An toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh: Tin nhau là chính

09:35 | 24/11/2018
(LĐTĐ) Chợ truyền thống là nơi cung cấp thực phẩm thường xuyên cho đa số người dân trên địa bàn, tuy nhiên, hiện nay tại các chợ truyền thống ở vùng nông thôn, thực phẩm bày bán ít được quan tâm kiểm tra, giám sát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ,… do đó tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm, đe dọa sức khỏe cộng đồng.  
tang cuong kiem tra giam sat attp tai cac cho nong thon Đạt kết quả cao từ mô hình chi hội thay đổi hành vi trong ATTP
tang cuong kiem tra giam sat attp tai cac cho nong thon Sơn Tây quan tâm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Không phủ nhận những đóng góp quan trọng của chợ truyền thống trong việc giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ngay trên địa bàn, góp phần thúc đẩy việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, đằng sau những đóng góp quan trọng đó, hệ thống chợ này vẫn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo quan sát tại một số chợ ở khu vực ngoại thành Hà Nội, nhiều chợ có cơ sở vật chất hạn chế, các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm đan xen, lẫn lộn giữa các mặt hàng với nhau,... Thậm chí có nơi người dân họp chợ ngay trên vỉa hè, lòng đường, thực phẩm sống được bày bán lẫn lộn với thực phẩm chín.

tang cuong kiem tra giam sat attp tai cac cho nong thon
Các loại rác thải từ túi ni lông tới các củ quả hỏng được vứt tràn lan tại chợ vừa nhếch nhác vừa bốc mùi hôi thối (Ảnh: Hoa Nguyễn)

Tại một số chợ dân sinh trên địa bàn huyện Mỹ Đức, huyện Thanh Oai,... những dãy hàng bán thịt lợn, những miếng thịt được bày trên bàn gỗ, không ít chiếc bàn gỗ đã cáu bẩn bởi những lớp mỡ để lại từ ngày này qua ngày khác.

Bên cạnh bàn thịt lợn sống là những quả giò, chả được bày bán cùng mà không hề được che đậy. Đôi tay trần của người phụ nữ bán hàng thoăn thoắt thái thịt sống, sau đó chỉ lau vội qua một tấm vải rồi chuyển sang thái giò, chả cho khách.

Ở khu vực gian hàng thủy sản, gia cầm, nhiều loại cá, vịt, gà,... được người bán hàng sơ chế ngay tại chợ. Sau khi mổ cá cho khách, những thau nước bốc mùi tanh được những người bán hàng đổ ngay ra góc chợ, tụ lại thành những vũng nước bốc mùi nồng nặc.

Cùng với đó các loại rác thải được vứt bừa bãi, tràn lan làm cho khu vực chợ bị ô nhiễm. Đáng lo ngại hơn khi chất lượng, nguồn gốc thực phẩm được người dân mua – bán, đánh giá bằng cảm quan “tin nhau là chính”.

tang cuong kiem tra giam sat attp tai cac cho nong thon
Sau khi mổ cá cho khách, nước bẩn được đổ tràn lan ra vỉa hè (Ảnh: Hoa Nguyễn)

Cô Trịnh Thị T (Mỹ Đức – Hà Nội) cho hay: “Chợ truyền thống ở các vùng quê, các mặt hàng hầu hết đều của người dân trên địa bàn tự sản xuất. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng nhất là chính người sản xuất đôi khi cũng chưa thực sự hiểu hết như thế nào để thực phẩm của họ được đảm bảo an toàn.

Ví dụ, một con lợn mắc bệnh, sau khi được tiêm thuốc nhưng không khỏi, hôm sau người dân vẫn mổ hoặc xuất bán con lợn đó đi mặc dù các loại thuốc kháng sinh đều khuyến cáo ngưng giết mổ sau 14 ngày. Trong khi đó, mỗi năm Thành phố đều thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát ATTP nhưng tại chợ ở làng tôi hầu như đều bị bỏ ngỏ vấn đề này”.

Trước những thực trạng trên, đặc biệt hiện nay ATTP đang là vấn đề cấp thiết, do đó người dân ở các vùng nông thôn mong muốn cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người mua – người bán trong việc đảm bảo ATTP. Ngoài ra cần kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý đối với những hộ kinh doanh vi phạm.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này