Xây dựng và chỉnh đốn Đảng: Củng cố sự lãnh đạo, tăng niềm tin trong nhân dân

Kỳ cuối: Làm sao để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh?

16:52 | 14/12/2018
(LĐTĐ) Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng là một thực thể, một tổ chức gồm những đảng viên đã được rèn luyện, thử thách, được giáo dục và đào tạo phấn đấu cho lý tưởng và mục tiêu cao cả của cách mạng, của đất nước và dân tộc. Từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã dẫn dắt dân tộc làm nên thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vinh quang là vậy, vai trò to lớn là thế, song hiện tại vẫn còn câu hỏi day dứt: Tại sao vẫn có, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, cản trở sự phát triển của đất nước? Nhiệm vụ đặt ra lúc này cần nhìn lại cơ chế kiểm soát quyền lực để “rèn giũa” các cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch.
ky cuoi lam sao de dang thuc su trong sach vung manh Kỳ 2: Xây dựng chỉnh đốn Đảng bằng hành động
ky cuoi lam sao de dang thuc su trong sach vung manh Kỳ 1: Vẹn nguyên những điều dạy của Bác

Đảng làm cho Tổ quốc mạnh giàu

Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó thật sự là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đó cũng là điều kiện để các thế lực thù địch tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và con đường lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ông Mai Hồng, nguyên giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trăn trở: Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng, cùng với công cuộc đổi mới kinh tế, kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay, trong các Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương đều nhấn mạnh đến công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng gắn với đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân… song hơn 30 năm qua, hội nghị nào cũng nhắc, cũng nhấn mạnh những vấn đề trên, thậm chí có phần nghiêm trọng hơn.

ky cuoi lam sao de dang thuc su trong sach vung manh
Cần nghiên cứu mô hình quản lý để không còn xảy ra những sai phạm trong công tác quản lý như ở PVN thời qua làm không ít nguyên cán bộ cao cấp của Tập đoàn phải bị kỷ luật, truy tố.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”. Và trong Di chúc, Người căn dặn phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Bác coi sự thoái hóa, biến chất, hư hỏng trong Đảng là “giặc nội xâm”, không mang gươm, súng nhưng vô cùng nguy hại. Còn lãnh tụ V.I. Lê-nin từng cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối và xa rời quần chúng nhân dân của Đảng Cộng sản cầm quyền, chỉ rõ những kẻ thù của người cộng sản, đó là tính kiêu ngạo, sự dốt nát và nạn hối lộ (tham nhũng). Chính vì lẽ đó, Bác luôn căn dặn: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Lý tưởng của Đảng, của người Cộng sản là thế. Trải qua 88 năm lão đạo dân tộc làm nên những kỳ tích, song nhìn vào thực tế hiện nay nhiệm vụ sống còn mang tầm chiến lược làm sao phải có cơ chế quản lý tốt nhất để Đảng thực sự là Đảng tiên phong, đủ sức, đủ tầm, đủ tài tiếp tục lãnh đạo đất nước trên con đường phát triển giàu mạnh, dân chủ trong một thế giới với những thay đổi khó lường?

Cần tách bạch chức năng

Mỗi một quốc gia đều có một thể chế chính trị riêng biệt để phù hợp với cấu trúc kinh tế - xã hội và đặc thù văn hóa của quốc gia đó. Với chế độ chính trị nước ta dựa trên nguyên tắc bất di, bất dịch: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Và do đó, theo các chuyên gia, muốn chế độ vững bền phải củng cố, xây dựng tốt ba trụ cột này: Đảng phải trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; Nhà nước cũng phải trong sạch, vững mạnh, chất lượng, hiệu quả, năng động trong quản lý, điều hành; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; nhân dân thực sự là “gốc” của nước, thực sự là người chủ và làm chủ, có sự gắn bó mật thiết với Đảng và Nhà nước; chính sách của Đảng và Nhà nước phải được lòng dân.

“Được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả”, thực sự vì lợi ích của nhân dân, dân có yên thì chế độ mới ổn, mới vững bền. Làm sao để người dân coi chế độ chính trị này là của họ chứ không phải của ai khác. Trong ba trụ cột trên, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân là nhiệm vụ sống còn để duy trì và giữ vững chế độ chính trị ở nước ta.

Về cơ bản là vậy, song nhìn lại các vụ đại án kinh tế, kỷ luật cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao thời gian qua cũng như tới đây đa số đều xuất phát từ sai phạm, khuyết điểm liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý con người. Bởi vậy, mấu chốt đặt ra về mặt lý luận lẫn thực tiễn là phải có phương thức lãnh đạo, quản trị hiệu quả hơn để đảm bảo đúng nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Chúng ta luôn thống nhất nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, trong đó lãnh đạo về mặt chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách (bằng các Nghị quyết, Chỉ thị) và công tác cán bộ. Nhà nước quản lý dựa trên nền tảng: Quốc hội triển khai chủ trương, Nghị quyết của Đảng thành luật, nghị quyết; Chính phủ điều hành từ các Nghị quyết của Quốc hội.

Không ai, cơ quan nào được làm trái nguyên tắc, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Song thực tế, thời gian qua không ít cơ quan của Đảng đang làm thay hoặc chồng chéo chức năng của Nhà nước và ngược lại. Mâu thuẫn này Đảng ta đã nhận ra, nên đã, đang tiến hành tách bạch vấn đề. Và đây chính là mấu chốt cần phải nghiên cứu để hoàn thiện về mặt thể chế.

Nghĩa là ngoài việc nâng cao đạo đức, phê và tự phê… điều quan trọng chúng ta nên tách bạch giữa công tác Đảng với công tác quản lý Nhà nước. Tách bạch nhưng phải dựa trên nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Ví dụ, trong một cơ quan, tất cả làm việc phải dựa trên Nghị quyết của Đảng bộ cơ quan đó, đứng đầu là chi bộ, chi ủy. Những đồng chí trưởng, phó ban không nhất thiết phải trong chi bộ, chi ủy… miễn là đồng chí đó phải làm theo nghị quyết, sự chi đạo, giám sát của chi bộ, chi ủy và đúng quy định của pháp luật.

Người đứng đầu ban, phòng làm sai, làm trái sẽ chịu sự giám sát và kỷ luật của chi bộ, chi ủy đảng. Tương tự các bộ, ngành cũng thế. Nếu có cơ chế tách bạch về chức năng quản lý theo đúng nguyên tắc của Đảng, sự thượng tôn pháp luật thì chắc chắn sẽ loại bớt được những cán bộ, đảng viên nhúng chàm liên quan đến kinh tế và công tác cán bộ.

Đây cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

A.Tùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này