Việt Nam quyết tâm giảm nghèo bền vững

08:57 | 19/12/2018
(LĐTĐ) Thông tin từ Văn phòng Quốc hội, ngày 17/12, tại Đà Nẵng đã diễn ra Lễ khai mạc hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức. 
viet nam quyet tam giam ngheo ben vung Công cuộc giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều khó khăn
viet nam quyet tam giam ngheo ben vung Để giảm nghèo bền vững: Chính sách một, quyết tâm phải mười
viet nam quyet tam giam ngheo ben vung Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định trong hơn 15 năm kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), Quốc hội Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 2013, đồng thời xây dựng và sửa đổi, bổ sung hơn 300 đạo luật, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.

viet nam quyet tam giam ngheo ben vung
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Quochoi.vn)

Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh...

Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng thực hiện việc giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về ứng phó biến đổi khí hậu, về đầu tư cho y tế, khoa học công nghệ… để đảm bảo phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đây là một văn bản quốc tế có vai trò hướng dẫn để các đại biểu tham khảo, từ đó đưa ra những kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, sự tham gia tích cực đóng góp ý kiến quý báu của các diễn giả trong nước và quốc tế sẽ giúp hội nghị thành công tốt đẹp.

Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể của SDGs trong đó đặc biệt nhấn mạnh coi mọi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển. Tại Diễn đàn chính trị cấp cao 2018 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF 2018), Chính phủ Việt Nam đã có Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện.

Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cùng Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững với 196 chỉ tiêu phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị để quán triệt các Bộ, ngành, cấp chính quyền thực hiện.

Việt Nam tuy đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhưng vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp. Đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn để không bị bỏ lại ngày càng xa nhưng Chính phủ Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng phải bền vững và nếu phải đặt lên bàn cân thì cần ưu tiên hơn cho yêu cầu bền vững, cụ thể và trực tiếp nhất là cho bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tạo bình đẳng cơ hội và hỗ trợ cần thiết đối với phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030; Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện các chương trình giám sát thực hiện các cam kết quốc tế, các quy định của Pháp luật về phát triển bền vững cũng như ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính….

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này