Mạn đàm về thành phố thông minh

22:30 | 11/02/2019
(LĐTĐ) Cứ Tết về, người dân Hà Nội lại lắng đọng để cảm nhận về thành phố thân yêu của mình đang thay da đổi thịt thế nào. Năm qua, ai cũng đặt cho mình những câu hỏi về một thành phố Hà Nội thông minh trong tương lai. Và  liệu, Tết của người Hà Nội có đổi thay? 
man dam ve thanh pho thong minh Xây dựng đô thị thông minh không thể thiếu vai trò của báo chí
man dam ve thanh pho thong minh Hợp tác xây dựng thành phố thông minh
man dam ve thanh pho thong minh Hà Nội hướng tới mô hình thành phố thông minh, an toàn, thân thiện

Lấy người dân làm trung tâm

Bên một quán cóc trên phố Trần Hưng Đạo, đã là những ngày cuối năm nhưng quán vẫn đông vui, tấp nập với những câu chuyện xung quanh không khí Tết đến, xuân về. Trò chuyện với chúng tôi, chị Chu Thanh Huyền, ở 114 Đội Cấn (quận Ba Đình) chia sẻ, gần 10 năm lựa chọn sinh sống tại Hà Nội mang lại cho chị nhiều cơ hội trong cuộc sống, công việc nhưng cũng khiến chị đối mặt với những áp lực do sự quá tải của một “siêu đô thị”, như tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập mỗi khi mưa lớn, không khí ô nhiễm, nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà...

man dam ve thanh pho thong minh
Vé điện tử trên tuyến xe buýt nhanh BRT. Ảnh: M.Tiến

Nhưng thời gian gần đây, sự lo lắng đã phần nào giảm bớt, nhờ những ứng dụng công nghệ mà Thành phố đang triển khai. Khi trời mưa to, bật ứng dụng HSDC Maps trên điện thoại di động là chị Huyền biết được tình trạng úng ngập trên các tuyến đường để tránh. Những lúc đi ô tô, không còn phải loay hoay tìm kiếm một chỗ gửi xe trong nội thành, nhờ ứng dụng I-parking trên thiết bị di động… Đối với các thủ tục hành chính, chỉ cần chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối internet là có thể thực hiện được và nhận kết quả gửi đến tận nhà.

Những tiện ích chị Huyền kể trên giúp cuộc sống của các công dân đô thị thuận tiện hơn, đồng thời cho thấy những tiến bộ trong phương thức quản lý, điều hành của thành phố, để Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

man dam ve thanh pho thong minh
Tuyến buýt nhanh 01 Kim Mã - Yên Nghĩa ứng dụng mô hình thẻ vé điện tử

Theo lãnh đạo Thành phố Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh nhằm mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ, nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Người dân sẽ được thụ hưởng các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội...

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ chia sẻ, tiến trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội trải qua 3 giai đoạn. Từ nay đến năm 2020 sẽ hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, bao gồm: Nền tảng cơ sở hạ tầng; các cơ sở dữ liệu cốt lõi; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng các hệ thống thông minh trong các lĩnh vực thiết yếu: Giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, an toàn xã hội và môi trường.

Thành phố thông minh không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn bảo đảm minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu của bộ máy công quyền.

Hòa cùng với xu thế chung của thế giới, với một lộ trình rõ ràng, cùng những bước đi thận trọng, thành phố Hà Nội phấn đấu là địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng thành phố thông minh, tự tin đứng trong mạng lưới các thành phố thông minh trong khu vực và trên thế giới trong tương lai không xa.

Từ năm 2020 đến 2025 sẽ hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia và hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn ba, sau năm 2025 sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao, mang đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Thực hiện lộ trình nêu trên, hai năm qua, Hà Nội có bước đột phá căn bản về công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị.

Đến nay, Thành phố đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 các lĩnh vực: Tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông trên một nền tảng thống nhất, đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt của một số dịch vụ công có kết quả cao.

Hiện nay, Thành phố ưu tiên xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường… Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang hoàn thiện Đề án Giao thông thông minh, tập trung số hóa hạ tầng và phương tiện giao thông; xây dựng các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm tự động.

Hệ thống vé điện tử trên tuyến xe buýt BRT đã đưa vào sử dụng từ tháng 10/2018 được người dân rất hưởng ứng. Trong lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch thành phố đang tích cực xây dựng và triển khai Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng tra cứu, đặt tua, phòng khách sạn, quán ăn… trên thiết bị di động, bản đồ số du lịch…

Hướng tới môi trường sống thân thiện

Theo ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT), một trong những nội dung trọng tâm khi thực hiện Smart City là hệ thống camera giám sát dựa trên giải pháp Cloud Camera do VNPT đang cung cấp. Hệ thống camera cung cấp thông tin kịp thời về giao thông, giải quyết ùn tắc, bằng chứng cho các đơn vị liên quan (công an, bảo hiểm, cứu hộ, cứu hỏa, cấp cứu...) về các trường hợp như trộm, cướp, tai nạn, đậu đỗ xe sai quy định...; cung cấp thông tin về giao thông cho khách du lịch...

Với giải pháp giám sát được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây với công nghệ Plug & Play và di động, các kịch bản tình huống sẽ được xây dựng. Ví dụ, khi xảy ra ùn tắc giao thông tại một khu vực nào đó, hệ thống camera tại các khu vực lân cận có thể nhanh chóng cung cấp thông tin về giao thông để giúp người điều hành có thể ra được các chính sách điều hướng linh hoạt, tránh việc làm trầm trọng thêm tại khu vực đang ùn tắc. Một ví dụ khác là camera theo dõi một con đường ven sông sẽ cung cấp thông tin đồng thời cho hai module phân tích theo dõi lưu lượng giao thông và theo dõi mực nước của sông.

Bên cạnh đó, hệ thống hỗ trợ an toàn qua điện thoại thông minh rất hữu ích cho phụ nữ, trẻ em và du khách. Khi đăng nhập sử dụng hệ thống, người dùng có thể khởi tạo quãng đường đi bộ cần di chuyển và thời gian di chuyển; hệ thống sẽ theo dõi diễn biến trên quãng đường và thời gian đó qua tín hiệu GPS.

Khi người sử dụng tiến hành di chuyển thì ứng dụng sẽ cho phép xem qua camera hình ảnh ở quãng đường phía trước. Nếu tín hiệu GPS không phù hợp với quãng đường và thời gian di chuyển đã đăng ký, hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo và trung tâm kết nối có thể chuyển tín hiệu cảnh báo đến các đội xử lý và hỗ trợ khẩn cấp.

Theo các chuyên gia, thành phố thông minh cũng giúp chính quyền sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tối ưu, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai. Cụ thể như trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế...

Tết đã về trên khắp cả nước. Không biết lộ trình Hà Nội trở thành thành phố thông minh sẽ ra sao nhưng “bánh chưng xanh, câu đối đỏ” cùng với phong tục truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của người Tràng An chắc chắn sẽ không thay đổi. Dù có đi đâu xa, những ngày Tết, ai cũng mong ước được về sum họp bên gia đình…

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này