Làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao

11:52 | 05/03/2019
(LĐTĐ) Nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhiều mô hình kinh tế tại các huyện ngoại thành đã đưa lại thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế nông thôn mới cho TP Hà Nội.
lam giau tu nong nghiep cong nghe cao Cần có đề xuất đột phá trong phát triển nông nghiệp Thủ đô
lam giau tu nong nghiep cong nghe cao Làm giàu nhờ nuôi giun

Giàu lên nhờ phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Vào năm 2013, trước những nỗi lo về thực phẩm mất an toàn, chị Trương Kim Hoa (Giám đốc Công ty TNHH khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc) đã mạnh dạn áp dụng mô hình trồng rau theo phương pháp hữu cơ tại Trang trại Hoa Viên. Ban đầu chị chọn xã Yên Bình để phát triển mô hình này.

Chỉ trong vài năm, những vạt đất rừng trơ trụi của thôn Dục được bao phủ một màu xanh đầy sức sống của các loại rau sạch. Năm 2017, chị tiếp tục phát triển thêm một trang trại Hoa Viên thứ 2 tại xã Yên Trung. Để thực hiện sản xuất trên quy mô lớn, trang trại đã cải tạo 20ha đồi dốc thành những nấc ruộng bậc thang có hệ thống tưới phun mưa tự động giăng mắc khắp các triền đồi, dẫn nguồn nước từ núi Vua Bà thuộc Vườn quốc gia Ba Vì với độ tinh khiết cao để tưới cho rau. Hiện nay, nhà màng công nghệ cao cũng đang được xây dựng tại trang trại Hoa Viên để có thể trồng các loại rau trái vụ trong mùa hè.

lam giau tu nong nghiep cong nghe cao
Mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của vợ chồng anh chị Quý Cuối thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng

Không chỉ trồng rau, rau rừng hữu cơ, trang trại Hoa Viên còn phát triển một số hoạt động chăn nuôi theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Bình quân một tháng, trang trại xuất khoảng 1.000 con lợn thịt và 500 - 1.000 con lợn giống, doanh thu bình quân một năm đạt khoảng 100 tỷ đồng. Đây là mô hình chăn nuôi đang được triển khai có hiệu quả và tạo được sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Táo bạo, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết với nghề nông, có trình độ tiếp thu và áp dụng công nghệ, chuyên nghiệp trong sản xuất, đó là công thức làm nên thành công mô hình sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Đăng Quý và chị Đặng Thị Cuối thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Hai vợ chồng anh chị từng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, được tiếp cận với mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thông minh, tiện lợi và cho hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù nhận được mức lương 50 triệu đồng/tháng nhưng anh chị đã luôn đau đáu sớm muộn gì cũng trở về quê hương để thực hiện ước mơ làm chủ vùng sản xuất rau hữu cơ và làm giàu trên chính quê hương mình.

Bằng sự nỗ lực và kiên trì không ngừng, giờ đây anh chị đã thành công với mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng hạt giống rau biến đổi gen; đất trồng và nước tưới đảm bảo an toàn và được kiểm tra nghiêm ngặt.

Hiện tại, sản phẩm rau của gia đình được các siêu thị, các bếp ăn tập thể, các đơn vị cá nhân đặt mua với số lượng lớn, vượt khả năng cung ứng của gia đình anh, chị. Mô hình này cũng cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Không chỉ tạo thu nhập ổn định cho gia đình mà mô hình của anh chị còn tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Với mong muốn thoát nghèo, làm giàu chính đáng, anh Trần Văn Thắng, (xã Thọ An, huyện Đan Phượng) đã trải qua nhiều nghề. Sau khi tích lũy được một số vốn nhất định, mảnh đất quê hương lại là lựa chọn ổn định cho anh đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Từ năm 2015, trên diện tích hơn 2000m2, anh Thắng đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại đạt chuẩn chăn nuôi bò thịt. Với sự trợ giúp của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, trang trại đã nhập các giống bò chất lượng cao về chăn nuôi như: BBB, Brahman, Droughmaste...

Đây là những giống bò mới do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội triển khai trên địa bàn Hà Nội cho năng suất, chất lượng cũng như giá trị kinh tế cao hơn so với chăn nuôi giống bò cỏ thông thường từ 5- 7 triệu đồng/con. Từ 10 con ban đầu, chỉ sau 2 năm, anh đã đầu tư tăng đàn lên trên 220 con bò thịt thương phẩm. Mở rộng chăn nuôi quy mô lớn, anh Thắng đã đầu tư dây truyền sản xuất thức ăn chăn nuôi cho bò tự phối trộn nhằm đảm bảo chất lượng cũng như giảm chi phí mua thức ăn. Nếu trước kia mỗi ngày anh phải chi phí trên 10 triệu đồng mua thức ăn cho đàn gia súc thì sau khi đầu tư dây truyền sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tiết kiệm được trên 3 triệu đồng/ngày.

Sau gần 2 năm phát triển, đến nay mô hình chăn nuôi bò thịt của anh Trần Văn Thắng đang phát triển ổn định cho thu nhập gần 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho rất nhiều lao động ở địa phương. Hiện nay, anh Thắng đang được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bò thịt an toàn thực phẩm để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Vốn là nông dân, để tích lũy kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tiếp cận những mô hình mới do Trung tâm và huyện tổ chức đã giúp anh Thắng nung nấu quyết tâm, xây dựng thành công mô hình chăn nuôi bò thịt thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao như hiện nay.

Mở rộng đầu tư công nghệ cao

Những hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao đã tạo động lực cho các cá nhân, hộ gia đình tiếp tục mở rộng mô hình. Qua tìm hiểu, hiện trên địa bàn huyện Đan Phượng đã thu hút một số dự án đầu tư lớn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Dự án của Tập đoàn Vingroup về bảo tồn nguồn gen, đầu tư sản xuất rau hữu cơ và hoa quả; Dự án trồng nấm và hoa lan của Công ty Phát triển công nghệ cao Toàn Cầu; Dự án bảo tồn nguồn gen và trồng cây dược liệu ở xã Đan Phượng... Từ thành công bước đầu, huyện Đan Phượng đang tập trung hỗ trợ để mở rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các xã trên địa bàn huyện.

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không đơn giản, bởi phải có nguồn vốn đầu tư lớn cho công nghệ, xây dựng hạ tầng, nhân lực chất lượng cao. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Đan Phượng đã ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính và mặt bằng sản xuất.

Cụ thể, huyện đã đẩy mạnh các biện pháp thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; phát triển các khu chuyên canh tập trung, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa; bước đầu hình thành các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có năng lực, đủ điều kiện đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của thành phố; thu hút các doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Nhờ chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, hiện tại huyện Đan Phượng đã xây dựng được thương hiệu bưởi tôm vàng Đan Phượng và dán tem nhận diện hàng hoá nông sản cho sản phẩm rau an toàn của xã Phương Đình, Thượng Mỗ, Đan Phượng. Ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp mã QR code cho sản phẩm bưởi tôm vàng và rau hữu cơ. Với sự chung sức của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân các huyện ngoại thành sẽ có thêm nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và góp phần phát triển bền vững nông thôn mới.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này