Chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

11:31 | 14/12/2018
(LĐTĐ) Nhằm góp phần giữ gìn, phát triển, quảng bá tiếng Việt và bản sắc văn hóa của người Việt Nam, giữ gìn và phát triển tinh thần hướng về quê hương, đất nước của người Việt ở nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 28/2018/TT-BGDĐT về chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.  
chuong trinh day tieng viet cho nguoi viet nam o nuoc ngoai Lần đầu tiên khai giảng lớp dạy tiếng Việt tại Hà Lan
chuong trinh day tieng viet cho nguoi viet nam o nuoc ngoai Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài
chuong trinh day tieng viet cho nguoi viet nam o nuoc ngoai
Ảnh minh họa. Nguồn VOV

Chương trình Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành nhằm tạo cơ sở chung cho việc xây dựng, phát triển, cập nhật tài liệu dạy học và tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, chương trình này được áp dụng cho các cơ sở dạy tiếng Việt nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Chương trình được thiết kế theo 3 trình độ: Sơ cấp, trung cấp và cao cấp, gồm có 6 bậc từ thấp đến cao là bậc 1, bậc 2, bậc 3, bậc 4, bậc 5, bậc 6.

Hoàn thành chương trình, học sinh phải đảm bảo: Hiểu, sử dụng được các cấu trúc ngôn ngữ quen thuộc, sử dụng được những từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể, giới thiệu về bản thân và người khác, với những thông tin như: nơi sinh sống, người thân, bạn bè. Có khả năng giao tiếp đơn giản; Có khả năng trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày, mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu. Nắm được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về những chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí. Có khả năng xử lý được hầu hết các tình huống xảy ra, viết được đoạn văn đơn giản liên quan đến những chủ đề quen thuộc hoặc quan tâm. Mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, mong muốn, và trình bày ngắn gọn được lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình.

Đáp ứng được yêu cầu giao tiếp trôi chảy, tự nhiên với người Việt, viết được những văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và nêu được quan điểm của mình về một vấn đề; chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau. Nhận biết và hiểu được hàm ý của những văn bản dài, có phạm vi nội dung rộng. Có khả năng diễn đạt trôi chảy, ứng đáp tức thì, không khó khăn khi tìm từ ngữ diễn đạt. Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, có hiệu quả phục vụ các mục đích quan hệ xã hội, mục đích học thuật và chuyên môn. Viết rõ ràng, chặt chẽ, chi tiết về các chủ đề phức tạp, thể hiện khả năng tổ chức văn bản, sử dụng tốt từ ngữ nối câu và các công cụ liên kết trong văn bản...

Thời gian thực hiện dạy - học ở mỗi bậc không tính theo tuần, tháng, năm mà tính theo số giờ. Tùy theo từng đơn vị đào tạo cụ thể, có thể học từ 2 đến 5 buổi một tuần, mỗi buổi có thể học từ 3 đến 5 giờ, tổng thời lượng của chương trình là 1320 giờ. Ở mỗi bậc sẽ có một số nhóm bài học, như kỹ năng nói, nghe, đọc, viết được chia theo chủ đề và một bài ôn tập, kiểm tra đánh giá. Việc kiểm tra đánh giá có thể được thực hiện theo các phương pháp trắc nghiệm, tự luận hoặc người học tự kiểm tra. Trong quá trình học, các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết được giảng dạy riêng biệt hoặc được tích hợp tùy theo nhu cầu và mục đích học tập trong từng trường hợp cụ thể. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2019.

P.Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này