Vi phạm trật tự xây dựng: Giảm mạnh nhưng chưa hết “nóng”

13:21 | 07/12/2018
Với quan điểm nhìn thẳng vào thực trạng đó để chỉ đạo và giải pháp cụ thể, công tác quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội đã và đang chuyển động và đạt kết quả tích cực. Điển hình, so với hai năm gần đây, tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng qua kiểm tra đã giảm tới 50% trên toàn bộ mọi phương diện.  Tuy nhiên, trật tự xây dựng luôn là lĩnh vực phức tạp, lại cũng đầy tính “lịch sử để lại”, do đó nếu chỉ cần hơi “buông lỏng”, vi phạm có thể tái diễn bất cứ lúc nào.
vi pham trat tu xay dung giam manh nhung chua het nong Vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp
vi pham trat tu xay dung giam manh nhung chua het nong Hà Nội: Còn tồn tại 891 công trình vi phạm trật tự xây dựng
vi pham trat tu xay dung giam manh nhung chua het nong Xử lý sớm vi phạm về trật tự xây dựng không để phát sinh

Chủ động trong phòng ngừa

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, 11 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố phát sinh 16.885 công trình xây dựng. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 891 trường hợp vi phạm, chiếm 5,38%. So với năm 2016 và 2017, vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2016 có 2.469 công trình vi phạm/19.138 công trình đã kiểm tra (chiếm 13,3%).

vi pham trat tu xay dung giam manh nhung chua het nong
Cưỡng chế xử lý vi phạm TTXD tại công trình cống hóa mương Phan Kế Bính.

Năm 2017, có 1.916 công trình vi phạm/17.422 công trình kiểm tra (chiếm 10,99%). Việc xử lý vi phạm tồn đọng cũng được thực hiện quyết liệt. Đến nay, đã xử lý 365/409 trường hợp vi phạm TTXD tồn đọng trong các năm 2015-2016 (đạt tỷ lệ 89%); xử lý 493/552 trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” hình thành từ năm 2005 đến nay (đạt tỷ lệ 89,31%).

Sở Xây dựng cũng đã tích cực đôn đốc các quận, huyện xử lý đối với 120 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, tồn động cũ. Theo đó, với 32 trường hợp không đủ điều kiện tồn tại, gây phản cảm sẽ xử lý theo hướng thu hồi phục vụ mục đích công cộng. 88 trường hợp còn lại chỉ cấp phép khi chấp thuận hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề và xung quanh, hoặc cấp phép có điều kiện đảm bảo an toàn không gây phản cảm.

Như vậy, quản lý TTXD có thể coi như một điểm sáng trong các lĩnh vực công tác trong năm 2018 của Sở Xây dựng khi thể hiện đầy đủ trên cả 3 phương diện: Giảm số phát sinh; Giảm số tồn đọng và giảm số vụ vi phạm mang tính quy mô lớn. Có được thành tích này, một phần cũng là nhờ việc bàn giao các đội thanh tra xây dựng về địa phương, giúp địa phương tăng cường tính chủ động, tính chịu trách nhiệm toàn diện của người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý TTXD.

Tăng cường tính chủ động

Tuy nhiên, bên cạnh một số quận, huyện đã làm tốt trong lĩnh vực quản lý TTXD trong năm qua như Long Biên, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức… vẫn còn nhiều địa phương chưa coi trọng công tác quản lý TTXD hoặc bao che, thiếu kiên quyết khi xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Đơn cử như trong giai đoạn Sở Xây dựng quản lý 30 Đội TTXD quận, huyện, thị xã (từ tháng 1/2014 đến hết ngày 10/8/2018), Sở quan công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, đã phát hiện, xem xét kỷ luật đối với 89 cán bộ, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực TTXD có vi phạm. Đây là một con số không nhỏ so với tổng số cán bộ trong toàn ngành.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân cơ bản khiến các vi phạm về TTXD vẫn kéo dài dai dẳng trong nhiều năm là do hệ thống văn bản pháp luật quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng đô thị còn nhiều chồng chéo nên công tác quản lý gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, vì lợi nhuận mà không ít chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật và sự thiếu kiên quyết trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm của chính quyền cơ sở nên trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại nhiều trường hợp công trình không phép, sai phép, sai quy hoạch đã được phê duyệt về chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng…

Được biết, theo quy định, việc quản lý TTXD thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền cơ sở được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Cụ thể tại Điều 29, Điều 50 với cấp huyện và Điều 36, Điều 64 với cấp xã.

Tuy nhiên để cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị cũng như cơ quan quản lý, Sở Xây dựng đã hoàn thiện Dự thảo Quy định quản lý TTXD trên địa bàn thành phố, quy định rõ trình tự, thẩm quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố và đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã. Hiện đang trình UBND thành phố xem xét, ban hành.

Nhìn từ các công trình mang tính “lịch sử để lại” cho thấy, chỉ có giảm chắc chắn những vi phạm, ngăn ngừa phát sinh mới một cách hiệu quả bằng tổng thể các giải pháp trên thì công tác quản lý trật tự xây dựng mới xác lập được thế ổn định, từ đó tạo đà cho thành phố phát triển hiện đại, văn minh.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này