Chuyện phố, chuyện phường: Đi chỗ khác mà đỗ (Bài 3)

15:29 | 04/01/2019
(LĐTĐ) Theo bạn Nguyên Vũ kể thì “Một lần có việc vào nội thành tôi đã đi tìm các điểm trông giữ xe trong bán kính 2km quanh Hồ Gươm nhưng vẫn không thể có được chỗ đỗ. Tôi đành đi xa hơn và hướng về mấy dẫy phố nhỏ với hy vọng sẽ tìm được chỗ đỗ.
chuyen pho chuyen phuong di cho khac ma do bai 3 Chuyện phố, chuyện phường: Tình huống khó đỡ (Bài 2)
chuyen pho chuyen phuong di cho khac ma do bai 3 Chuyện phố, chuyện phường: Chiếc lá và hạt nho (Bài 1)

Đến một phố nhỏ và thấy phố đó không có biển cấm đỗ xe thì tôi mừng quá. Tôi cho xe táp vào lề đường, dừng lại và khi tôi vừa bước ra ngoài cửa xe thì bỗng “xoẹt”, nước ở đâu đổ ập vào mui xe và dĩ nhiên đổ ướt cả đầu. Tôi đang ngơ ngác thì nghe tiếng quát: “Đỗ vậy người ta còn bán hàng gì được nữa”. Bấm bụng nhủ lòng hãy cố giữ bình tĩnh tôi vuốt nước chảy trên mặt và nói “Ở đây không cấm đỗ xe mà”. Tức thì giọng nữ trung niên gay gắt hơn “Không nói nhiều. Đi chỗ khác mà đỗ”.

Luật bất thành văn

Từ lâu người nhà mặt phố hay người có cửa hiệu ở phố đã “hình thành” một thứ “quy định” được xem là “Luật bất thành văn” là: Không ai được đỗ xe ô tô dưới lòng đường, sát bên hè trước nhà hay cửa hàng của người ta. Những người thi hành “luật” này thường được giao cho bảo vệ hay người già. Mà bảo vệ đã chỉ tay nhắc nhở là “to chuyện” rồi, mà người già bước ra cửa đi đến sát xe và nói không cho đỗ xe thì cũng “chuyện bé thành chuyện to” rồi.

chuyen pho chuyen phuong di cho khac ma do bai 3

Bạn Nguyên Vũ còn cho biết thêm là lúc đó tuy bạn đã có ý định đưa xe của mình đi tìm chỗ đỗ khác nhưng cũng “rắn” mà hỏi lại “Tôi muốn hỏi cửa hàng là lòng đường thì có liên quan gì đến nhau? Không lẽ lòng đường là của riêng là chỗ để cửa hàng bán hàng? Tôi đỗ xe ở chỗ chính quyền không cấm đỗ sao lại vô cớ hắt nước vào tôi, hắt nước vào xe? Không lẽ những ai có nhà hay có cửa hàng mặt phố thì đương nhiên là lòng đường, vỉa hè trước mặt nhà cũng là của riêng?”.

“Không biết. Đi chỗ khác mà đỗ” đó là câu nói với giọng điệu “xẵng” và cũng rất “răn đe như ngụ ý có nghe hay không thì tùy, nhưng có chuyện gì xẩy ra thì đừng có trách. Đã bao lần chúng ta được nghe về những chuyện xe ô tô đỗ dưới lòng đường trước nhà ai đó, khi quay lại thì ôi thôi, xe bị cào sước, hoặc phun sơn đến xót cả ruột.

Những trò “trả thù” kiểu làm sước xe hay phun sơn cùng những lời đe nẹt xem ra là của những người “kém học” nhưng còn có kiểu “dằn mặt” xem chừng “cao tay” hơn. Người viết bài này có lần đưa xe ô tô về đỗ bên cạnh cổng ra vào khu tập thể nơi mình ở hẳn hoi đấy. Đang ngồi trong nhà uống nước xem ti vi thì chuông điện thoại réo giục giã. Ôi may quá, có người bạn thân quen lúc đó đi ngang qua và vội vàng gọi điện. Người bạn ấy giọng gấp gáp “Anh ra cổng ngay đi. Công an sắp cẩu xe anh đi đấy”.Tôi hốt hoảng chạy vội ra cổng.

Đúng là như thế thật. Công an phường đang chỉ đạo xe cứu hộ móc cẩu chiếc xe của tôi. Vội đến gần mấy đồng chí công an để trình bầy và để hỏi vì sao lại cẩu xe của tôi đi khi mà xe tôi đỗ ở đây không vi phạm trật tự gì cả. Đồng chí công anh đeo cấp hàm thiếu tá, ý chừng là người chỉ huy vụ này ngẩng mặt lên nhìn tôi “Xe của bác à? Sao người chủ ngôi nhà này (thiếu tá chỉ vào ngôi nhà đối diện với xe tôi đang đỗ) nói rằng xe này vi phạm giao thông gây tai nạn đang bỏ trốn về đây trú tránh?”. Tôi vừa buồn cười vừa xót xa. Chao ôi, hàng xóm với nhau mà đối xử với nhau tệ quá.

Cũng phải nói thêm rằng gia chủ của ngôi nhà đối diện với chỗ xe tôi đỗ là người nghe đâu kinh doanh vàng bạc gì gì đó ở trong phố cổ. Chị ta mới mua ngôi nhà này và tức thì “ra uy” với hàng xóm bằng cách gọi điện cho công an và nói đặt điều để công an cẩu xe đi. Đó có thể hiểu là một cách ứng xử không tình nghĩa hàng xóm láng giềng và rất “cậy tiền”.

Thử hỏi nếu bữa đó không có sự có mặt kịp thời của người bạn thân của tôi thì không hiểu là tôi sẽ gặp rắc rối gì nữa đây. Muốn nói với người hàng xóm mới tới vài câu nhưng tức lên tận cổ mà không nói ngay được.Chỉ biết rằng khi ấy tôi thoáng thấy khuôn mặt của chị ta num núp sau tấm kính cửa.Hình như chị ta cũng nhận ra rằng mình đã “không hay” với hàng xóm mới của mình.

Những cách ứng xử đẹp

Người Hà Nội mình từng nổi tiếng với câu “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” kia mà. Câu ấy muốn nói một điều rằng: Xưa nay người Hà Nội rất tế nhị và rất biết nhún trên nhường dưới. Còn nhớ hồi trước những khi “gặp” hoàn cảnh tương tự như chuyện đỗ xe trước cửa nhà thì người Hà Nội thường đến gần “bầy tỏ” đôi điều. Hai bên cùng cười, cùng vỗ vai nhau. Thế là đẹp chuyện ngay. Thế là “vui như Tết” đâu cần tới chuyện “dằn mặt” hay “gọi công an” đến để hù dọa.

Thử hỏi nếu là bạn, bạn không cho đỗ xe trước cửa nhà bạn và người có chiếc xe đó lại “chơi rắn lại” thì sẽ xẩy ra chuyện gì. Ấy vậy mà bây giờ người Hà Nội chẳng nhẽ lại chẳng cần “oong đơ” gì hết. Cứ theo “luật” mà làm. Mà luật này được xem như là “luật chợ” thì đúng hơn vì nó “đứng trên” mọi luật, “đứng trên” mọi nội quy, quy đinh hiện hành. Bạn hành xử kiểu “côn đồ” sẽ có kiểu “côn đồ” đáp lại. Có thể lắm chứ.

Xem ra cũng cần phải học lại về chuyện ứng xử. Cổ xưa có câu “thuận mình thuận người”, đó là câu nói không hề xưa cũ, không hề mất đi giá trị. Việc kinh doanh cần cho khách qua đường nhận ra cửa hàng hoặc tiện vào cửa hàng ai mà chả muốn. Hay như việc đơn giản là muốn cho “mặt tiền” nhà mình thông thoáng thì ai mà chả muốn. Có ai muốn làm người khác phiền đâu kia chứ. Việc đầu tiên là hỏi thăm nhau “anh đỗ xe có lâu không?” hay “bác cố gắng đỗ ngăn ngắn giúp em nhé”.

Chỉ hai ba câu nói vui vẻ, câu nói nhẹ nhàng, câu nói “nhờ vả” nhau là xong êm mọi chuyện.Cách hành xử không đẹp, không văn minh và không người Hà Nội tí nào như mấy ví dụ tôi đã nêu chỉ làm mất đi hình ảnh của mình trong mắt du khách, trong tâm thức người nơi khác đến. Chả thế lại có câu nói vui mà buồn đó ư: “Người Hà Nội các bác bây giờ khó tính quá. Khác ngày xưa quá”.

Chuyện đỗ xe dưới lòng đường ngay trước cửa hàng hay trước cửa nhà ai đó trên phố chung là điều không thể tránh được. Nhất là hiện nay số lượng xe ô tô cũng như xe máy tăng lên khá nhiều. Các điểm đỗ dịch vụ lại chưa đáp ứng được hoặc bố trí chưa được đầy đủ đang làm “khó” rất nhiều chủ xe ô tô mỗi khi có việc phải vào phố. Vậy giải “bài toán” này thế nào?

Có thể bạn muốn đỗ xe ở đường phố không cấm đỗ xe? Đơn giản là bạn cũng nên “tôn trọng” gia chủ một tí. Ví dụ như bạn bước vào và nói với chủ cửa hàng hay là ai đó là người của cửa hàng đôi câu như: “Tôi có việc ở gần đây. Xin phép cho tôi đỗ xe nhờ dăm mười phút”. Tôi nghĩ người phố Hà Nội không hẹp hòi gì chuyện bạn đã nhờ cả. Hoặc bạn cũng có thể nói thế này “Tôi xin gửi tiền trông đỗ xe”. Tôi nói thật, đã nói đến việc gửi tiền trông xe rồi thì ai nỡ lòng “từ chối”.

Hoặc nếu như khi bạn đỗ xe mà không nhìn thấy ai (ví dụ như gia chủ đi vắng chẳng hạn) hay bạn không tìm được ai để nói đôi câu thì bạn có thể viết vào mảnh giấy và giắt vào cửa nhà người ta, cũng có thể giắt ở nóc xe mình. Mảnh giấy viết “Tôi xin phép được đỗ xe ở đây. Tôi sẽ cố gắng xong việc sớm. Nếu có gì xin liên hệ với tôi qua số điện thoai….”. Vậy thôi. Tôi chắc người ta cũng thông cảm. Đấy là tôi chưa nói tới nếu là bạn có nhà mặt phố bạn có dám chắc là bạn sẽ không bao giờ dù chỉ một lần đỗ hay dừng xe trước cửa nhà người không? Các cụ đã nói “Chẳng ai nắm tay được tới sáng”.

Mỗi chúng ta, ai chả có nhu cầu sử dụng lòng đường vỉa hè hay sử dụng những nơi công cộng để “tạm” làm việc riêng. Miễn là việc riêng đó không vi phạm pháp luật, không vi phạm quy định chung. Chỉ cần mỗi chúng ta biết đến điều đó thôi thì những “phiền hà” sẽ không xẩy ra. Và cuối cùng là “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Nguyễn Trọng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này