Để phụ nữ tham gia thị trường lao động một cách bình đẳng

Gỡ rào cản bằng cách nào?

16:44 | 14/03/2019
(LĐTĐ) Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia thị trường lao động luôn ở mức cao, khoảng 71,55%, góp phần tạo ra nhiều của cải vật chất, tinh thần cho xã hội. Dù vậy, vẫn còn nhiều rào cản, trong đó có việc hệ thống chính sách, pháp luật hỗ trợ lao động nữ chưa hoàn thiện và vẫn còn những định kiến về giới đã phần nào hạn chế các cơ hội tìm kiếm việc làm của lao động nữ.
go rao can bang cach nao Tìm giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động
go rao can bang cach nao Thị trường lao động năm 2019: Hướng tới lao động có hàm lượng trí tuệ cao
go rao can bang cach nao Bài 2: Doanh nghiệp chủ động “giữ chân” lao động bằng lương, thưởng

Đây là nhận định được nêu tại buổi tọa đàm “Tăng cường an sinh xã hội và các dịch vụ công nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam vừa tổ chức mới đây.

go rao can bang cach nao
Quang cảnh tọa đàm “Tăng cường an sinh xã hội và các dịch vụ công nhằm thúc đẩy phụ nữ tham gia thị trường lao động”.

Còn nhiều rào cản đối với lao động nữ

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, trong những năm qua, phụ nữ và trẻ em gái ở nước ta được hỗ trợ, bảo vệ bằng khung pháp lý và hệ thống chính sách quốc gia về an sinh xã hội. Nổi bật là chính sách thúc đẩy việc làm bền vững và giảm nghèo; chính sách trợ giúp xã hội; chính sách bảo đảm về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, nhờ đó, phụ nữ và trẻ em gái có nhiều cơ hội để phát triển.

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp ở Việt Nam đạt 31,3%, xếp thứ 6/57 quốc gia được xếp hạng. Lao động nữ tham gia thị trường lao động đạt 71,55%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%, góp phần tạo ra nhiều của cải vật chất, tinh thần cho xã hội...

Từ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ di cư, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light) đề xuất: “Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn lao động nữ di cư, nên rất khó mở rộng diện bao phủ đến đối tượng này.

Để phụ nữ tham gia sâu hơn vào thị trường lao động, chính sách bảo hiểm tự nguyện đối với nhóm lao động di cư cần được bổ sung”.

Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Cho rằng công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dẫn chứng, trong tổng số hơn 1,6 triệu lao động được tạo việc làm mới trong năm 2018, lao động nữ chiếm 48%. Số lượng lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài, được hỗ trợ việc làm trong nước liên tục tăng; tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp giảm còn 1,85%, thấp hơn nam giới. Các mô hình hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ ở khu vực nông thôn, miền núi, lao động nữ di cư tiếp tục phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, các chuyên gia cũng đánh giá, lao động nữ ở nước ta vẫn còn nhiều rào cản để có thể tiến sâu hơn vào thị trường lao động. Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, hệ thống pháp luật, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chất lượng việc làm còn thấp.

Lao động nữ chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, năng suất thấp với điều kiện lao động kém, thu nhập không ổn định. Thu nhập của lao động nữ thấp hơn lao động nam. Hệ thống chính sách hỗ trợ lao động nữ di chuyển đến các khu công nghiệp, khu đô thị còn thiếu.

Một số quy định còn hạn chế khả năng tiếp cận của người di cư, trong đó có nữ lao động di cư đến các dịch vụ xã hội cơ bản tại các đô thị. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là quấy rối tình dục đối với phụ nữ tại nơi làm việc vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, trong thực tế vẫn tồn tại những định kiến giới trong các hoạt động xã hội và công việc, đây chính là rào cản để phụ nữ tham gia vào thị trường lao động và hạn chế các cơ hội tìm kiếm việc làm.

Làm rõ hơn về những rào cản mà phụ nữ gặp phải khi tham gia thị trường lao động, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh&xã hội) cho biết, các kết quả khảo sát cho thấy lao động nữ đã qua đào tạo vẫn luôn ở mức thấp và thấp hơn so với lao động nam.

Xét theo nghề nghiệp, phụ nữ vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn nam ở những nghề không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, tuy nhiên ở những nghề có vị thế cao hơn như lao động quản lý lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Chẳng hạn, vị trí quản lý trong các ngành, cấp, đơn vị thì lao động nữ chiếm 0,59%, trong khi lao động nam là 1,52%; nhân viên dịch vụ và bán hàng, lao động nữ chiếm 22,7% thì lao động nam là 13,18%.

Đồng thời, phụ nữ vẫn yếu thế so với nam giới trong các công việc có vị thế tốt hơn như chủ cơ sở hoặc làm công hưởng lương. Bên cạnh đó, mặc dù đã có xu hướng thu hẹp dần, song thực tế vẫn tiếp tục tồn tại phân biệt đối xử trong lao động – việc làm, đặc biệt gánh nặng gia đình và công việc chăm sóc không lương vẫn tiếp tục là rào cản, định kiến giới về vai trò và năng lực của phụ nữ trong công việc phát triển nghề nghiệp.

Gỡ rào cản, thúc đẩy phụ nữ tham gia tốt nhất vào thị trường lao động

Bà Eliza Fernandez, Trưởng đại diện của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tham gia Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau từ năm 1997.

Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Bộ luật Lao động (năm 2012) đều nhất quán mục tiêu không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao hàm cả yếu tố cơ hội việc làm. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; đồng thời thúc đẩy phụ nữ tham gia vào thị trường lao động.

Cho rằng phụ nữ Việt Nam sẽ có nhiều thời gian làm việc xã hội hơn, nếu có dịch vụ công hỗ trợ, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị, các ngành, địa phương quan tâm mở rộng, nâng cấp hệ thống đường sá, trường học, bệnh viện, phương tiện giao thông công cộng, cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc người già, dịch vụ trợ giúp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại…

Ngoài ra, Việt Nam cần bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc hoàn thiện luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tới mọi đối tượng

Từ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ di cư, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light) đề xuất: “Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn lao động nữ di cư, nên rất khó mở rộng diện bao phủ đến đối tượng này. Để phụ nữ tham gia sâu hơn vào thị trường lao động, chính sách bảo hiểm tự nguyện đối với nhóm lao động di cư cần được bổ sung”.

Còn ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội thì cho rằng để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động, cần phải sửa đổi Bộ luật Lao động để đảm bảo bình đẳng về cơ hội trên thị trường lao động cho cả nam và nữ. Cùng với đó làm giảm bớt gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc không lương đối với phụ nữ thông qua phát triển hệ thống chăm sóc dài hạn toàn diện.

Hơn hết, cần xóa bỏ định kiến giới trong thị trường lao động về công việc phù hợp với nữ và nam. Đồng thời, khuyến khích đào tạo nghề nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ trong các lĩnh vực mà nam giới vẫn chiếm ưu thế. Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết Nguyễn Thị Hà cho biết, nhằm bảo đảm công bằng cho lao động nữ, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã dành một chương riêng quy định các vấn đề liên quan đến lao động nữ.

Dự thảo đề xuất các phương án về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động. Trong một số trường hợp, lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Với người sử dụng lao động, họ không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người nghỉ việc theo chế độ thai sản, cũng không được bố trí làm việc ban đêm, làm thêm giờ…

Hy vọng những ý kiến của các chuyên gia sẽ góp phần thúc đẩy đề xuất chính sách và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này