Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH

11:21 | 22/02/2019
(LĐTĐ) Với những cải cách này được coi là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO, Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) được đánh giá cao, cùng hướng tới mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân.
tung buoc mo rong vung chac dien bao phu bhxh Phát triển đối tượng mới, gắn với đảm bảo quyền lợi người tham gia
tung buoc mo rong vung chac dien bao phu bhxh BHXH thành phố Hà Nội: Khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức

Tiệm cận với các tiêu chuẩn tiên tiến về an sinh xã hội

Theo ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) - Tổ trưởng Tổ Biên tập Đề án cải cách chính sách BHXH cho rằng, không chỉ các chuyên gia trong nước, mà các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đánh giá cao nội dung cải cách chính sách BHXH của Việt Nam.

Bởi những cải cách này được coi là tiến bộ nhất so với các nước trong khu vực, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO. Những điểm mới về tư duy nhận thức trong cải cách chính sách BHXH thể hiện toàn diện trong quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách cũng như các nhiệm vụ, giải pháp.

tung buoc mo rong vung chac dien bao phu bhxh
Chính sách hưởng BH thất nghiệp sẽ được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thị trường

Cụ thể, những tiến bộ của nội dung cải cách theo Nghị quyết 28 được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào: Số người tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi (35% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2021; 45% vào năm 2015 và 60% vào năm 2030); cho đến yếu tố đầu ra là số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu (45% người về hưu được hưởng lương hưu vào năm 2021; 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030).

Đồng thời, mục tiêu cải cách không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức, mà còn chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức.Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đáng chú ý, việc cải cách còn chú trọng cả đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHXH (đạt 80% vào năm 2021; 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030).

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định: Lần đầu tiên, chúng ta coi phạm vi BHXH không chỉ bao gồm những quan hệ đóng - hưởng trực tiếp vào quỹ BHXH, mà còn bao gồm cả những quan hệ đóng - hưởng gián tiếp vào Ngân sách nhà nước. Theo đó, với hệ thống BHXH đa tầng, Ngân sách nhà nước sẽ cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Điều này cho thấy, Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm đến việc đảm bảo an sinh cho người dân, thông qua việc hướng tới không có người cao tuổi nào trong xã hội không có lương hưu.

Điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế

Trước đây, theo Luật BHXH, người lao động phải có tối thiểu 20 năm đóng BHXH mới có cơ hội hưởng lương hưu. Theo các chuyên gia, quy định thời gian dài như vậy dẫn đến việc nhiều người lao động khu vực phi chính thức hoặc nông dân khó có điều kiện chờ đợi để được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, lần này với lộ trình giảm dần từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí tiến tới còn 10 năm đóng BHXH, nhóm người lao động này đều có thể có lương hưu từ quỹ BHXH để bảo đảm cuộc sống tuổi già.

Cũng theo các chuyên gia, hiện nay, chính sách BH thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường, chưa phù hợp với khu vực phi chính thức. Đáng nói, vẫn còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chứ chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo như thông lệ quốc tế (hỗ trợ duy trì việc làm để tránh sa thải lao động; chi trả trợ cấp thất nghiệp đảm bảo người lao động có thu nhập trong lúc chưa có việc làm; hỗ trợ người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động thông qua các hoạt động đào tạo dạy nghề).

Do đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc hỗ trợ một phần tiền lương từ quỹ BH thất nghiệp cho một số doanh nghiệp, để giữ chân người lao động tại những doanh nghiệp này. Đây chính là sự chia sẻ giữa doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và doanh nghiệp sử dụng ít lao động, doanh nghiệp có nguy cơ sa thải nhiều lao động và doanh nghiệp nguy cơ ít sa thải lao động.

Theo đó, Việt Nam chỉ cần hỗ trợ doanh nghiệp mỗi tháng 1 triệu đồng/người lao động, thì với khoảng 6.000 tỉ đồng/năm, sẽ giữ chân được 0,5 triệu người lao động trên thị trường. Như vậy, mức chi phí này sẽ thấp hơn, nếu chúng ta sử dụng để chi trả BH thất nghiệp.

Khẳng định quyết tâm của ngành trong thực hiện Nghị quyết, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định: Năm 2019 được ngành BHXH xác định là năm bản lề quan trọng thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Toàn ngành BHXH xác định năm 2019 thực hiện chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt hơn nữa, tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

V.Thu – B.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này