Xuân nơi đầu sóng

16:29 | 03/02/2019
(LĐTĐ) Mùa Xuân ở nơi biển đảo tiền tiêu phía Đông Bắc Tổ quốc dường như đến sớm hơn đất liền. Khi những con tàu cập đảo mang theo hơi ấm từ đất liền cũng là lúc người lính đảo chào đón xuân mới. Hương vị ngày Tết từ đất liền giúp các chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ quê hương, gia đình, bạn bè… Và trong hải trình xuân ấy, tôi đã gom nhặt được không ít chuyện kỳ thú, đó là những anh nuôi nơi đầu sóng ngọn gió, là những đổi thay đầy mạnh mẽ của các xã đảo, là nụ cười tươi rói, sự vững tin, luôn chắc tay súng quyết tâm bảo vệ chủ quyền của những người lính trẻ…  
xuan noi dau song Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân thăm, chúc Tết quân dân đảo Trần, Trà Bản
xuan noi dau song Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân thăm, chúc Tết quân dân huyện đảo Bạch Long Vỹ
xuan noi dau song Mang Tết đến sớm với các cán bộ, chiến sĩ tuyến đảo phía Bắc

Kỳ 1:

Chuyện kỳ thú phía sau hải trình xuân

Trên chuyến tàu của Đoàn công tác Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân đi hai đảo vùng Đông Bắc của Tổ quốc là đảo Trần và Trà Bản (cùng thuộc tỉnh Quảng Ninh), tôi không sao chợp mắt được. Phần vì hồi hộp khi lần đầu được tham gia một hành trình ý nghĩa, phần khác vì háo hức khi không biết trên đảo có còn nhiều khó khăn, xuân có được trọn vẹn.

Hương xuân nơi biển mặn

Chuyến tàu của Đoàn công tác hôm ấy do Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 1 Hải quân làm trưởng đoàn. Mới 4 giờ 30 phút sáng, từng hồi còi tàu vang lên trong màn sương sớm.

Trước khi ghé chân đến đảo, một chiến sĩ trong đoàn khái lược bảo, tuyến đảo Trần, Trà Bản có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế. Điều kiện tự nhiên trên các đảo này vô cùng khắc nghiệt. Hiếm khi nào vùng biển này lặng gió. Dễ thấy nhất là vào mùa hè, do đón sóng lớn từ gió Nam thổi lại nên bão biển ở đây có sức tàn phá lớn. Một điểm đặc trưng thời tiết khác là vào mùa đông, đây cũng là nơi đầu tiên hứng chịu những đợt gió mùa đông bắc “cắt da cắt thịt” tràn về. Dĩ nhiên, với những hình thái thời tiết như vậy, thuyền bè của ngư dân không thể cập bến vì sóng to, gió lớn. Chưa hết, trên đảo địa hình cũng phân bố phức tạp, chủ yếu là núi cao, vực sâu. Thổ nhưỡng khắc nghiệt nên quanh năm đảo ở trong cảnh khan hiếm nước ngọt. Trời nắng thì khô hạn nhưng hễ mưa là úng lụt, khiến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất gặp nhiều khó khăn…

xuan noi dau song
Vận chuyển quà Tết từ đất liền ra thăm đảo.

Địa hình khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt là vậy nhưng các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, hải quân và ngư dân vẫn ngày đêm bám trụ vừa chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, vừa tăng gia sản xuất, cải tạo đất đai và là chỗ dựa vững chãi cho cộng đồng dân cư trên đảo.

Sau hành trình dài hơn 4 tiếng trên biển mù sương với tầm nhìn rất thấp, đảo Trần gần hơn trước mắt chúng tôi. Rất bất ngờ, nắng đẹp bỗng dưng đổ xuống giữa trời vẫn còn đầy gió, những nếp nhà ngăn nắp, chắc chắn của người dân hiện ra ngay trước mắt. Như thấy được sự ngạc nhiên của tôi, Đại úy Phạm Văn Việt, Chính trị viên Trạm Rađa 480 thuộc Tiểu đoàn 151, Vùng 1 Hải quân cười hiền bảo: Đảo Trần tuy diện tích không lớn nhưng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh trên tuyến đảo phía Đông Bắc Tổ quốc. Nếu như trước đây, trên đảo không có dân cư sinh sống thì hiện giờ những ngôi nhà xây mái ngói đỏ tươi và tiếng nô đùa của đám trẻ đã khiến cho hòn đảo trở nên nhộn nhịp.

xuan noi dau song
Những ngôi nhà san sát.

Trong chuỗi hành trình “mang xuân” từ đất liền đến với đảo, ấn tượng nhất đối với tôi, đó là đường lên Trạm Rađa 480. Đường lên trạm rất cao và dốc. Đường đi khó khăn nhưng bù lại, trên dọc đường đi, những nhánh đào phai đã bung nở. Thấy chúng tôi, một cán bộ chiến sĩ ở trạm cho biết, anh em ngày ngày vẫn luân phiên đổi ca gác và “chạy lên, chạy xuống” để lấy thêm nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt. Đó là hoạt động thường ngày của những chiến sĩ nhưng với chúng tôi nó lại khó khăn vô cùng. Không ít những đoạn đường rất dốc và trơn trượt khiến chúng tôi phải dìu nhau đi. Thế mới biết, những cán bộ chiến sĩ tại trạm vất vả ra sao, khi ngày ngày vẫn đi dọc con đường này, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên môi những người chiến sĩ mang quân phục ấy luôn nở nụ cười, dù trán đẫm mồ hôi giữa rừng sương gió lạnh.

Đứng trên đỉnh trạm, nhìn xuống biển đảo quê hương, tôi thấy mắt mình nhòa đi, hóa ra, điều khác biệt nhất khi đứng trên đảo nhìn về biển với khi đứng trên đất liền nhìn về đảo, chính là sự “thấm thía”. Đứng trên đảo mới thấy mỗi tấc đất, mỗi vùng biển quê hương đều đẹp và quý giá biết mấy.

“Anh nuôi” nơi đầu sóng ngọn gió

Trước khi bắt đầu hành trình mang xuân ra các đảo, một đồng nghiệp đã chia sẻ với tôi câu chuyện rất thú vị về những “anh nuôi”. Chả là, trong dịp đi công tác, người bạn của tôi đã tình cờ gặp anh Trần Văn Trung (35 tuổi, quê Bắc Giang). Anh công tác tại Lữ đoàn 146 (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) và có đến 10 năm kinh nghiệm nấu ăn phục vụ cho các chuyến tàu đến Trường Sa. Bạn tôi bảo, hành trình đó vô cùng đặc biệt khi ghé thăm… bếp ăn. Các nồi niêu đang nấu trên tàu đều được chằng buộc cẩn thận. Thức ăn trên tàu cũng được chia nhỏ sang nhiều nồi để… không bị đổ ra ngoài khi tàu lắc, nghĩa là nếu lượng thức ăn đủ nấu cho 5 nồi thì phải chia ra thành 10 nồi để nấu. Nghe đồng nghiệp kể, tôi cũng khao khát gặp những người lính đảm đương công việc bếp núc ấy. Họ âm thầm, cần mẫn và cẩn trọng để lo chu toàn cho hàng trăm con người.

xuan noi dau song
"Anh nuôi" Trần Trung Kiên

Thật may mắn, ở Trạm Rađa 480 tôi cũng được gặp "anh nuôi" Trần Trung Kiên. Hỏi các chiến sĩ trên đảo mới hay, những anh nuôi như anh Kiên thường được anh em đơn vị tếu táo gọi là lính “vào sống, ra chín” của đảo. Bởi nhiệm vụ đơn thuần chỉ là làm cho thực phẩm “vào sống, ra chín” ở gian bếp. Nhắc chuyện này, anh Kiên cười hiền bảo, rất hiếm khi được nhắc đến nhưng người lính hậu cần, chuyên lo việc bếp núc như anh có một tầm quan trọng cực kỳ đặc biệt. Vì sao ư? Bởi trên đảo, bảo đảm an toàn thực phẩm là yếu tố sống còn hàng đầu. Một vụ ngộ độc thức ăn có thể giải quyết dễ dàng trên đất liền nhưng lại là một đại họa khủng khiếp trên những hòn đảo nhỏ nằm cách đất liền hàng trăm km. Nhiệt huyết và cần mẫn song hỏi ra mới biết, anh Kiên gắn bó với anh em nên suốt nhiều năm nay chưa một lần đón Tết ở quê hương. Với anh, đảo là nhà và anh em trong đơn vị là một phần máu thịt, là gia đình.

Trở lại câu chuyện mang xuân ra đảo, ở Trà Bản tôi đã cảm nhận rõ không khí rộn ràng đón Xuân tại Trạm Rađa 485 thuộc Tiểu đoàn 151, Vùng 1 Hải quân. Tại đây, các chiến sĩ, người thì nhanh tay gói bánh chưng, người kê bàn ghế, pha trà đón khách. Khúc nhạc xuân vang lên khiến không khí càng thêm náo nhiệt. Trung tá Nguyễn Gia Bắc - Chính trị viên Trạm Rađa 485 chia sẻ: Trong những ngày giáp tết Nguyên đán, các cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo cảm thấy rất ấm áp với tình cảm mà đất liền gửi đến anh em đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

xuan noi dau song
Trạm Rađa 485 tổ chức gói bánh chưng tạo không khí vui xuân ấm cúng cho các cán bộ, chiến sĩ ăn tết xa nhà.

Trung tá Nguyễn Gia Bắc bộc bạch: “Những tình cảm đó đã giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, động viên chúng tôi vững vàng, tự tin hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Dù ở đơn vị hay được về quê ăn Tết, chúng tôi đều xác định rõ tinh thần và trách nhiệm của một người lính làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biển đảo của Tổ quốc”.

Còn tại đảo Trần, bà Nguyễn Thị Cảnh, trưởng thôn lại hồ hởi bảo: “Tôi cùng người dân trên đảo cũng cảm thấy rất vui mừng, và phấn khởi khi được Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân cùng các ban ngành lãnh đạo địa phương đã quan tâm, thăm hỏi, động viên và đến chúc tết. Là một trong những hộ dân đầu tiên ra đảo sinh sống, tôi nhận thấy giữa quân và dân nơi đây rất tình cảm và đoàn kết. Kể cả những lúc người dân khó khăn nhất vẫn luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ, chiến sĩ. Đây cũng chính là động lực to lớn để chúng tôi đoàn kết, đồng lòng cùng với các lực lượng chức năng bám trụ lâu dài giữ vững vùng trời, biển đảo của Tổ quốc”.

P.T (Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này