Điện não đồ vỏ não trong phẫu thuật động kinh

Hồi sinh cuộc sống cho các bệnh nhi động kinh kháng thuốc

08:32 | 07/12/2018
(LĐTĐ) Theo các bác sĩ chuyên Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian vừa qua Bệnh viện đã tiến hành điều trị thành công cho 5 bệnh nhi chẩn đoán động kinh kháng thuốc.
hoi sinh cuoc song cho cac benh nhi dong kinh khang thuoc Phẫu thuật thành công cho hai bệnh nhi động kinh kháng thuốc
hoi sinh cuoc song cho cac benh nhi dong kinh khang thuoc Bệnh động kinh: Tránh điều trị theo hướng mê tín

Trong đó, trường hợp nhỏ tuổi nhất là bé trai V.N.M (12 tháng tuổi). Gia đình cho biết, sau sinh 2 tháng, cháu khởi phát cơn giật do động kinh đầu tiên. Đỉnh điểm có lúc bé xuất hiện đến 10 cơn giật trong ngày, trong cơn có run và co giật nửa cơ thể bên phải. Sau khoảng thời gian điều trị bằng thuốc chống động kinh mà tình trạng sức khỏe không cải thiện, bệnh nhi được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật động kinh.

Bệnh nhân lớn nhất trong số 5 bệnh nhi là bé gái L.A.V (11 tuổi). Theo lời người nhà, cháu bé khởi phát cơn giật đầu tiên lúc 2 tuổi. Trước mổ có 5-25 cơn/ngày, cơn giật bắt đầu từ tay phải sau đó lan toàn thân, kéo dài 3 phút, xảy ra chủ yếu về đêm. Bệnh nhi được chỉ định sử dụng thuốc, song tình trạng không thuyên giảm. Qua điện não đồ, các bác sĩ xác định bệnh nhi có sóng động kinh ở vùng đỉnh trái và vùng giảm chuyển hoá ở đỉnh trái, gần vùng vận động và ngôn ngữ.

Các bệnh nhi trên đều được bác sĩ chỉ định ứng dụng điện não đồ vỏ não trong phẫu thuật động kinh sau khi không đáp ứng với thuốc điều trị động kinh.

Theo Ths.BS Lê Nam Thắng - Phó Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, 4/5 bệnh nhân kết quả ngay sau mổ không thấy sóng động kinh. Diễn biến lâm sàng của 4/5 bệnh nhân này sau mổ đều rất tốt, hết giật hoàn toàn, còn 1 bệnh nhân kết quả sau mổ còn sóng động kinh hoạt động mức độ nhẹ tại vùng vận động.

Được biết, trên thế giới, phẫu thuật động kinh được tiến hành từ lâu, chủ yếu dựa vào cắt vùng động kinh dựa trên điện não đồ (EEG) và cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, tổn thương trên cộng hưởng từ không chứng minh được rằng đó là nguyên nhân của động kinh. EEG da đầu hữu ích nhưng không đủ chính xác để khu trú được ổ động kinh. Điều này dễ dẫn đến bỏ sót ổ động kinh khi cắt bỏ, hoặc phạm vi cắt bỏ rộng dễ dẫn tới các thiếu sót chức năng thần kinh sau mổ. Để có độ chính xác cao hơn để cắt bỏ ổ động kinh, thì điện não đồ vỏ não được đưa vào sử dụng để hỗ trợ trong phẫu thuật nhằm xác định chính xác ổ động kinh, bảo tồn tối đa vùng não chức năng mà vẫn đảm bảo hiệu quả của phẫu thuật.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, phẫu thuật động kinh được tiến hành từ năm 2010. Đến năm 2017 với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện Alabama (Hoa Kỳ), Bệnh viện Nhi Trung ương lần đầu tiên áp dụng điện não đồ vỏ não trong các ca phẫu thuật động kinh và đã cải thiện được đáng kể tình trạng sức khỏe của bệnh nhi sau phẫu thuật.

Thông tin thêm về căn bệnh nguy hiểm này, bác sĩ Thắng cho biết, động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh. Tỉ lệ mắc bệnh: 0,05 đến 0,1% dân số thế giới. Trong đó, trẻ em chiếm 60%, nam mắc nhiều hơn nữ. Động kinh thường không xác định được nguyên nhân, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân thậm chí là gây nguy cơ tử vong.

Động kinh kháng thuốc là khi dùng kết hợp 2 đến 3 loại thuốc chống động kinh hàng đầu với liều tối đa chịu đựng được mà vẫn không kiểm soát được cơn co giật. Bởi vậy, chỉ định phẫu thuật được đặt ra trong các trường hợp động kinh kháng thuốc.

Hiện nay phẫu thuật động kinh nhất là phẫu thuật động kinh có hỗ trợ của điện não đồ vỏ não vẫn là một lĩnh vực mới trong phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam. Ứng dụng kỹ thuật điện não đồ vỏ não trong phẫu thuật động kinh thành công sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhi mắc căn bệnh hiểm nghèo này, góp phần nâng cao cơ hội sống và phát triển tương lai cho các cháu như bạn bè cùng trang lứa.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này