Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên:

Đã có nhiều chuyển biến tích cực

14:16 | 17/01/2019
(LĐTĐ) Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống (LTCMĐĐLS) cho thanh thiếu niên và nhi đồng của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trong ngành Giáo dục và tổ chức Đoàn Thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.
da co nhieu chuyen bien tich cuc Chương trình giáo dục phổ thông mới: Có thực sự “giảm tải”?
da co nhieu chuyen bien tich cuc Phù hợp với năng lực người học

Triển khai rộng khắp ở các cấp học

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng nội dung giáo dục LTCMĐĐLS trong nhà trường đảm bảo thiết thực, hiệu quả; đồng thời đổi mới phương pháp dạy nhiều môn học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Theo đó, đối với giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn và thẩm định bộ tài liệu “Hướng dẫn tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giáo dục mầm non”. Hướng dẫn bồi dưỡng, tập huấn, thực hiện tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời các sở GD&ĐT cũng đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non lập kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, thực hiện việc tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; tổ chức kiểm tra công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên.

da co nhieu chuyen bien tich cuc
Hiện nay, công tác giáo dục LTCMĐĐLS cho HSSV đang được các nhà trường chú trọng.

Đối với giáo dục phổ thông, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang tiến hành xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Các nội dung giáo dục LTCMĐĐLS, kỹ năng sống cho học sinh đã được thể hiện rõ, xuyên suốt trong Chương trình giáo dục tổng thể và Chương trình cụ thể của từng môn học.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá các môn học theo hướng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hoàn thiện nội dung biên soạn tài liệu, tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên cốt cán môn Đạo đức, Giáo dục công dân về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học.

Hoàn thiện biên soạn Bộ tài liệu hướng dẫn tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chương trình giáo dục cấp Tiểu học, THCS, THPT đối với các môn Đạo đức, Tiếng Việt, Âm nhạc, Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục Công dân, Mĩ thuật và Hoạt động ngoài giờ lên lớp. Biên soạn tài liệu hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng nhằm giáo dục LTCMĐĐLS cho thanh thiếu niên và nhi đồng thông qua các giá trị văn hóa truyền thống .

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo lồng ghép, tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng, trọng tâm là giáo dục đạo đức liêm chính; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức tập huấn cho hơn 40 tỉnh/thành về đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy tích hợp.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua việc dạy học tích hợp liên môn; tổ chức lao động tập thể chăm sóc các khu di tích lịch sử, nghĩa trang; tổ chức chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tổ chức "Hoạt động Tuần đầu năm học" cho học sinh; thực hiện tốt việc đưa nội dung giáo dục lịch sử và truyền thống địa phương vào hệ thống giáo dục phổ thông.

Đến năm học 2017 – 2018, 100% các cơ sở giáo dục phổ thông đã triển khai thực hiện giáo dục tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong các môn học và hoạt động giáo dục; tập trung chủ yếu vào các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử và Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng.

Đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập sinh động, mềm dẻo, có thực tiễn và phù hợp với từng cấp học, tạo được sự hứng thú và có trách nhiệm cho người dạy và người học. Hiện nay, giáo trình các môn học lý luận thẩm định lần 2 và dự kiến chính thức đưa vào sử dụng trong các cơ sở giáo dục đại học từ năm học 2019 - 2020.

Đồng thời, các cơ sở đào tạo đã chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên bằng nhiều hoạt động phong phú như: Xây dựng chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên trang web của trường; tổ chức thi trực tuyến, thi dưới hình thức sân khấu hóa, thi viết về tấm gương tập thể và cá nhân điển hình học tập và làm theo lời Bác thu hút hàng vạn sinh viên tham gia.

Một số trường đại học như: Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ… đã quy định bắt buộc sinh viên phải tham gia 15 ngày công tác xã hội và coi đó như là một tín chỉ phải hoàn thành để tốt nghiệp. Ngoài ra, các nội dung giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với sinh viên còn được các trường triển khai thông qua tuần sinh hoạt công dân – Học sinh sinh viên (HSSV) vào đầu năm, đầu khóa học; thông qua các cuộc thi, hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ… để qua đó hình thành ý thức sống và làm theo pháp luật, lối sống văn minh, tiến bộ, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nhận biết, cảm nhận được cái đẹp, rèn luyện bản lĩnh, sự kiên trì…

Đồng bộ nhiều giải pháp

Ngày 28/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 – 2020”. Đề án này được Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai sâu rộng trong HSSV.

Theo ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), để tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu được đặt ra đến năm 2020 của Đề án, ngành GD&ĐT sẽ triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục LTCM ĐĐLS cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; tăng cường tuyên truyền về các tấm gương người tốt, việc tốt, nhân rộng những mô hình hoạt động hiệu quả; tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, ngành GD&ĐT cũng tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, HSSV; xây dựng mạng lưới thông tin chính trị tư tưởng trên môi trường mạng trong các cơ sở giáo dục; chú trọng xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử trong trường học, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV; tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện, trải nghiệm tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; các nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào, chương trình giáo dục của ngành Giáo dục và tổ chức Đoàn, Hội, Đội; rà soát, đổi mới nội dung, hình thức thực hiện các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, phòng chống bệnh thành tích.

Ngành GD&ĐT cũng tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo. Hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, nhà giáo, cộng tác viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của đề án; thực hiện các giải pháp nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhà giáo; hoàn thiện chế độ chính sách đối với đội ngũ làm công tác HSSV; tạo cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của HSSV làm cộng tác viên trong công tác giáo dục LTCMĐĐLS tại các cơ sở giáo dục.

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; tổ chức tuyên truyền cho các bậc cha mẹ về quyền, nghĩa vụ, bổn phận của trẻ em; giáo dục văn hóa ứng xử mẫu mực, trách nhiệm nêu gương trong giáo dục nhân cách cho HSSV; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở địa phương trong việc xây dụng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

P.Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này