Lao động trẻ “nhảy việc” vì thiếu định hướng nghề nghiệp

14:06 | 20/12/2018
(LĐTĐ) “Có tới 81% ý kiến sinh viên cho biết “nhảy việc” để tránh lãng phí thời gian cho công việc không phù hợp; 61% ý kiến cho biết kiến thức được trường đào tạo và thực tế làm việc là khác biệt hoàn toàn; 32% ứng viên cho rằng phải tự mình tìm hiểu thêm và 29% được công ty đào tạo lại khi đi làm”. Đó là thực tế và cũng là thách thức của sinh viên mới ra trường khi tiếp cận thị trường lao động.
lao dong tre nhay viec vi thieu dinh huong nghe nghiep Chỉ 20% sinh viên xác định được mục tiêu và định hướng của mình
lao dong tre nhay viec vi thieu dinh huong nghe nghiep 5 mấu chốt quan trọng định hướng nghề nghiệp sớm cho con

Kiến thức được đào tạo vẫn xa với thực tế

Navigos Group - Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam vừa công bố báo cáo về “Sinh viên mới ra trường cùng những cơ hội và thách thức trong bước đầu của sự nghiệp”. Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát hơn 1.600 câu trả lời từ ứng viên là sinh viên mới ra trường trong cơ sở dữ liệu của VietnamWorks.

lao dong tre nhay viec vi thieu dinh huong nghe nghiep
81% lao động trẻ cho biết “nhảy việc” để tìm kiếm việc làm phù hợp hơn.

Chia sẻ về báo cáo này, ông Gaku Echizenya - Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam cho rằng: Sinh viên mới ra trường là nguồn nhân lực dồi dào, được trang bị kỹ hành trang về kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và thị trường nhân lực tại Việt Nam liên tục thay đổi, các bạn sinh viên mới ra trường và ít kinh nghiệm vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng cho mình trong sự nghiệp.

“Tân cử nhân đang tìm kiếm gì ở những công việc đầu tiên? Họ đang xem trọng điều gì hơn, tiền lương, tri thức, kinh nghiệm hay những mối quan hệ ? Với mong muốn phác họa chân dung của nhân lực trẻ, sinh viên mới ra trường, Tập đoàn Navigos Group đã thực hiện báo cáo “Sinh viên mới ra trường cùng cơ hội và thách thức trong những bước đầu của sự nghiệp", ông Gaku Echizenya chia sẻ.

“Nhảy việc” để tìm việc làm phù hợp hơn

Khảo sát của Navigos Group chỉ ra: Có 81% ý kiến đồng ý với ý kiến “nhảy việc” để tránh lãng phí thời gian cho công việc không phù hợp. Ngoài ra, 57% ứng viên đồng ý rằng nhảy việc là cơ hội tiếp xúc nhiều môi trường làm việc. Bên cạnh đó, có 56% ứng viên cho rằng tình trạng “nhảy việc” gây ra sự thiếu cam kết với tổ chức. Khi được hỏi thời gian tối thiểu để thay đổi công việc, 46% ứng viên cho biết cần gắn bó với công việc ít nhất 1 năm trước khi thay đổi.

Theo khảo sát của Navigos Group Việt Nam: Trở ngại và cũng là rào cản lớn nhất mà phần lớn sinh viên mới ra trường đi tìm việc đều gặp phải là không có định hướng nghề nghiệp cụ thể. Bằng chứng là có 38% ý kiến cho biết họ không có định hướng nghề nghiệp cụ thể nên cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Ngoài ra ứng viên trẻ cũng gặp rào cản vì “chưa biết cách tìm việc hiệu quả” và “chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng” đều chiếm 35% ý kiến.

Kết quả khảo sát cho thấy: Gần 80% ứng viên được khảo sát cho biết họ đang làm công việc đúng hoặc gần đúng với chuyên ngành đào tạo. 40% cho biết hiện tại họ đang đi làm dù không liên quan chặt chẽ nhưng vẫn khá tiệm cận với chuyên ngành đào tạo. 40% ứng viên đang đi làm đúng với chuyên ngành.

Đặc biệt, các chuyên ngành đào tạo như công nghệ, kỹ thuật, kinh tế có tỉ lệ ứng viên đi làm đúng ngành và gần đúng ngành khá cao, ở khoảng trên 75%. Tuy nhiên, có đến 20% ứng viên đang đi làm trái với chuyên ngành đào tạo, chủ yếu là các ứng viên thuộc khối ngành ngôn ngữ, sư phạm.

Với bộ phận không nhỏ sinh viên cảm thấy thiếu định hướng nghề nghiệp, 67% ý kiến sinh viên cho rằng nhà trường cần tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp thực tế; 66% cho rằng nhà trường cần hỗ trợ nhiều hơn trong việc giới thiệu việc làm cho sinh viên thông qua liên kết với doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhà trường cần nâng cao năng lực ngoại ngữ và đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên với lần lượt là 53% và 49% ý kiến.

Trước thực tế trên, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động - việc làm khuyến cáo, những năm gần đây làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ, điều này đồng nghĩa với việc nhiều cơ hội hơn nhưng cơ hội sẽ chỉ dành cho người có năng lực.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển, không còn nhiều rào cản ngăn nhân lực trẻ tiếp cận với khối kiến thức khổng lồ từ thế giới, chính vì vậy các bạn sinh viên mới ra trường cần chủ động học hỏi và nâng cao không chỉ là kiến thức chuyên môn, mà còn là kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ để kịp thời trở thành nguồn nhân lực chủ chốt trước làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Sinh viên mới ra trường: “Chốt” nơi có lương thưởng tốt

Mặc dù cơ hội tìm việc đúng với chuyên ngành đào tạo không dễ dàng, nhưng với lao động trẻ, tiêu chí về “mức thu nhập và đãi ngộ” chiếm tới 70% ý kiến lựa chọn; trong khi đó, chỉ có 55% ứng viên cũng quan tâm đến “công việc có phù hợp với năng lực hay không”.

Về mức thu nhập trung bình của sinh viên mới tốt nghiệp, phần lớn công việc hiện tại nằm trong khoảng từ 5 triệu đến dưới 7 triệu đồng; tiếp đến là mức lương từ 7 triệu đến dưới 10 triệu đồng. Quan sát cũng cho thấy ở 2 mức lương này chiếm tới trên 80% nhân sự đang đi làm toàn thời gian. Ở mức lương từ 1 đến 3 triệu đồng, chủ yếu các ứng viên đang là thực tập sinh và làm việc bán thời gian. Thu nhập của nhóm lao động trẻ sẽ cao hơn nếu có trình độ ngoại ngữ lưu loát. Cụ thể, nhóm ứng viên có trình độ ngoại ngữ lưu loát có đến 37% có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng.

“Khảo sát cho thấy: Nhân lực trẻ chưa hài lòng với mức lương thưởng, đãi ngộ và cơ hội phát triển trong công việc hiện tại. Đây cũng chính là hai lý do phổ biến khiến ứng viên thay đổi công việc”, Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam cho biết. Đáng chú ý, tiêu chí “không phù hợp với văn hóa công ty” cũng nằm trong top những lý do ứng viên nghỉ việc với 24% ý kiến.

Chia sẻ về định hướng nghề nghiệp trong tương lai, nhiều nhân lực trẻ cho biết sẽ ưu tiên tập trung vào xây dựng sự nghiệp, trong đó 29% sẽ nỗ lực thăng tiến trong công ty hiện tại, 26% quyết định sẽ thử sức nhiều công việc khác nhau để tìm ra nơi phù hợp. Ngoài ra, dữ liệu cho thấy chỉ có 9% ứng viên có ý định đi học sau Đại học.

Về xu hướng khởi nghiệp, hơn một nửa ứng viên được khảo sát chưa từng khởi nghiệp nhưng có ý định trong tương lai. Ngoài ra, nhân lực trẻ đang dần có nhận thức rõ ràng hơn về ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - với 46% ứng viên quan tâm và có những hành động chuẩn bị thay đổi, thích ứng. Tuy nhiên vẫn có phần đông ứng viên rất ít quan tâm, không quan tâm và đưa ý kiến trung lập.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam cho rằng: Cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn là điều mơ hồ với một phần không nhỏ nguồn lao động trẻ. Đây là điều đáng báo động vì cuộc cách mạng này sẽ mang lại nhiều thay đổi trên thị trường lao động về lâu dài.

Ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đến mỗi ngành nghề sẽ khác nhau nhưng nhìn chung người lao động sẽ phải trang bị đủ kiến thức để trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao và có khả năng áp dụng công nghệ mới để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình, thay vì lo lắng công nghệ cao sẽ thay thế mình.

Đối với các doanh nghiệp, từ thực tế khảo sát và kinh nghiệm về thị trường lao động, ông Gaku Echizenya -Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam cho rằng: “Để phát triển nhóm nhân lực trẻ thành lực lượng lao động nòng cốt trong tương lai lâu dài, các doanh nghiệp cần chú trọng chiến lược tăng cường “trải nghiệm nhân viên”, từ khâu tiền tuyển dụng, tuyển dụng, gia nhập công ty và thời gian thử việc.

Nhân sự trẻ rất cần được quan tâm về đào tạo và xây dựng lộ trình nghề nghiệp. Trong thời gian trải nghiệm nhân viên này, các yếu tố liên quan đến thương hiệu, chế độ phúc lợi, người quản lý trực tiếp, lộ trình đào tạo, lộ trình công việc… thực sự quan trọng đến sự gắn bó với doanh nghiệp của nhân sự trẻ. Do vậy, chúng tôi đề xuất các doanh nghiệp rất nên quan tâm đến giai đoạn “bản lề” này”.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này