Nước sạch nông thôn: Số lượng phải đi đôi với chất lượng

13:49 | 13/12/2018
(LĐTĐ) Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch đến nay đã đạt gần 55%. Với việc tiếp tục mở rộng mạng lưới nước sạch, mục tiêu đến năm 2020 đạt 100% người dân nông thôn Hà Nội được sử dụng nước sạch là khả quan. Tuy nhiên, điều quan trọng để duy trì, triển khai các dự án cung cấp nước sạch hiện nay đó là số lượng phải đi kèm với chất lượng.
nuoc sach nong thon so luong phai di doi voi chat luong Bài cuối: Chung tay cùng thực hiện
nuoc sach nong thon so luong phai di doi voi chat luong Bài 1: Vẫn còn nhiều trở ngại

Mở rộng mạng lưới cấp nước

Theo Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng, đến nay Hà Nội có gần 53,3% số người dân nông thôn được sử dụng và tiếp cận nguồn nước sạch. Dự kiến đến hết năm 2018, một số dự án phát triển mạng cấp nước sẽ được hoàn thành để cấp nước cho thêm hơn 2 triệu người nữa, nâng tỷ lệ số người dân được cấp nước tại khu vực nông thôn đạt khoảng 55,5%.

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án nước sạch nông thôn; tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước; kiểm tra, rà soát công trình cấp nước nông thôn được đầu tư từ nguồn ngân sách trước đây để bàn giao cho các doanh nghiệp quản lý, bảo đảm hoạt động hiệu quả…

nuoc sach nong thon so luong phai di doi voi chat luong
Trạm cấp nước Đại Nghĩa được xây dựng nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân và các đơn vị, trên địa bàn huyện Mỹ Đức nhưng đến nay sau 7 năm vẫn chưa được sử dụng. (ảnh: Hà Phong)

Đến nay, UBND Thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn (tổng công suất tăng thêm 1.350.000m3/ngày - đêm) và 23 dự án phát triển mạng cấp nước. Dự kiến đến ngày 31-12-2020, sau khi các dự án này hoàn thành, sẽ nâng công suất toàn thành phố lên 2.350.000m3/ngày - đêm, bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu sử dụng.

Đối với một số huyện chưa có hệ thống nước sạch, UBND Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có thể đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung. Đối với khu vực thuộc một số xã vùng sâu, vùng xa, không có khả năng tiếp cận nguồn nước sạch tập trung, thành phố sẽ triển khai mô hình cấp nước theo hộ, cụm hộ sử dụng công nghệ tiên tiến... Bên cạnh đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án cấp nước nông thôn, UBND Thành phố đã hỗ trợ các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Bên cạnh các cơ chế khuyến khích, thành phố cũng đã có nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện đang triển khai các dự án cấp nước tại vùng sâu, vùng xa. Thực tế nhiều dự án cấp nước sạch trên địa bàn thành phố đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội; trong đó, có 04 dự án của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và 01 dự án của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, tổng số tiền cho vay trên 117 tỷ đồng.

Quỹ cũng đang thẩm tra, giải ngân cho một số dự án đang triển khai. Hiện nay, đối với các dự án thuộc lĩnh vực nước sạch đã vay vốn tại Quỹ có mức áp dụng là 6,95%/năm. Như vậy, so với mặt bằng chung lãi suất cho vay trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng khác đối với lĩnh vực nước sạch trên phạm vi thành phố thì lãi suất áp dụng tại Quỹ Đầu tư đang thấp hơn.

Khắc phục những tồn tại

Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2018, một số dự án phát triển mạng cấp nước sẽ hoàn thành (dự án cấp nước cho 4 xã của huyện Mê Linh; cấp nước cho 3 xã của huyện Thanh Trì; cấp nước cho huyện Phú Xuyên; cho các xã huyện Gia Lâm…) để cấp nước cho hơn 2,375 triệu người (với 593.957 hộ), nâng tỷ lệ cấp nước nông thôn tới hơn 55,5% (so với kế hoạch năm 2018 là 55%) vượt 0,5% so với kế hoạch.

Cũng cần phải khẳng định, bên cạnh những tín hiệu tích cực của các số liệu báo cáo, thực tế tại nhiều dự án nước sạch nông thôn, công tác triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 126 dự án trạm cấp nước sạch nông thôn được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2017. Điều đáng nói là, đến tháng 6/2018, mới có 94 trạm đang hoạt động, còn lại 32 trạm cấp nước không hoạt động do công trình đầu tư dở dang không đủ điều kiện đưa vào hoạt động hoặc đã đưa vào hoạt động nhưng đến nay xuống cấp dừng hoạt động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chính là ở công tác triển khai mở rộng mạng lưới đường ống cung cấp, mặc dù đã có trạm cấp nước nhưng người dân cũng ít dùng nước sạch, dẫn đến khó khăn đối với các nhà đầu tư trong việc duy trì vận hành. Đại diện Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và Môi trường Ba Vì Nguyễn Thế Khánh cho biết, suất đầu tư cho nước sạch nông thôn rất lớn (do mật độ dân cư thưa); tỷ lệ người dân đấu nối và sử dụng nước sạch thấp nên hiệu quả không cao. Cụ thể, Nhà máy Nước sạch Ba Vì hiện có khả năng cấp nước đạt 10.000m3/ngày-đêm nhưng người dân mới sử dụng hết khoảng 2.100m3/ngày-đêm.

Không khó để điểm mặt những dự án cấp nước sạch đã được hoàn thiện và đi vào vận hành nhưng vẫn khó tiếp cận được với người dân như Dự án Trạm cấp nước xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) quy mô công suất cấp nước cho 3.960 hộ dân, nhưng đến tháng 6/2018 mới có 1.650 hộ đấu nối sử dụng nước; Dự án cấp nước sạch cho 11 xã của huyện Quốc Oai hoàn thành và cấp cho 8 xã, sau gần một năm mới có 5.500/15.500 hộ đấu nối sử dụng nước...

Như vậy có thể thấy, công tác đầu tư xây dựng các trạm cấp nước trên địa bàn nông thôn trong thời gian qua còn chưa gắn liền với công tác quản lý vận hành và khai thác công trình sau đầu tư, việc các đơn vị kiêm nhiệm, không chuyên trách quản lý vận hành công trình sau đầu tư dẫn đến tình trạng hiệu quả quản lý vận hành chưa cao. Đặc biệt, công tác bảo vệ, quản lý, khai thác vận hành, hoạch toán kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu nên thu không đủ bù chi không đáp ứng được kinh phí duy tu, bảo dưỡng, tỷ lệ tái đầu tư thấp nên dẫn đến công trình xuống cấp nhanh, chất lượng nước không đảm bảo.

Theo Trưởng ban Đô thị HĐND Thành phố Nguyễn Nguyên Quân, để hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn theo kế hoạch, Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước, các mạng truyền dẫn, phân phối theo đúng kế hoạch đã được UBND Thành phố chấp thuận. Hiện tại, một số xã thuộc các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thạch Thất khó khăn trong kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hệ thống cấp nước. Do đó, Sở Xây dựng cần sớm chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã rà soát địa bàn chưa có nước sạch, chưa có dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ thống cấp nước.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này