Phương tiện tham gia giao thông “quá đát”: Cần sớm có giải pháp

11:49 | 30/11/2018
(LĐTĐ) Ở Hà Nội, theo thống kê năm 2018, dân số khoảng 8 triệu người trong đó lượng phương tiện cá nhân là xe máy có khoảng 6 triệu chiếc. Đáng nói, xe máy, đặc biệt là các loại xe cũ nát đang là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng không khí. Để ngăn tình trạng xe máy “quá đát” xả thải khí, gây ô nhiễm môi trường đòi hỏi các ngành chức năng phải sớm có giải pháp, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng hơn.
phuong tien tham gia giao thong qua dat can som co giai phap Cẩn thận khi chở, dắt “thú cưng” tham gia giao thông
phuong tien tham gia giao thong qua dat can som co giai phap Sử dụng Giấy đăng ký bản sao có chứng thực khi tham gia giao thông

Nhiều ẩn họa

Xe máy cũ nát vẫn lưu thông trên đường không bảo đảm an toàn giao thông đang là mối quan tâm của xã hội. Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thành phố hiện có hàng triệu xe máy được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nguy hiểm hơn, nhiều xe có tuổi thọ đã trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông.

Theo ghi nhận thực tế tại các quận nội thành, số người sử dụng xe máy “quá đát” chủ yếu vào các khung giờ 3 - 5h sáng; 11h30-13h30 chiều và từ 22h đêm đến 3h sáng. Các loại xe “quá đát” này phần lớn chỉ trơ lại bộ khung bằng sắt hoen gỉ, phần đầu trống hoác với mớ dây điện loằng ngoằng, không còi, không đèn chiếu sáng, đèn xi nhan, không gương. Thậm chí, nhiều xe không có đăng ký xe, không có biển số… phương tiện thường tập trung ở các chợ đầu mối, được người dân sử dụng để chở hàng hóa vào các khu vực nội thành.

phuong tien tham gia giao thong qua dat can som co giai phap

Xe máy “quá đát” khi tham gia lưu thông thường không đảm bảo an toàn và gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đinh Luyện

Dù xếp vào dạng xe “nhiều không”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông nhưng một lượng lớn các nhu yếu phẩm như: Gas, thịt lợn, cá, nước tinh khiết, đồ gỗ nội thất, nước giải khát, phế liệu, nước rác phục vụ chăn nuôi gia súc, vật liệu xây dựng... vẫn đều đặn được các xe này “tải” và phân phối khắp Hà Nội. Đáng ngại hơn, tại các tuyến vành đai như: Đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, đường gom Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng, quốc lộ 21B… cửa ngõ Thủ đô, người viết đã ghi lại được nhiều hình ảnh liên quan đến xe “quá đát” được “nâng cấp” thành… 3 bánh dùng để chở rác, phế liệu phục vụ cho một số làng nghề tái chế khu vực ngoại thành.

Theo một chủ cửa hàng sửa xe trên đường Trần Phú (Hà Đông), đối tượng sử dụng các xe máy cũ thường là những tiểu thương hoặc xe ôm, những người có thu nhập thấp. Xe được gửi đến tiệm sửa chữa nhằm “bổ máy”, làm lại hơi, tăng công suất hoặc lắp thêm giá chở hàng, giảm xóc… Mục đích chính của người sử dụng là xe chở được nhiều hàng, tăng tải trọng. Chủ cửa hàng sửa xe này cũng cho biết, việc sử dụng xe cũ dù đã được sửa chữa nhưng thường không bảo đảm điều kiện an toàn. Do vậy, nếu sử dụng để chở hàng cồng kềnh, nặng, người điều khiển không làm chủ được tốc độ… thì nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao.

Theo các nhà khoa học, trong khí thải của các phương tiện “quá đát” thường có rất nhiều thành phần độc hại như: ôxit nitơ, hydrocarbon, CO… khi thải ra môi trường sẽ xảy ra phản ứng hóa học tạo ra các loại khí độc hại, làm cho con người bị ngộ độc, thậm chí ngạt thở. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện xe cũ nát cũng sẽ thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2 - 4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ.

Cần sớm kiểm soát

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo “Tăng cường vai trò và kết nối hợp tác cải thiện chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ (Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức ủy nhiệm), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tổ chức, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết: Hà Nội hiện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

Qua đánh giá, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại đô thị lớn như Hà Nội thì ô nhiễm không khí do bụi nổi cộm nhất. Ô nhiễm do bụi được phản ánh thông qua bụi lơ lửng bao gồm bụi thô (TSP và PM10) và bụi mịn (PM2,5). Theo ông Nguyễn Minh Khoa Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhận định: “Ô nhiễm giao thông chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của cả thành phố, nồng độ khí thải ở các đường giao thông, khu vực đông dân cư rất lớn, vượt ngưỡng cho phép khá nhiều lần”.

Ông Nguyễn Minh Khoa cũng cho rằng, Hà Nội cũng chưa có nhiều giải pháp triệt để nhằm hạn chế và thay thế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Đặc biệt việc khuyến khích người dân sử dụng các nguyên liệu sạch, thay thế các phương tiện cá nhân bằng phương tiện công cộng hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng phương tiện giao thông công cộng còn thấp.

Dẫn như vậy để thấy rằng, dù là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông nhưng dường như việc kiểm soát loại phương tiện xe máy “quá đát” vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo tìm hiểu, dù Hà Nội có chủ trương dừng hoạt động của xe máy sau 2025 và xây dựng lộ trình thu hồi xe máy cũ nát song đến thời điểm này, với các phương tiện xe máy chưa có quy định về niên hạn nên việc xác định các phương tiện xe máy cũ, nát không đơn giản.

Rõ ràng, với tình trạng chất lượng không khí tại Hà Nội ngày càng xấu, ảnh hưởng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì chủ trương thu hồi các xe máy cũ nát là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, ngoài việc cần xây dựng các quy định pháp lý cũng cần có những quy định, hành động cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân – những người có thu nhập thấp, phải sử dụng xe “quá đát” để mưu sinh.

Luyện Đinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này