Đề phòng trộm cắp khi đi máy bay

13:52 | 24/11/2018
Chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 8 - 11/2018) đã có 6 vụ trộm cắp tài sản xách tay của hành khách và 2 vụ hành khách báo mất tài sản nghi là bị trộm trên máy bay, chưa kể nhiều trường hợp khác không trình báo khi bị mất đồ trong hành lý ký gửi.
de phong trom cap khi di may bay Không thể xem thường

Trộm cắp trên máy bay là có chủ đích

Đầu tháng 11/2018, tiếp viên Vietnam Airlines trên chuyến bay Sài Gòn - Hong Kong đã phát hiện hành khách quốc tịch Trung Quốc tên là Y.C.H. lấy trộm 5.000 nhân dân tệ (tương đương gần 18 triệu đồng) và 3 triệu đồng từ hành lý của hành khách M.D.V. ngồi hàng ghế trên.

Trước đó không lâu, giữa tháng 8, với thủ đoạn tương tự, đối tượng Y.J trên chặng bay Hà Nội - Viên Chăn (Lào) đã lấy balô của khách ngồi cách đó 7 hàng ghế để lục lọi lấy tiền, nhưng bị tiếp viên phát hiện.

de phong trom cap khi di may bay
Hành khách chờ tại các sân bay đông là môi trường tốt cho các đối tượng trộm cắp quan sát.

Ngày 29/10/2018, lực lượng an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất bắt quả tang 2 nhân viên hàng không phối hợp trộm đồ của khách. Cụ thể, khi đang tuần tra trên đường công vụ, lực lượng an ninh đã phát hiện 2 nhân viên là T.V.G thuộc Công ty Việt Trung Sơn và P.H.T là nhân viên Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam đang ném một túi nilon qua hàng rào. Qua kiểm tra, phát hiện bên trong có một chiếc Macbook Air bạc. Ngay lập tức, Cảng vụ mặt đất Tân Sơn Nhất đã lập biên bản, bàn giao cho công an sân bay xử lý.

Vụ khác nữa ngày 23/10/2018, an ninh sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt quả tang nữ hành khách L.T.T.X., quê Nghệ An, đi chuyến bay VJ214 Tân Sơn Nhất - Vinh đã đứng rất gần hành khách P.V.M. tại vị trí soi chiếu hành lý xách tay. Sau khi quan sát không thấy ai để ý, nữ hành khách này đã lấy chiếc đồng hồ hiệu Oriental màu bạc trong khay của hành khách P.V.M. và đi thẳng ra cửa tàu bay. Lực lượng an ninh hàng không sân bay ngay lập xác minh và xử phạt theo thẩm quyền...

Trên đây chỉ là số ít trong các vụ trộm cắp hàng không diễn ra gần đây bị phát hiện. Bên cạnh tiền mặt, những hiện vật nhỏ gọn, nhưng giá trị cao như: Điện thoại, đồng hồ, máy ảnh, đồ trang sức... đang là những mục tiêu có chủ đích của các đối tượng trộm cắp. Đánh giá của các hãng hàng không đều cho rằng, thủ đoạn trộm cắp của một số đối tượng ngày càng tinh vi, thậm chí có đối tượng còn đóng vai doanh nhân đi máy bay hạng Thương gia để có nhiều cơ hội ra tay hơn và hướng đến “miếng mồi” to hơn.

Đại diện cảng vụ sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cho biết, không phải ngẫu nhiên mà hành khách bị chọn làm mục tiêu của bọn trộm. Các đối tượng trộm cắp thường lựa chọn các chuyến bay nội địa Việt Nam, Đông Nam Á, các điểm đến không yêu cầu thị thực du lịch, quan sát ngay từ khi làm thủ tục để lựa chọn “nạn nhân” phù hợp, đặc biệt những hành khách mang vali, túi xách sang trọng, đắt tiền, được ưu tiên đưa vào tầm ngắm, rồi lợi dụng thời điểm hành khách “đáng trí” nhất để ra tay.

Mùa cao điểm vận chuyển hàng không Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cận kề sẽ là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở của hành khách để trộm cắp. Hơn lúc nào hết, ngoài các biện pháp phòng chống của các hãng hàng không, hành khách cần nâng cao cảnh giác để phòng hơn chống.

Cách nào ngăn chặn

Theo đại diện của các hãng hàng không, tình trạng các đối tượng trà trộn lên các chuyến bay, lợi dụng sơ hở của hành khách để trộm cắp đã được phát hiện từ nhiều năm qua và vẫn đang diễn ra tinh vi.

de phong trom cap khi di may bay
Các đối tượng trộm cắp thường nhằm vào hành lý của hành khách quốc tế.

Để ngăn chặn tình trạng này, Vietnam Airlines đã kiến nghị lên Cục Hàng không Việt Nam các biện pháp để ngăn chặn và bắt giữ nghi phạm như: Từ chối vận chuyển các đối tượng này theo quy định tại Điều 146 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; khuyến cáo nâng cao cảnh giác của hành khách trên cổng thông tin điện tử của Cục và báo đài; cập nhật danh sách người từng trộm cắp trên chuyến bay và cảnh báo các dấu hiệu của kẻ cắp cho nhân viên bán vé, tiếp viên…

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có Công văn 3798/HD-CHK gửi các đơn vị trong ngành Hàng không hướng dẫn thực hiện các giải pháp phòng, chống mất cắp tại cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, các Cảng vụ Hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam, các hãng hàng không duy trì tổ chức kiểm tra trực quan đột xuất đối với nhân viên an ninh, bốc xếp, vệ sinh, lái xe ngay sau khi hoàn thành công việc bốc xếp tại cửa hầm hàng tàu bay, khu vực phân loại hành lý, tại điểm kiểm tra an ninh ra vào sân đỗ tàu bay, khu bay; kiểm tra đột xuất tủ đựng đồ cá nhân của các bộ phận trong dây chuyền phục vụ hành lý, hàng hóa và vị trí tập kết rác để phân loại của bộ phận vệ sinh tàu bay, khu vực tập kết trang thiết bị phục vụ hành lý, hàng hóa…

Nếu phát hiện trường hợp trộm cắp thì Cảng vụ tạm thời đình chỉ hoạt động, xác minh, chuyển giao cho cơ quan Công an, Hải quan, Quản lý xuất nhập cảnh điều tra làm rõ và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đơn vị thành lập các Tổ kiểm tra đặc biệt khi có thông tin về việc mất cắp tài sản hành lý, hàng hóa phải ngay lập tức phong tỏa toàn bộ khu vực và kiểm tra các khu vực có khả năng cất giấu; kiểm tra trực quan 100% tại các cổng cửa, lối đi nội bộ; đồng thời thực hiện luân chuyển ngẫu nhiên, đột xuất vị trí làm việc của nhân viên an ninh hàng không (từ điểm kiểm tra an ninh này sang điểm kiểm tra an ninh khác) và tổ chức kiểm tra chéo giữa các tổ, đội an ninh để ngăn ngừa khả năng thông đồng, móc nối thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Ngoài ra, bổ sung hệ thống camera giám sát di động đảm bảo hành lý, hàng hóa được giám sát liên tục từ khi tiếp nhận hành khách đến khi đưa vào hầm hàng tàu bay và từ hầm hàng tàu bay đến khi hành khách nhận hành lý, hàng hóa; ưu tiên sử dụng hệ thống camera hồng ngoại để quan sát ban đêm.

Đặc biệt, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Facific, Vasco rà soát lại quy trình, nội quy, quy định trách nhiệm của tiếp viên trong việc giám sát hành khách trên tàu bay, không để hành khách lấy trộm đồ trong hành lý, đặc biệt là trên các chuyến bay quốc tế.

Theo Đăng Sơn/Báo Tin tức

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này