Ký ức lá chuối

09:23 | 06/02/2019
(LĐTĐ) Chiều mùa thu có chuyến công tác về Quảng Nam nghe chị Khánh Ly hát:  “Em theo đoàn lưu dân mà  bờ vai em nhỏ quá chừng…” Nhớ mấy câu thơ của anh Phạm Hòa Việt mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc : “Em theo đoàn lưu dân, bỏ ruộng nương hương lúa, sắn khoai ngày nghèo khó, cà rau xanh lá đỏ, miếng ngọt chiều phai hương…”. Chợt nghe lành lạnh bên trời, mới đó mà đã ngoài 40 năm.
ky uc la chuoi Ký ức về những chiếc bánh chưng
ky uc la chuoi Có nên dùng lá chuối gói thực phẩm?
ky uc la chuoi
Nhà văn Nguyễn Một

Năm 1973, tôi theo đoàn lưu dân rời quê lúc 10 tuổi, trong thời chiến cái tuổi ấy thấy mình già lắm, biết khá nhiều chuyện. Tính ra lúc có chút trí khôn là cái năm 6 tuổi cậu tôi đưa đến gởi cho Thầy Hồng ở đình làng để “kiếm cái chữ mà sống với người ta” cho tới ngày rời quê hương “chôn nhau cắt rốn” ra đi được có 4 năm mà nhớ đủ thứ hết trơn! Có được cái chữ thấy “đau đời” hơn, nhiều bữa về quê ngồi bệt đống rơm nhìn ông Hoành lùa bò từ đồng về sống thanh thản cho đến gần 100 tuổi, thèm chi lạ! Thấy ông Hoành giở miếng cơm nắm còn sót lại trong miếng lá chuối héo ăn nốt, ực gáo nước mưa phủi chân vào nhà, ký ức lặng lẽ tràn về nhẹ nhàng và róc rách trong đầu như nước tràn khe Đá Lan.

Hồi nhỏ cái chi cũng lá chuối. Sáng mắt nhắm mắt mở vác cái đòn xóc lủn đủn theo cậu đi núi, lưng đeo cơm nắm trong lá chuối. Trưa bẻ vắt cơm chấm muối, ngụp xuống suối vừa tắm vừa húp vài ngụm nước rồi gánh củi về. Nắng đổ lửa trên đầu hai bó củi xộc xệch cun cút chạy theo cậu.

Bà Liễu kẽo kẹt gánh củi sau lưng: Huớ chú Hai gánh củi thằng Xít sặp đổ! – Đi tới Huế không đổ! Soạt – gánh củi tụt – Chu choa Huế bữa ni gần hỉ? Hồi nớ nghe giọng nói gay kiểu Quảng tức muốn khóc, chừ nhớ lại muốn khóc! Về tới nhà bà ngoại hồ hởi nói: Củi nhiều rồi, mai gánh xuống chợ La Tháp bán. Gà chưa kịp gáy canh hai cả nhà lục đục dậy. Ông một gánh củi, bà một gánh củi, cậu gánh củi, thằng nhỏ quảy mấy con gà theo sau. Giờ về ngồi ô tô thấy chợ La Tháp nhoáng một cái là tới, có hơn mười cây số mà hồi đó đi từ nửa đêm tờ mờ sáng mới tới.

Người bán kẻ mua cũng tấp nập, củi, heo, gà, nếp la liệt. Thấy sàng bánh đúc trên cái miếng lá chuối xanh mướt, bánh trắng muốt, tôm xay lốm đốm đỏ rắc lên trên nghe trong bụng cồn cào. Bán được củi bà mua cho miếng bánh đúc, bà hàng khéo léo xén miếng bánh đúc hình tam giác ăn xong còn thèm thuồng.Theo bà đi chợ, mua tôm khô, cá nục hấp, cá nướng… mua cái chi người ta cũng đùm trong lá chuối. Đến mắm nục, loại mắm cái muối bằng cá nục to như ngón chân cái cũng được bà hàng xén khéo léo mo miếng lá chuối hơ lửa rồi khéo léo đùm mắm dùng dây chuối cột lại. Qua hàng bánh rò, nhớ ngày Tết.

ky uc la chuoi

Cứ chiều ngày 29 bà sai hai cậu cháu đi rọc lá chuối. Dùng liềm cán dài cắt những tàu lá chuối hột trong vườn, loại chuối này quê tôi gọi là chuối chát, quê tôi ai cũng trồng vài bụi để cắt cây non làm rau sống ăn mì Quảng, thân chuối bóc vài bẹ bên ngoài bên trong trắng như ngó sen, thái ra trộn vài loại rau thơm như hung dũi, lá quế thành rổ rau sống để ăn mì, thật tình mà nói chưa có loại rau sống nào ăn mì mà ngon hơn rau thân chuối.

Nhiều nơi cũng chế biến rổ rau từ cải non, rau đắng… nhưng dường như món ăn đặc trưng của nền văn hóa khai khẩn này chỉ hợp với loại rau sống chuối cây đặc biệt này, loại rau ngòn ngọt cân bằng vị béo của dầu phộng và vị thơm của củ nén trong nồi nước nhưn thịt gà hay cá tràu thì đủ sức “đạp đổ” hết cao lương mỹ vị của các nhà hàng năm sao – tất nhiên chỉ với người Quảng. Nhớ thì lan man vậy chứ thời chiến khó khăn cả năm cũng chỉ được vài bữa mì vào dịp giỗ, tế xuấn, mùa mới, bà con trồng cây chuối chát để lấy lá là chủ yếu. Lá chuối hơ lửa cho héo, để ông ngoại gói bánh ít, bánh tét, bánh tổ, màu xanh lá và đặc biệt làm bao bì để gói ghém đủ thứ

Lang thang trong chợ hết hàng bánh xèo, mì Quảng, xôi đường, bánh rò. Thịt, cá mắm… Các mùi vị “thập cẩm” lạ lùng của chợ quê cứ nằm mãi trong “hành trang ký ức” mấy chục năm qua chưa bao giờ phai nhạt. Bây giờ siêu thị, chợ phố đủ cả, “chừ cái chi cũng bỏ bô (bao), về tới nhà vứt trắng lăng cả đường làng!” Lời nhận xét đặc sệt giọng Quảng của chị Ba nghe cứ quê quê, buồn buồn và chợt hiểu vì sao qua hàng trăm chợ phố, siêu thị không khi nào cảm nhận được cái mùi lạ lùng của chợ quê xưa – Cái mùi lá chuối thân thương.

Nguyễn Một

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này