Những người con Tà ôi, Pa cô, Cơ tu giữa lòng Thủ đô

20:19 | 08/02/2019
(LĐTĐ) Luôn mang trong mình trái tim nhiệt huyết, bản thân những người đồng bào dân tộc Tà ôi, Pa cô, Cơ tu (huyện Á Lưới, Thừa Thiên Huế) khi rời quê hương đến với Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) mong muốn được giao lưu, giới thiệu và gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc, những món ăn ẩm thực mang hương vị truyền thống của dân tộc mình như: A Quát (bánh tình yêu), cá nướng ống, cơm lam… đến với du khách thập phương và bạn bè quốc tế.
nhung nguoi con ta oi pa co co tu giua long thu do Sắc vàng giữa lòng Thủ đô
nhung nguoi con ta oi pa co co tu giua long thu do Độc đáo "xóm đường tàu" giữa lòng Thủ đô

Giữa tiết trời giá rét của khí hậu miền Bắc, trong ngôi nhà rông tại Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam) già làng Viên Đăng Minh (55 tuổi), người dân tộc Tà ôi, huyện A Lưới nở nụ cười hạnh phúc khi tiếp chuyện với chúng tôi. Già làng bảo, kể từ ngày ra làng văn hóa ở đến nay cuộc sống không có quá nhiều sự thay đổi.

Điều đặc biệt, già làng Minh là người thứ 2 “được lựa chọn” đại diện cho cộng đồng dân tộc Tà ôi và Pa cô đưa gia đình đến Làng văn hóa ở Hà Nội sinh sống. Trước đó, vào năm 2017, già làng Hồ Văn Hạnh là người đầu tiên đưa gia đình, con, cháu, cùng với một số đồng bào tại huyện A Lưới đã xung phong đến Làng văn hóa sinh sống và giới thiệu văn hóa dân tộc mình.

nhung nguoi con ta oi pa co co tu giua long thu do
Du khách thích thú với sản phẩm, ẩm thực của người Tà ôi

“Hiện nay tại Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cộng đồng dân tộc Tà ôi và Pa cô chỉ có 8 nhân khâu đang cùng sinh sống. Làng của người Tà ôi và Pa cô ở đây được dựng lên tương đối giống với kiến trúc ở quê. Bên cạnh đó, cuộc sống của chúng tôi cũng không có nhiều thay đổi, ngoài việc được tiếp xúc với nhiều khách du lịch hơn, được giao lưu, học hỏi với nhiều anh em dân tộc khác ở Việt Nam cùng sinh sống ở đây. Qua đó, giúp chúng tôi mở mang được kiến thức, được chia sẻ, giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc đến đông đảo người dân khắp cả nước và bạn bè quốc tế”, già làng Minh tâm sự.

Đề cập đến quyết định của mình khi đưa gia đình chuyển ra ngoài Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam sinh sống, già làng Minh và vợ là bà A Viết Thị Nhi (50 tuổi) cho biết, mặc dù trước đây cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng gia đình ông bà không muốn thay đổi nơi sinh sống. Bởi lẽ, bao năm sống ở bản đã quen với các phong tục tập quán, với sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau của anh em, hàng xóm… nên khi được vận động ra Làng văn hóa sinh sống, gia đình già làng Minh không muốn đi. Tuy nhiên, với sự vận động của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự tiên phong của già làng Hồ Văn Hạnh, đã trở thành động lực lớn khiến già làng Viên Đăng Minh và vợ mình quyết định cùng con cháu chuyển ra Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sinh sống.

nhung nguoi con ta oi pa co co tu giua long thu do
Già làng Minh giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của người Tà ôi.

“Cuộc sống của chúng tôi ở Làng văn hóa này đầy đủ hơn, được tiếp xúc với nhiều người hơn, nhưng thú thật là rất nhớ nhà. Tuy nhiên, trước khi có quyết định ra đây sinh sống chúng tôi đã nghĩ, đi vì trách nhiệm bảo tồn và gìn giữ văn hóa dân tộc, vì sự tự hào với những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc và đặc biệt là đi vì trách nhiệm vì mình là “người được lựa chọn”. Mình già mình phải đi thì sau này lớp trẻ họ mới mạnh dạn theo mình, có như vậy văn hóa, bản sắc dân tộc mới gìn giữ và giới thiệu được rộng rãi đến với mọi người”, già làng Viên Đăng Minh nói.

Nỗi nhớ nhà, nhớ bản làng đối với những đồng bào dân tộc Tà ôi, Pa cô, cùng đồng bào các dân tộc khác trên cả nước đang sinh sống tại Làng văn hóa các dân tộc là không tránh khỏi. Thế nhưng, để vơi bớt nỗi nhớ nhà, bên cạnh việc thường xuyên tiếp xúc, chia sẻ với du khách thập phương, với anh em dân tộc sinh sống tại Làng văn hóa, bà con ở đây còn chủ động làm những công việc thường ngày ở làng trước đây như: Nuôi gà, trồng lúa, dệt, đan lát… Đặc biệt, một điều không thể thiếu đó là chế biến các món ăn mang đậm truyền thống dân tộc một phần cho vơi đi nỗi nhớ quê, một phần để hãnh diện khoe với du khách, với các dân tộc anh em về nét đặc sắc trong ẩm thực dân tộc.

Giới thiệu với chúng tôi về các món ăn truyền thống của dân tộc, già làng Minh cho biết, do không có đủ nguồn nguyên liệu, cũng như không có đủ lực lượng để chế biến ẩm thực, nên cộng đồng dân tộc Tà ôi, Pa cô tại đây thường chỉ giới thiệu được một vài món ăn đến với du khách vào dịp cuối tuần, hoặc các ngày lễ lớn mà làng vận động, giới thiệu ẩm thực địa phương, vùng miền.

Tại những ngày này, các món ăn không thể thiếu là: Cơm lam nấu trong ống nứa, cá nướng ống, cá bọc lá rừng nướng than, thịt xông khói và đặc biệt một món ăn truyền thống không thể thiếu của cộng đồng người dân tộc Tà ôi, Pa cô chính là bánh A Quát (bánh mang biểu tượng tình yêu)… Tất cả những món ăn này theo chia sẻ của già làng Minh, đây là món ăn không thể thiếu của người dân tộc ở huyện A Lưới trong các ngày lễ trọng đại của dân tộc như: Năm mới, cúng thần, tiếp khách, cưới hỏi…

Điều đặc biệt, ở đây dù phải xa nơi chôn nhau, cắt rốn, xa bản làng, anh em… nhưng họ luôn cảm nhận được hơi ấm của tình đoàn kết, của trách nhiệm và không biết từ khi nào, cộng đồng dân tộc tại Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã coi nhau như anh em ruột thịt, cùng nhau sẻ chia ngọt bùi và cùng nhau gìn giữ, giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với du khách mọi miền đất nước.

nhung nguoi con ta oi pa co co tu giua long thu do
Già làng Viên Đăng Minh - dân tộc Tà ôi (huyện A Lưới) tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

“Cuộc sống của chúng tôi ở Làng văn hóa này đầy đủ hơn, được tiếp xúc với nhiều người hơn, nhưng thú thật là rất nhớ nhà. Tuy nhiên, trước khi có quyết định ra đây sinh sống chúng tôi đã nghĩ, đi vì trách nhiệm bảo tồn và gìn giữ văn hóa dân tộc, vì sự tự hào với những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc và đặc biệt là đi vì trách nhiệm vì mình là “người được lựa chọn”.

Mình già mình phải đi thì sau này lớp trẻ họ mới mạnh dạn theo mình, có như vậy văn hóa, bản sắc dân tộc mới gìn giữ và giới thiệu được rộng rãi đến với mọi người”, già làng Viên Đăng Minh nói.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này