Ô nhiễm không khí từ các “đại công trường”

13:15 | 04/12/2018
(LĐTĐ) Tổng hợp báo cáo chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội trong tuần qua cho thấy, chất lượng không khí giảm xuống khá nhiều so với các tuần trước đó trong tháng 11, các chỉ số hiển thị chủ yếu ở mức trung bình và kém, không có ngày nào chất lượng không khí đạt mức tốt. Đặc biệt, bên cạnh mức ô nhiễm do hoạt động giao thông, chỉ số chất lượng không khí cũng “tỷ lệ thuận” với các khu vực có nhiều công trình xây dựng.
o nhiem khong khi tu cac dai cong truong Kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Quan trọng là ý thức người dân
o nhiem khong khi tu cac dai cong truong [Infographics] Ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người chết mỗi năm
o nhiem khong khi tu cac dai cong truong Tìm ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và cấu trúc của tim

Theo đó, những con số AQI trong tuần ở mức khá cao, đều tăng ở tất cả 10 trạm, biên độ dao động lớn trong khoảng 59 - 178. Trong đó, các trạm nền đô thị AQI dao động trong khoảng 59 - 97, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 62 - 178. Điển hình tại 4 trạm quan trắc chất lượng không khí tại Minh Khai, Hàng Đậu, Thành Công và Phạm Văn Đồng, chất lượng không khí trong tuần luôn duy trì chủ yếu ở mức kém, chỉ duy nhất trạm Thành Công có 1 ngày AQI ở mức trung bình.

o nhiem khong khi tu cac dai cong truong
Nhiều ngày nay đoạn đường Phạm Văn Đồng luôn trong tình trạng bụi mù mịt.

Còn tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần này 100% số ngày AQI đạt mức trung bình. Đặc biệt, 2 điểm quan trắc chất lượng không khí tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, hai khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông cũng như các công trường xây dựng có đến 100% số ngày AQI ở mức kém. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này lần lượt là 178 và 156 (gần mức xấu – 200).

Có thể nói, những số liệu trên cho thấy, bên cạnh nguyên nhân do giao thông, bụi tại các công trình xây dựng hoặc từ hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng chính là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Thực tế không khó bắt gặp những công trình xây dựng lớn không hề được che chắn bụi theo quy định, hoặc lưới che rách nát, có cũng như không.

Vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng tràn ra và lưu cữu trên vỉa hè. Phương tiện ra vào công trường không được phun rửa, che chắn; bùn đất từ phương tiện vận chuyển rơi vãi trên đường không được dọn rửa...

Hậu quả là bụi trở thành nỗi ám ảnh với những ai sinh sống gần các công trình xây dựng lớn hay thường xuyên phải đi qua khu vực có nhiều công trình đang thi công. Bụi theo gió phát tán, trở thành một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đô thị. Thực trạng này đã và đang diễn ra ở nhiều quận huyện. Người dân bức xúc, chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp có thẩm quyền, nhưng tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, điều quan trọng nhất trong thi công là ý thức trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp và đơn vị thi công. Còn Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, việc bảo đảm các quy định về vệ sinh môi trường trong phá dỡ, thi công các công trình xây dựng đã được quy định rất rõ trong các văn bản.

Ví như, trước khi phá dỡ công trình, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải lập, thẩm tra phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định. Trong quá trình thi công xây dựng hoặc phá dỡ công trình, không được sử dụng các thiết bị gây ồn, thiết bị có gia tốc rung vượt quá giới hạn cho phép; phải có biện pháp giảm bụi và khí thải ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng không khí theo quy chuẩn...

Tuần Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này