Hà Nội phấn đấu hơn 95% trẻ em được tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh

14:56 | 28/11/2018
(LĐTĐ) Hiện tại, toàn thành phố Hà Nội bắt đầu hưởng ứng chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã.
ha noi phan dau hon 95 tre tren dia ban duoc tiem bo sung vac xin phong benh Sẽ tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ tại trường mầm non
ha noi phan dau hon 95 tre tren dia ban duoc tiem bo sung vac xin phong benh Có đủ 8 loại vắc xin phòng bệnh cho tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ
ha noi phan dau hon 95 tre tren dia ban duoc tiem bo sung vac xin phong benh Hơn 4,2 triệu trẻ vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong chiến dịch tiêm chủng lần này, toàn thành phố có 622.242 trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc xin sởi - rubella. Với hơn 3.000 điểm tiêm chủng tại các trường mầm non công lập, một số trường mầm non tư thục và 584 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

ha noi phan dau hon 95 tre tren dia ban duoc tiem bo sung vac xin phong benh
Đồng loạt triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi- rubellla cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. (Ảnh: Đức Vân).

Chiến dịch lần này có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành giáo dục. Đối tượng tiêm chủng là toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi sống trên địa bàn thành phố (mốc sinh từ ngày 1/1/2013 đến 30/9/2017. Trừ những đối tượng trẻ mới tiêm vắc xin sởi hoặc sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella hoặc vắc xin thủy đậu trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch.

Thời gian tiêm chủng từ ngày 26/11 đến ngày 25/12/2018. Với 2 đợt, cụ thể: Đợt 1 tổ chức tiêm tại trường học đóng trên địa bàn từ ngày 26/11 đến 2/12/2018; đợt 2 tổ chức tiêm tại các trạm y tế cho trẻ không đi học sống trên địa bàn và tiêm vét cho trẻ đi học chưa được tiêm (do tạm miễn hoãn trong đợt 1) từ ngày 3/12 đến 9/12/2018.

Để công tác tiêm chủng được diễn ra an toàn và hiệu quả, các điểm tiêm chủng đã được cán bộ trung tâm y tế quận, huyện bố trí theo đúng Nghị định số 104; điểm tiêm chủng bố trí tại trạm y tế và trường học đảm bảo một chiều từ bố trí bàn đón tiếp, bàn khám phân loại, bàn tiêm, khu vực chờ và khu vực theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm chủng. Công tác tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin và vật tư tiêm chủng được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định đảm bảo chất lượng vắc xin. Cán bộ tiêm chủng đã được tập huấn về xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc xin, tiêm chủng an toàn, phòng, chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng. Bên cạnh đó, mỗi trung tâm y tế quận, huyện đã bố trí đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có).

Ghi nhận tại Trường Mầm non Nhân Chính, quận Thanh Xuân, cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Theo thống kê trong đợt này toàn trường có 495 trẻ trong diện tiêm chủng. Cán bộ y tế trạm y tế phường, phối hợp với cán bộ y tế trường học, giáo viên chủ nhiệm các lớp, rà soát đối tượng trong diện tiêm chủng, lập danh sách, viết giấy mời và gửi đến từng bậc phụ huynh của các em học sinh. Để chuẩn bị chu đáo cho hoạt động tiêm chủng được diễn ra an toàn, hiệu quả, nhà trường đã bố trí phòng ốc, khu vực kê bàn theo quy định 1 chiều gồm chỗ ngồi chờ trước khi tiêm chủng; bàn tiếp đón, hướng dẫn; bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng; bàn tiêm chủng; bàn ghi chép vào sổ tiêm chủng; khu vực theo dõi sau tiêm. Đặc biệt, đối với khu vực theo dõi sau tiêm, nhà trường đã bố trí thêm các đồ chơi, không gian rộng, sạch sẽ để trẻ được tham gia hoạt động giải trí trong quá trình theo dõi...".

Theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, tính theo chu kỳ bệnh sởi từ 4 đến 5 năm quay lại một lần. Tại Hà Nội, dịch bệnh sởi đã bùng phát năm 2014, để chủ động phòng chống dịch bệnh sởi - rubella năm 2018, 2019, Hà Nội phấn đấu mục tiêu hơn 95% trẻ trên địa bàn được tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh. Đây là chiến dịch tiêm bắt buộc và hoàn toàn miễn phí.

Để công tác tiêm chủng được hưởng ứng sâu rộng, PGS Nguyễn Nhật Cảm yêu cầu các quận, huyện cần đẩy mạng công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia đưa con em mình đến tiêm vắc xin phòng bệnh. Đồng thời, PGS Nguyễn Nhật Cảm cũng đề nghị các đơn vị cần bố trí điểm tiêm theo đúng quy định, thực hiện đúng quy trình như đo nhiệt độ, tiêm đúng kỹ thuật, đúng vắc xin, giám sát các bé 30 phút sau khi tiêm để đề phòng biến chứng… bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ.

PGS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo: “Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. Các bậc phụ huynh nên cho con tiêm vắc xin. Nếu gia đình nào không muốn tiêm ở trường học thì có thể đến trạm y tế để tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, tại các phòng tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội có vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella... phòng bệnh hiệu quả cho con em mình”..

Nguyễn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này