Chầu then ở Mường Trời

08:38 | 10/02/2019
(LĐTĐ) Hàng năm, cứ vào ngày 4 tháng Giêng, người dân sống quanh thôn Pha, xã Châu Quế Hạ (huyện Văn Yên, Yên Bái) lại háo hức tìm về nhà bà Dương Thị Tiệp để thưởng thức buổi chầu Then đầu tiên trong năm mới. Người trong vùng bảo, đó là cuộc hành trình về Mường Trời của bà Then nhằm cầu an cho dân làng một năm mới ấm no.
chau then o muong troi Sống phúc âm giữa lòng dân tộc
chau then o muong troi Đem hơi ấm đến đồng bào vùng cao

Về chốn thâm sơn nghe điệu chầu Then

Ở thôn Pha, nhắc bà Tiệp ai ai cũng biết. Người trong vùng bảo bà là một “già Then” nổi tiếng hát hay, múa đẹp và được dân làng trọng vọng. Ngoài ra, bà còn là một trong số ít những người trong vùng gắn mình với công việc cúng bái cho dân bản mỗi khi gia đình nào “có hạn” cần nhờ đến. Để đến được nhà già Then Tiệp, tôi phải vượt qua một quả đồi nhưng do địa thế hiểm trở của vùng núi cao Tây Bắc nên dù đã sắp xếp đi sớm nhưng mãi gần 8 giờ tối tôi mới tìm được đến bản.

Người trong vùng bảo, là già Then đã lâu nên cứ vào ngày 4 tháng Giêng là bà lại tổ chức một đêm chầu Then tại gia để cầu an cho dân bản. Là đêm cầu an nên đây cũng là địa điểm vui chơi dịp Tết cho mọi người trong vùng. Nghe kể, muốn làm một già Then như bà Tiệp thì bắt buộc phải thuộc nhiều đường Then và có căn quả. Người làm Then phải là người thích hợp cho việc làm thầy cúng, được cộng đồng tín nhiệm, nể trọng.

chau then o muong troi
Một buổi chầu Then mang ý nghĩa cầu an và cầu mùa màng bội thu

Đến nhà Then Tiệp, mỗi người đều phải chuẩn bị lễ vật của riêng mình để nhờ bà đọc lời khấn dâng thỉnh cầu lên các quan văn, quan võ, các đấng tối cao trên Mường Trời, cầu cho sức khỏe, công danh, mùa màng tươi tốt... Lễ có thể là một con gà, cỗ xôi, chai rượu, hương vàng hoặc đơn giản lễ chỉ cần mang đến gói bánh, lon bia, thuốc lá, vàng mã, miễn sao là thành tâm. Để đêm chầu Then diễn ra thuận lợi, ngoài những dụng cụ hành nghề đặc trưng của bà Then như: Quạt giấy, quả nhạc hay còn gọi là chuông then, quần áo, mũ còn có những thứ buộc gia chủ hoặc những “lục liệng” (con nuôi của bà Then - PV) phải chuẩn bị trước như: Thanh bông hoa quả, nước xông, rượu, hương vàng.

Rửa tay trong lửa để… giải uế

Trước khi bà Then làm nhiệm vụ của mình, tức khi bị “nhập” thì những “lục liệng” phải chuẩn bị mọi thứ thật kỹ lưỡng, để đến khi nào cần thì mang ra. Được biết, bà Tiệp có khá nhiều “lục liệng” nhưng tất cả họ phải là những người biết nhiều, hiểu nhiều lễ nghi. Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn cả là họ phải hợp với bà Then mới theo được. Trong đêm làm lễ chầu, cô Quýnh và chú Đới là hai trong số ít người được làng chọn để giúp đỡ bà Then.

Trong buổi lễ, các dụng cụ như quả Then, tràng nhạc… đều phải được những người giúp đỡ lau rửa sạch sẽ bằng rượu. Đặc biệt, phần điện thờ trước khi nghi lễ diễn ra cũng phải được lau dọn, sửa sang sạch đẹp. Trước lúc bà Then lên đồng, bà sẽ sai hai người “lục liệng” mang nước xông được đun bằng một số loại lá thơm để giải uế cho điện thờ thơm tho, sạch sẽ. Điều đặc biệt, trong nghi thức chầu, bà Then phải nhờ đến một cao nhân khác trong làng biết “giải uế” đến…

“Then” theo tiếng đồng bào dân tộc Tày là Thiên, là Trời. Vì vậy, nếu hiểu theo ngôn ngữ dân tộc thì điệu hát Then được coi là điệu hát thần tiên. Bà Then hay già Then được coi là Bụt, là người thường làm lễ chầu Then bằng chùm xóc nhạc. Những điệu múa trong buổi lễ là để dâng lên Mường Trời, đến với các đấng siêu nhiên thỉnh cầu cho cộng đồng một năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu. Tuy nhiên, để buổi lễ chầu Then thành công còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: Người hát, múa, người đến giải uế cũng như công đoạn chuẩn bị lễ vật… đặc biệt là sự thành tâm đối với thần linh.

Sau khi giải uế cho điện thờ, thầy Bảng bắt tay vào giải uế cho bà Then. Trước mặt bà Then, thầy Bảng để lại một bát nước, bên trong có một nửa là nước nhúng ngọn lá Thanh thảo. Bên cạnh bát nước còn có bốn chiếc chén đựng trong khay. Trong đó có hai chén là rượu và hai chén là nước trắng. Rượu uống để khấn vái với các quan các tướng còn nước trắng đêm để súc miệng. Tất cả nước và rượu dùng cho bà Then sau khi giải uế tuyệt đối không được phép đổ đi mà phải nhổ vào ống nhỏ được chuẩn bị sẵn. Mọi người quan niệm rằng, trước khi làm Then, bà Then phải giữ cho mình thật sạch sẽ nếu không khi lên Mường Trời ước nguyện của dân làng, mọi lời cầu xin sẽ trở nên vô nghĩa.

Theo lệ tục, để giữ cho mình sạch sẽ, bà Then không thế bỏ qua bước gọi nôm là “hỏa thang”. Ấy là khi “lục liệng” cầm từ bếp lên một chiếc chậu nhôm, được cho vào lửa trước sao cho thật nóng. Sau đó, một người sẽ đổ rượu vào để lửa bốc lên và ngay sau đó bà Then mới bắt đầu “rửa tay” trên ngọn lửa đang bốc cháy. Được biết, lúc này bà Then đã bị nhập nên không còn cảm giác nóng nữa. Và lúc này, cuộc hành trình lên với Mường Trời bằng những câu hát, câu khấn Then và quả nhạc được bắt đầu.

Xem Then lên Mường Trời

Trong ngôi nhà sàn chật kín người, mọi người hướng mắt nhìn theo, ngẩn ngơ cùng tiếng hát của Then, một điệu hát như làm “say” lòng người. Già Then ngồi trước điện thờ của mình, tay cầm quạt, đầu đội mũ và có một nén hương được cài cạnh mũ liên tục hát lời Then bằng tiếng dân tộc Tày, theo sau là một hàng “lục liệng” ngồi hàng ngang ở phía sau. Theo quan sát của tôi, trên tay mỗi người khi ấy đều cầm một tràng nhạc và nhiều quả nhạc vừa nghe bà hát vừa “xấu mác lính” (nghĩa là đang đi đường - PV), xắc quả nhạc theo nhịp điệu để đưa Then lên Mường Trời.

Theo quan niệm của dân tộc Tày, già Then phải được chứng nhận đủ khả năng tiến hành nghi lễ cúng bái, cầu an trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Ngoài tên gọi như già Then thì người làng còn có thể gọi bằng nhiều tên khác như “bà Bụt” hay “thầy Then”… Người này khi lên cầu Mường Trời phải có các “lục liệng” tháp tùng theo sau cùng tiếng nhạc, tiếng hát, múa vui vẻ. Sau khoảng 30 phút nghe Then và những “lục liệng” chầu Then, những người ngồi xắc quả nhạc đi đốt hương vàng và làm nghi thức “đỡ” quạt cho thầy Then để kết thúc phần hát Then chuyển tiếp sang múa then.

Một đêm chầu Then có thể diễn ra từ khoảng 8 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau. Trong buổi lễ cầu an, mọi người cứ thoải mái hát múa, vui vẻ và say đắm bên nhau. Đây cũng là lúc những người cao niên trong làng cũng như thầy Then truyền dạy, chỉ bảo con cháu những nghi thức chầu Then, hát Then cũng như những điệu múa làm mê đắm lòng người. Bởi họ biết rằng, đây là một nét đẹp văn hóa, cần được giữ gìn và phát huy hơn bao giờ hết.

Yến Lự - L. Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này