Hà Nội tăng cường quản lý chất lượng an toàn thực phẩm

15:57 | 07/12/2018
(LĐTĐ) Hà Nội là một trong những địa phương triển khai thí điểm quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình thí điểm đã tác động tích cực đến công tác quản lý và nhận thức của chủ các cơ sở kinh doanh.
ha noi tang cuong quan ly chat luong an toan thuc pham Hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm của Hà Nội hoạt động thế nào?
ha noi tang cuong quan ly chat luong an toan thuc pham Đừng bất chấp tất cả để sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn
ha noi tang cuong quan ly chat luong an toan thuc pham Hơn 26 nghìn cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trong năm 2017

Từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm 8 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát ở 8 quận, huyện. “Ngoài việc đáp ứng 10 tiêu chí an toàn thực phẩm về điều kiện cơ sở vật chất, các cơ sở kinh doanh còn phải niêm yết công khai biển “Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát an toàn thực phẩm”, có bảng ghi công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm để người tiêu dùng biết.

Theo Chi cục Vệ sinh ATTP Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Đến nay, tại các quận, huyện, thị trấn đã có 99% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết với chính quyền địa phương bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều cơ sở chưa thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí ATTP.

ha noi tang cuong quan ly chat luong an toan thuc pham
Rất khó để kiểm soát chất lượng ATTP tại các hàng quán vỉa hè.

Trong đó, vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định về ATTP và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Khu vực chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình thực phẩm một chiều, bày bán thực phẩm trên vỉa hè, ngay cạnh rãnh thoát nước, diện tích kinh doanh chật hẹp, bán hàng chung với nơi sinh sống của gia đình…

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, kiểm tra và xử phạt vẫn chủ yếu là nhắc nhở, còn nặng về hình thức. Mặt khác, chính người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ.

Báo cáo kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội cũng cho thấy, qua kết quả kiểm tra, giám sát gần 900 lượt tại 386 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống của 8 tuyến phố thí điểm an toàn thực phẩm có kiểm soát trong 8 tháng năm 2018, tỷ lệ các tiêu chí an toàn thực phẩm đạt từ hơn 53% đến 93%. Lực lượng chức năng của các quận, huyện đã nhắc nhở tại chỗ với 58 cơ sở, phê bình 18 cơ sở trên loa truyền thanh, phạt tiền gần 15 triệu đồng các cơ sở vi phạm.

Để thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nhất là tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý ATTP, thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, truy tận gốc thực phẩm “bẩn”.

Đồng thời cần kiên quyết hơn nữa trong công tác quản lý các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở có sai phạm quy định về an toàn thực phẩm, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Đặc biệt, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người kinh doanh, rất cần ý thức của người tiêu dùng nói “không” với thực phẩm không an toàn; kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất ATTP cho cơ quan chức năng, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của Luật ATTP.

Trước đó vào năm 2010, thành phố Hà Nội đã triển khai mô hình cải thiện ATTP dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn; năm 2013, mô hình thí điểm quản lý, kiểm soát ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, TAĐP, tuyến phố Trung Liệt (quận Đống Đa), tuyến phố Núi Trúc (quận Ba Đình) được triển khai.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này