Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW:

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống

10:05 | 26/06/2018
(LĐTĐ) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). 
can su vao cuoc quyet liet cua ca he thong Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW
can su vao cuoc quyet liet cua ca he thong Mở rộng đối tượng trong khu vực phi chính thức
can su vao cuoc quyet liet cua ca he thong 11 nội dung cải cách trong chính sách bảo hiểm xã hội

Theo Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) Phạm Trường Giang, Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đưa ra những định hướng quan trọng, toàn diện phát triển BHXH, an sinh xã hội trong giai đoạn tới.

can su vao cuoc quyet liet cua ca he thong
Quang cảnh hội thảo

Các nội dung cải cách được đề cập trong Nghị quyết nhằm giải quyết các hạn chế đang còn tồn tại, tạo nguồn lực phát triển BHXH mạnh mẽ hơn như: Mở rộng diện bao phủ BHXH, chú trọng nhóm lao động phi chính thức, nhóm lao động với hình thức quan hệ lao động mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đặt mục tiêu tăng số người hưởng lương hưu, bên cạnh mục tiêu tăng số tham gia; đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH gắn với hiệu quả công tác tổ chức thực hiện, cân bằng nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ, từng bước tạo nền tảng phát triển BHXH bền vững, ổn định trong dài hạn.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ BHXH cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 28-NQ/TW đưa ra định hướng quan trọng, đóng vai trò là nền móng bước đầu; việc đưa Nghị quyết vào thực tiễn cần sự vào cuộc và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ các Bộ, ngành, địa phương.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Chính phủ cần chú trọng chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ từ các bộ, ngành và địa phương. Quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật BHXH cần có lộ trình cụ thể, có sự liên kết rõ ràng với các lĩnh vực có liên quan thiết yếu, bảo đảm sự linh hoạt, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện…

Ông Trần Đình Liệu cũng đề nghị, trong quá trình hoàn thiện Chương trình hành động cần phải đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa tầng 1 và tầng 2 của chính sách BHXH đa tầng. Đặc biệt, để đảm bảo mục tiêu BHXH toàn dân thì việc tổ chức triển khai chính sách BHXH theo hướng bắt buộc, có sự hỗ trợ của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) Cao Thị Thanh Thuỷ đề xuất, nên tổ chức rà soát, đánh giá một cách tổng thể về thực trạng an sinh xã hội của người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài và của lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra chiến lược phát triển an sinh xã hội chung cho các đối tượng này, gắn với lộ trình cụ thể về việc thực hiện BHXH bắt buộc với đối tượng người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đề nghị cần có đánh giá về mối quan hệ giữa chính sách tiền lương và BHXH, đại diện Bộ Nội vụ bày tỏ băn khoăn bởi xét theo lộ trình, đến năm 2021, khi Việt Nam thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ không còn tồn tại mức lương cơ sở. Vậy với khoảng 12 khoản quy định về các chế độ BHXH theo Luật BHXH, hiện đang gắn với mức lương cơ sở, chúng ta sẽ có những điều chỉnh như thế nào? Về nội dung này, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) Phạm Trường Giang cũng đề xuất, mong muốn ILO sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho Bộ LĐTBXH, nhằm đưa ra cách tính toán và phương án cụ thể giải quyết vấn đề này cho Việt Nam.

Bày tỏ quan điểm về Nghị quyết số 28-NQ/TW, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee nhận định, những nội dung được đề cập đến trong Nghị quyết số 28 cho thấy quan điểm phát triển BHXH hướng tới một nền an sinh xã hội bền vững của Việt Nam với những nội dung cải cách chính sách BHXH có nhiều điểm mới tích cực như: Gắn kết phát triển BHXH và bảo trợ xã hội; chú trọng đa dạng hơn các nhóm đối tượng tham gia, nhất là nhóm lao động phi chính thức, nhóm lao động yếu thế…

Giám đốc Chang Hee Lee cũng cam kết, ILO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển an sinh xã hội, cụ thể hóa những nội dung cải cách chính sách BHXH trong thực tiễn.

Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách BHXH đang được Bộ LĐTBXH xây dựng và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng 6.

Trong đó có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về BHXH; hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, BH thất nghiệp; nghiên cứu thí điểm thực hiện BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt; điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng...

B.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này