, người làm lao động tự do song đều có cuộc sống ổn định, tư tưởng thoải mái khi tiếp xúc với mọi người, không còn e ngại hay mặc cảm.

Theo ông Quân, mô hình "Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương" đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo cơ hội và điều kiện cho những người từng lầm đường, lạc lối quay về nẻo thiện.

Mô hình này không chỉ góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương, mà còn thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân sẵn sàng giúp đỡ những người lầm lỗi hoàn lương, làm lại cuộc đời. Ông Quân cũng bày tỏ mong muốn mô hình này sẽ được nhân rộng lên ở các phường, xã khác để giảm thiểu tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn thị xã, đồng thời mang lại hi vọng cho những người có quá khứ lầm lỡ.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này