Làng tăm hương truyền thống hối hả vào vụ Tết

15:19 | 29/12/2018
(LĐTĐ) Nghề sản xuất tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có truyền thống lâu đời, đem lại công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân trong vùng. Những năm gần đây, nhờ đầu tư sản xuất bằng phương tiện máy móc hiện đại, nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập cao từ nghề truyền thống này.  
lang tam huong truyen thong hoi ha vao vu tet Làng hương vào mùa
lang tam huong truyen thong hoi ha vao vu tet “Chúng tôi hướng đến dịch vụ hoàn hảo"

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm hương và tăm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã có khoảng 100 năm. Ban đầu nghề chỉ tập trung ở thôn Phú Lương Thượng nhưng vài năm trở lại đây nghề đã được mở rộng ra các thôn còn lại của xã như: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú.

Vốn chỉ xuất phát là nghề phụ, làm khi nông nhàn nhưng do nhu cầu, sản phẩm được ưa chuộng, nghề sản xuất tăm hương phát triển mạnh, trở thành nghề chính, thu hút khoảng 70% số hộ dân tham gia.

Về xã Quảng Phú Cầu vào những ngày này, trên khắp con đường đều thoang thoảng mùi hương thơm ngào ngạt. Đi đến đâu cũng bắt gặp cảnh người người, nhà nhà đang tập trung cao độ sản xuất tăm hương cho vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Mọi con đường lớn nhỏ ở xã đều đỏ rực chân hương, tăm hương, ô tô xe máy tấp nập ra vào lấy hàng. Bà Như Thị Nhi, công nhân có nhiều năm làm nghề chẻ tăm hương cho biết: Những ngày này, ở các xưởng mọi người tập trung ngồi chẻ vầu, tấp nập, đông vui như hội. Tết càng đến gần, mọi người làm càng khẩn trương. Trước, làm có 9 tiếng/ngày, bây giờ tăng lên hơn 10 tiếng để kịp giao hàng cho khách.

Theo bà Nhi, để làm tăm hương phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, vầu được pha thanh, sấy (phơi) khô rồi được đưa vào hệ thống máy chẻ tự động để cho ra những chiếc tăm hương tròn đều tăm tắp. Tiếp theo, chúng được đem đi phân lớp, những que tăm chất lượng thì được mang đi nhuộm chân hương rồi phơi khô, còn những que chất lượng kém hơn thì sẽ dùng để tái chế.

Sản phẩm tăm hương được bán buôn cho tiểu thương các tỉnh, thành để se hương thành phẩm, phân phối tại các thị trường trong, ngoài nước. Hiện tại, xã Quảng Phú Cầu cũng có vài hộ se hương, tuy nhiên, đây là công đoạn khá phức tạp nên người dân chủ yếu tập trung sản xuất sản phẩm thô, rồi cung cấp cho tiểu thương ở các nơi khác.

Cứ vậy, trải qua thời gian, tăm hương Quảng Phú Cầu ngày càng phát triển, trở thành một sản phẩm đặc trưng cho làng ngoại thành Hà Nội. Dưới đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ, bền bỉ của những người làm nghề đã góp phần đem tới mùi hương thơm nồng ấm cho những ngôi nhà của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên báo Lao động Thủ đô ghi nhận tại làng sản xuất tăm hương dịp cuối năm:

lang tam huong truyen thong hoi ha vao vu tet

Những bãi đất trống quanh làng được tận dụng để phơi khô vầu (Ảnh: H.N)

lang tam huong truyen thong hoi ha vao vu tet

Chẻ vầu, công việc thu hút những người phụ nữ và các cụ trong làng (Ảnh: H.N)

lang tam huong truyen thong hoi ha vao vu tet

Ngày nay, các hộ sản xuất đều đầu tư máy móc để sử dụng trong công đoạn chẻ tăm (Ảnh: H.N)

lang tam huong truyen thong hoi ha vao vu tet

Những nhân công phân loại những chiếc tăm không đạt yêu cầu và sắp xếp lại thành những bó nhỏ (Ảnh: H.N)

lang tam huong truyen thong hoi ha vao vu tet

Những ngày giáp Tết với khối lượng công việc tuy nhiều, gấp gáp hơn nhưng họ vẫn hăng say, vui tươi khi làm việc (Ảnh: H.N)

lang tam huong truyen thong hoi ha vao vu tet

Sau khi được nhuộm đỏ, tăm được đem phơi khô, đỏ rực dọc các con đường làng (Ảnh: H.N)

lang tam huong truyen thong hoi ha vao vu tet

Ngày nay trong làng còn rất ít hộ sản xuất hương đen, sau khi se hương, người dân đem phơi khô để hương đạt chất lượng và thơm hơn (Ảnh: H.N)

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này