Ký sự: Những chàng trai canh giữ biển đảo quê hương

Bài 4: Những người con Hà Nội ở Trường Sa

18:38 | 07/03/2019
(LĐTĐ) Những người lính hải quân ở Trường Sa đến từ mọi vùng, miền của Tổ Quốc. Mỗi người một giọng nói khác nhau nhưng đều có chung một ý chí, một niềm tin, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Trong số đó, có những người con ưu tú của Thủ đô...
bai 4 nhung nguoi con ha noi o truong sa Bài 3: Người lính thầm lặng
bai 4 nhung nguoi con ha noi o truong sa Bài 2: Tâm tình lính biển
bai 4 nhung nguoi con ha noi o truong sa Bài 1: Chuyện các tân binh

Nắng chiếu xuyên qua những tán lá bàng vuông khiến cho khoảng sân trước Sở chỉ huy đảo Trường Sa như lung linh hơn. Những ngày cuối năm, chúng tôi may mắn được trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ là những chàng trai Hà thành. Ở quần đảo Trường Sa, tìm được lính hải quân quê ở Hà Nội là vô cùng khó khăn. Thời điểm này, trên đảo Trường Sa chỉ có 3 chiến sỹ hải quân quê ở Hà Nội.

Đại úy Ngô Thành Khoa (SN 1987, quê ở Ứng Hòa, Hà Nội), Trợ lý Phòng không trên đảo Trường Sa, công tác trên đảo Trường Sa từ tháng 7/2018. Công việc huấn luyện, tổ chức lực lượng phòng không, xử lý tác chiến là những nhiệm vụ rất quan trọng của Đại úy Khoa. Khoa chia sẻ, anh đã từng công tác một năm trên đảo Song Tử Tây. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng làm nhiệm vụ trên đảo luôn là niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sỹ. Sau thời gian công tác ở Song Tử Tây, năm 2017, anh lại có nguyện vọng tiếp tục ra Trường Sa để góp phần nhỏ bé vào công cuộc gìn giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và nguyện vọng của anh cũng đã được chấp nhận.

bai 4 nhung nguoi con ha noi o truong sa
Đại úy Ngô Thành Khoa phổ biến nhiệm vụ gác hàng ngày tại vị trí cột mốc chủ quyền.

Nhớ lại ngày đầu tiên bước chân lên đảo Trường Sa – nơi được gọi là Thủ đô của quần đảo Trường Sa, Đại úy Khoa nói: Ngày đầu tiên lên đảo, cảm xúc thật thiêng liêng không thể tả. Cán bộ, chiến sỹ mới ra đảo ngay lập tức đến thăm những công trình tâm linh như: Tượng đài liệt sỹ, Nhà thờ Bác Hồ, Chùa Trường Sa… Những địa điểm này dường như là điểm tựa tinh thần vững chắc cho quân dân trên đảo bám biển ngày đêm làm nhiệm vụ…

Vào những ngày cuối năm, nhiều cán bộ, chiến sỹ chuẩn bị về đất liền đón Tết cùng với gia đình và người thân thì cảm giác nhớ nhà lại ùa về. Đại úy Khoa có vợ và 2 con nhỏ, giờ này, chắc chắn họ cũng đang nhớ về người chồng, người cha đang vững tay súng nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. “Nhớ nhà lắm chứ anh, nhất là thời điểm Tết đến, Xuân về. Các con tôi đêm nào cũng gọi điện thoại hỏi thăm bố, hỏi bao giờ bố về, bố nhớ mua quà cho con… Sau những giây phút thương nhớ về gia đình, chúng tôi lại tiếp tục nhiệm vụ cao cả của mình. Các cháu sau này lớn lên sẽ tự hào vì bố của mình đã từng sống và làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, Đại úy Khoa bùi ngùi.

Còn với Binh nhất Nguyễn Anh Tuấn (SN 1994, quê ở Hoàng Long, Phú Xuyên), Cụm chiến đấu số 3 đảo Trường Sa, thời điểm này thực sự khiến anh không khỏi bồn chồn xen lẫn háo hức. Vậy là sau 1 năm công tác trên đảo Trường Sa, chàng trai trẻ Hà thành lại sắp được về đón Tết cùng với gia đình. Là con cả trong gia đình có 3 anh em, ngay từ khi đi nghĩa vụ, Tuấn đã có nguyện vọng được vào hải quân và mơ ước được ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Hết nghĩa vụ Tuấn tiếp tục có nguyện vọng theo nghiệp quân đội. Những năm tháng cống hiến ở Trường Sa đã khiến chàng thư sinh nhỏ bé ở Hà Nội trưởng thành, cứng cỏi hơn và đặc biệt, Tuấn đã thêm tình yêu quê hương, đất nước, biết được những hy sinh, mất mát đối với những người lính hải quân khi làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió…

Tuấn chia sẻ, mới ngày đầu nhận nhiệm vụ vô cùng bỡ ngỡ. Nhưng nhờ sự động viên, tạo điều kiện của cán bộ chỉ huy cũng như chiến sỹ trên đảo Trường Sa, mọi công việc được giao, Tuấn đều hoàn thành xuất sắc. “Những ngày đầu trên đảo, những chiến sỹ trẻ như bọn em cảm nhận nỗi nhớ nhà da diết. Nhưng những đêm tuần tra canh gác, những giờ tập luyện nơi thao trường, những phút giây ấm áp bên nhau của những người lính hải quân đã giúp em dần vơi đi nỗi nhớ nhà.

bai 4 nhung nguoi con ha noi o truong sa
Các chiến sỹ quê ở Hà Nội trò chuyện với phóng viên.

Có thể có đôi chút hụt hẫng bởi cuộc sống mới nhưng những ngày tháng sống và làm việc ở Trường Sa sẽ mãi là kỷ niệm không bao giờ quên trong đời. Trên đảo Trường Sa, đời sống tinh thần của quân dân không kém ở đất liền. Hàng ngày, cán bộ chiến sỹ đá bóng ở sân cỏ nhân tạo, chơi bóng chuyền. Cứ đến ngày lễ, tết là đơn vị lại tổ chức giao lưu văn nghệ giữa quân dân trên đảo, tăng cường sự giao lưu gắn bó đồng thời giúp cán bộ, chiến sỹ vơi đi nỗi mệt nhọc sau những giờ làm việc”, Tuấn tâm sự.

Là anh cả trong gia đình sống bằng nghề nông, Tuấn rất đảm đang trong mọi công việc giúp đỡ bố mẹ. Chỉ vài ngày nữa thôi, Tuấn sẽ lại được ngồi bên hiên nhà ngồi gói bánh chưng hay đang cùng các em ra chợ hoa để sắm cây quất, cành đảo chuẩn bị đón Tết xum họp bên gia đình. Giờ này, cả gia đình đang đợi “cậu Cả” trở về. Sẽ là những giờ phút bên gia đình để Tuấn chia sẻ những kỷ niệm khó quên trong thời gian công tác trên vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc…

Tháng 7/2019, Binh nhất Nguyễn Văn Tuyên (SN 1999, quê ở Mê Linh), mới hết hoàn thành nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, giữa bão tố phong ba, Tuyên đã trưởng thành hơn qua từng ngày. Mới hôm qua, mẹ Tuyên gọi điện cho em để hỏi thăm sức khỏe và động viên con đón cái Tết xa nhà đầu tiên nhưng vô cùng ý nghĩa. Tuyên tâm sự, bố mẹ em rất tự hào vì có đứa con đang ngày đêm làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Bố mẹ lúc nào cũng căn dặn, tuổi trẻ đừng bao giờ để lãng phí, hãy dành thời gian để cống hiến cho quê hương, đất nước, điều mà không phải ai cũng có cơ hội thực hiện. Đặc biệt, làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa lại càng ý nghĩa gấp bội, bởi nơi đó là vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vẫn đang ngày đêm vững vàng, hiên ngang giữa muôn trùng khơi…

Nói về những chàng trai Hà Nội ở Trường Sa, Trung tá Lê Trọng Thông, Chính trị viên đảo Trường Sa, chia sẻ: Vinh dự cho đảo trường Sa có 3 người con Thủ đô học tập và công tác tại đây. Họ đều là những cán bộ, chiến sỹ rất có trách nhiệm trong công việc cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Trên đảo, tập hợp rất nhiều cán bộ, chiến sỹ đến từ mọi vùng miền trong cả nước nhưng những chàng trai Hà Nội luôn có nét riêng của mình. Đó là nét văn hóa của người Tràng An, thể hiện từ lời ăn tiếng nói, sự điềm đạm trong mọi mối quan hệ với đồng đội, đồng chí, với người dân trên đảo. Họ thực sự là những người lính thanh lịch, có văn hóa nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ cứng cỏi. Đó cũng là những khí chất của người lính ở đảo Trường Sa.

H.Duy

(Bài cuối: Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này