Góp phần làm lành mạnh mạng xã hội

14:56 | 27/12/2018
(LĐTĐ) Từ ngày 01/1/2019, “Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành sẽ chính thức có hiệu lực. Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh vấn đề này.
gop phan lam lanh manh mang xa hoi Công bố "Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam"
gop phan lam lanh manh mang xa hoi Lừa thiếu nữ qua mạng xã hội để bán sang Trung Quốc
gop phan lam lanh manh mang xa hoi YouTube - 'Người thay đổi cuộc chơi' trong thế giới mạng

Phóng viên: Thưa ông, tại sao Hội Nhà báo Việt Nam lại quyết định ban hành “Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”?

gop phan lam lanh manh mang xa hoi
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Ông Hồ Quang Lợi: Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến Điều 5 của Quy định: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

Đây là một vấn đề đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Bên cạnh những thông tin tốt trên mạng xã hội, thì cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Nhiều nhà báo - hội viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian, đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Mặt khác, sau hai năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế; có những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội.

Chính vì vậy, Hội Nhà báo Việt Nam quyết định ban hành Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam bao gồm 03 Chương và 07 Điều, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2019. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của người dân trên mạng xã hội. Việc nghiên cứu, ban hành quy tắc là bước rất quan trọng và Hội Nhà báo Việt Nam đã đi trước để làm điều này. Việc làm hôm nay của Hội Nhà báo Việt Nam cũng góp phần vào công việc chung đó.

-Ông có thể chia sẻ rõ hơn về Quy tắc cũng như cơ chế giám sát việc thực hiện này?

Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam quy định cụ thể 04 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội và 08 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội.

Ngoài ra, Quy tắc cũng quy định rõ ràng, chi tiết trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khi triển khai thực hiện Quy tắc cũng như trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp trong việc xem xét khen thưởng, kỷ luật. Đến nay, đã thành lập được 258 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong toàn bộ hệ thống của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tới đây, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức một đợt học tập trong toàn bộ các cấp hội và các cơ quan báo chí về nội dung của Quy tắc. Với việc ban hành Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.

Mong rằng, đây sẽ là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.

Nhân đây tôi cũng nói thêm, có không ít ý kiến cho rằng, việc Hội nhà báo Việt Nam ban hành quy tắc như vậy làm hạn chế đi vai trò của báo chí trong phản biện xã hội. Tôi khẳng định là không hề! Việc nhà báo tham gia phản biện xã hội rất cần thiết. Nhưng chúng ta phải phản biện có trách nhiệm, tức là cần đăng tải những ý kiến, những bình luận, nhận xét có tính tích cực trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cũng như việc thực hiện các cơ chế, chính sách đó. Báo chí là một môi trường dân chủ để chúng ta huy động nguồn lực trí tuệ từ xã hội. Các nhà báo thu thập thông tin, các ý kiến trong xã hội để góp phần phản biện và xây dựng chính sách ngày một tốt lên…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Phương Bùi (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này