Giải pháp nào cải thiện lương, thu nhập ngành dệt may?

14:28 | 12/03/2019
(LĐTĐ) Tại buổi tọa đàm về mức lương của công nhân chuỗi cung ứng may mặc và thực trạng đời sống của họ do Oxfam tại Việt Nam vừa tổ chức mới đây có nhiều thông tin làm ta không khỏi nghĩ suy. 
giai phap nao cai thien luong thu nhap nganh det may Công ty Cổ phần May Sơn Hà: Hội nghị Người lao động năm 2019
giai phap nao cai thien luong thu nhap nganh det may Dệt và may mặc: Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt hơn 25 tỷ USD
giai phap nao cai thien luong thu nhap nganh det may Diễn đàn chuyên nghiệp nhất trong ngành Dệt May

Vang bóng một thời..

Hơn 20 năm trước, lĩnh vực dệt may không chỉ thu hút số lượng lao động đông nhất, mức lương, thu nhập so với mặt bằng chung khi đó cũng khá. Vậy mà, tại buổi tọa đàm, Oxfam Việt Nam và Viện Công nhân công đoàn (thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng công bố kết quả báo cáo nghiên cứu "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy" do Oxfam Việt Nam và Viện Công nhân công đoàn phối hợp thực hiện tại 6 doanh nghiệp may thuộc các vùng lương ở 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy một bức tranh có thể nói khá ảm đạm về ngành này. Dẫu cuộc khảo sát chưa phải là toàn diện, chưa nói hết bức tranh đầy sinh động của ngành dệt may Việt Nam…

giai phap nao cai thien luong thu nhap nganh det may
Chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đảm lương không đủ sống và hệ lụy

Cụ thể, theo kết quả của nghiên cứu này, nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có 52% công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu. 1/3 số công nhân không tiết kiệm được tiền, luôn trong tình trạng vay nợ.

69% công nhân được khảo sát cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình; 53% công nhân cho rằng không đủ tiền để trang trải những chi phí khám chữa bệnh, chi trả thuốc men; 37% cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân và Công đoàn Phạm Thu Lan cho hay, qua những lần khảo sát thực tế của Tổng LĐLĐViệt Nam cho thấy, nhiều công nhân may đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có những lúc bị đói.

Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn, không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, và không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái. Nhiều công nhân có kế hoạch và ước mơ cho tương lai, nhưng không nhìn thấy công việc hiện tại có thể giúp họ đạt được ước mơ. Họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình và không tiết kiệm được gì từ tiền lương của họ ngoại trừ một khoản tiền từ bảo hiểm xã hội nếu họ mất việc.

Nhiều hệ lụy khi lương không đủ sống

Bà Phạm Thu Lan (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn): “Công nhân may đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có những lúc bị đói. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn, không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, và không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái.

Nhiều công nhân có kế hoạch và ước mơ cho tương lai, nhưng không nhìn thấy công việc hiện tại có thể giúp họ đạt được ước mơ. Họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình và không tiết kiệm được gì từ tiền lương của họ ngoại trừ một khoản tiền từ bảo hiểm xã hội nếu họ mất việc”.

Lương không đủ sống là nguyên nhân chính khiến không ít công nhân phải xoay sở làm thêm để cải thiện thu nhập. Kết quả nghiên cứu trên cho thấy: 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên làm thêm giờ, 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, nếu có đi vệ sinh thì nhanh chóng để quay về làm việc, 28% lo lắng về việc làm quá nhiều giờ trong ngày và ảnh hưởng của làm thêm giờ tới sức khỏe.

Đi làm muộn, quên quẹt thẻ chấm công, nghỉ ốm hay không đạt định mức, tất cả chỉ là một trong rất nhiều cách khác nhau để doanh nghiệp khấu trừ thu nhập của người lao động. Thực tế, công nhân may vẫn có thể đạt mức thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng nhưng họ phải làm việc hết sức, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

Chị Nguyễn Thị Thơm (công nhân may ở Hải Dương) cho biết, công việc vất vả, thời gian làm việc kéo dài nhưng tiền lương nhận được thậm chí không đủ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, chưa nói đến vui chơi, giải trí. Chị Nguyễn Thị Thơm tính toán, cách đây 5 năm, may gấu quần đơn giá 500 đồng/chiếc. Đến nay, đơn giá gần như không đổi, có tăng một chút nhưng không đáng kể. Thu nhập tăng thêm do làm thêm giờ và may nhiều quen tay, tăng năng suất.

Không chỉ thiếu thốn về vật chất, tiền lương không đủ sống còn gây ra những hệ lụy về tâm lý, sức khỏe cho người lao động. Đa số công nhân may đều mong muốn thu nhập của họ đủ trang trải cuộc sống trong điều kiện làm việc bình thường, trong giờ làm việc tiêu chuẩn và cường độ làm việc phù hợp nhưng không dám lên tiếng vì sợ ảnh hưởng đến việc làm.

Họ buộc phải mong muốn công ty có thêm nhiều đơn hàng để có thể làm thêm giờ để đủ định mức. Theo bà Phạm Thu Lan, vấn đề tiền lương sẽ ảnh hưởng tới tâm trạng của người lao động, gây tâm lý ức chế hoặc không thoải mái, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc.

Nếu điều kiện lao động kém và lương quá thấp thì người lao động sẽ nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Ngoài ra, tiền lương thấp còn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân cả về mặt vật chất và tinh thần của NLĐ. Đặc biệt, không chỉ bị mắc kẹt trong cuộc sống khó khăn, mức lương thấp còn khiến NLĐ dễ bị bóc lột và phải “chịu đựng” những hành vi không công bằng hay bị lạm dụng để đổi lấy việc làm…

Cần xây dựng mức lương tối thiểu tiệm cận mức đủ sống

Bà Nguyễn Thu Hương – Quản lý Chương trình cấp cao, Oxfam tại Việt Nam cho rằng, việc xây dựng một lộ trình nâng mức lương tối thiểu (LTT) lên mức lương đủ sống có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong việc cải thiện đời sống của người lao động , mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội, đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, việc tăng LTT theo luật lên mức lương đủ sống ở Việt Nam hiện nay không dễ và vì vậy đòi hỏi sự chung sức, hành động của nhiều bên như Chính phủ, công đoàn và doanh nghiệp.

Trước hết, đối với Chính phủ, cần xây dựng lộ trình tăng mức LTT quốc gia hiện tại lên mức lương đủ sống, phù hợp với định nghĩa về lương đủ sống được chấp nhận trên toàn cầu. Trong đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia nên được trao trách nhiệm hỗ trợ trong việc xây dựng lộ trình thực hiện mục tiêu lương đủ sống này và có tham khảo ý kiến rộng rãi của cộng đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi hơn để trao quyền cho công đoàn và thực hiện thương lượng tập thể về tiền lương và điều kiện làm việc…

Đối với tổ chức công đoàn, theo ông Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, công đoàn cần tăng cường năng lực đàm phán, thương lượng tập thể liên quan đến xây dựng định mức lao động và đơn giá tiền lương. Ngoài ra, công đoàn cần phát huy quyền và nghĩa vụ của mình, để đảm bảo công nhân trong mỗi nhà máy được tham gia vào quá trình thương lượng tập thể và được trao quyền trong lĩnh vực này.

Đồng thời, công đoàn cần giám sát, đảm bảo rằng doanh nghiệp không sử dụng chiến thuật “lách luật” trong quá trình thực hiện cam kết về lương đủ sống hoặc các tiêu chuẩn, cam kết khác. Đối với doanh nghiệp, cần minh bạch về đơn hàng, về tính toán đơn giá tiền lương và định mức lao động, đảm bảo đơn giá tiền lương và định mức lao động được xây dựng phù hợp.

Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp cần lên tiếng và hành động để ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng dẫn tới “cuộc chạy đua xuống đáy”, gây ảnh hưởng xấu tới điều kiện lao động và lương của công nhân. Đồng thời, các hiệp hội doanh nghiệp cần liên kết với các nhà máy để yêu cầu khách hàng tăng giá mua, trong đó có chi phí nâng lương lên mức lương đủ sống và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này