Sáng kiến, sáng tạo trong nông nghiệp:

Đừng để sáng chế xếp tủ

12:08 | 22/11/2018
(LĐTĐ) Với sự đầu tư mạnh mẽ vào ngành nông nghiệp, thời gian qua nhiều sáng kiến, sáng tạo đã ra đời, thậm chí cả những người nông dân “chân lấm, tay bùn” cũng hăng hái với công cuộc sáng chế. Thế nhưng, sau các cuộc vận động, nhiều sáng chế có tính ứng dụng cao vẫn bị “xếp xó”. Làm thế nào để sáng chế ấy được áp dụng vào thực tiễn? 
dung de sang che xep tu Người kỹ sư trắc địa thời 4.0
dung de sang che xep tu Hội thảo 'Sáng kiến Vành đai - Con đường' và hợp tác Việt - Trung

Sáng chế của người nông dân đang “bị ngủ quên”

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều sáng chế, máy móc phục vụ cho nông nghiệp đã được chế tạo thành công và được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Thậm chí, theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, trong 10 năm tới đây, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu ở Đông Nam Á và công nghệ 4.0 sẽ là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa vấn đề này.

dung de sang che xep tu
Cần sự quan tâm của Nhà nước đối với những sáng chế khoa học của người nông dân.

Đề cập đến những sáng kiến, sáng chế phục vụ trong nông nghiệp, chúng ta có thể dễ dàng kể ra một loạt cái tên kèm theo những sáng chế, chế tạo đã được khẳng định như: Anh Phạm Văn Hát ở Hải Dương với sáng chế là robot tra hạt tự động và có độ chính xác cao, hay anh Nguyễn Văn Tài – sáng chế ra máy cày bừa thủy phi cơ, anh Tạ Đình Huy ở Chương Mỹ (Hà Nội) - sáng chế ra máy nông nghiệp với 15 chức năng là cày, bừa, làm cỏ, phay đất…Tất cả những sáng chế này đều là tâm huyết, đam mê và dày công nghiên cứu của những người nông dân một nắng, hai sương.

Tuy nhiên, mặc dù có tính ứng dụng cao, những đến nay nhiều sáng chế của các “nhà khoa học” nông dân vẫn chưa thể phát triển rộng khắp thị trường, thậm chí nhiều công trình đã bị rơi vào quên lãng bởi thiếu vốn, thiếu sự đầu tư bài bản dẫn đến việc khó áp dụng vào thực tiễn.

Trước những sáng chế được đánh giá cao và thông mình này, nhiều người đã từng đặt câu hỏi, chúng ta phải làm gì để các công trình nghiên cứu của các “kỹ sư” nông dân không bị quên lãng, làm gì để những sáng chế này có thể đi vào cuộc sống và thậm chí là vươn tầm thế giới?.

Cần những chính sách thiết thực và cụ thể

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hiện Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dần sang mô hình nông nghiệp hữu cơ, nhưng trước đó chúng ta là một nước nông nghiệp lạc hậu. Trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước có một quá trình chuyển biến từ thủ công sang cơ khí. Trong quá trình này, ngoài giới khoa học, các nhà nghiên cứu là nòng cốt, còn xuất hiện trong cộng đồng những nhà khoa học “thuần nông”, những “nhà khoa học chân đất”.

Thế nhưng, từ những tầng lớp tưởng như “không thể” có được những sáng chế hữu ích, thì mỗi năm vẫn có hàng trăm sáng chế của bà còn nông dân ra đời và rồi cũng từng ấy sáng chế dần đi vào “quên lãng” bởi sự thiếu đầu tư nghiêm túc. Trong khi đó, để nuôi dưỡng đam mê, sáng tạo thì người nông dân lại thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm phát triển thị trường và kết nối…Dẫn đến việc các sáng chế của họ nhiều khi “nằm im bất động” mặc dù được đánh giá cao. Để giải quyết thực trạng này, theo giới chuyên gia nhận định, chúng ta cần phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước, sự đồng hành của hiệp hội ngành nghề, các tổ chức chính trị - xã hội để đưa các công trình nghiên cứu của bà con đi vào sản xuất một cách thiết thực nhất.

Đánh giá về những thành tựu, sáng chế của người nông dân, tại triển lãm quốc tế Thiết bị và Công nghệ Nông – Lâm – Ngư nghiệp (VietNam Growtech 2018), ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, người nông dân Việt Nam rất sáng tạo. Nhiều người nông dân trong quá trình lao động, sản xuất đã sáng chế ra các sản phẩm giàu hàm lượng công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nghiệm cũng thừa nhận, sở dĩ nhiều dự án, công trình nghiên cứu của bà con nông dân mới chỉ dừng lại ở khâu ý tưởng, nhiều dự án bị lãng quên… là bởi các nghiên cứu khoa học của bà con chủ yếu vẫn dựa vào suy nghĩ chủ quan của cá nhân mà chưa theo sát nhu cầu thị trường, do đó không có tính thương mại cũng như hạn chế về khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

“Trong các cuộc triển lãm quốc tế về thiết bị, công nghệ nông lâm ngư nghiệp (Vietnam Growtech) diễn ra thời gian qua, chúng ta có các sản phẩm được các nhà khoa học nước ngoài đánh giá cao về hàm lượng khoa học, về ý tưởng sáng tạo… Tuy nhiên, xét về tính thương mại của sản phẩm công nghệ trong nước, từ nhận diện thương hiệu cho đến bảo hộ trí tuệ, mẫu mã bao bì chưa được chau chuốt theo tính thương mại trên thị trường quốc tế. Do đó, tính ứng dụng vào thực tiễn bị hạn chế” – ông Nghiệm nhận định.

Chính bởi vậy, theo ông Nghiệm, thông qua các cuộc triển lãm về thiết bị, công nghệ nông lâm ngư nghiệp, nhà quản lý có thể có thể đưa ra những chính sách để thúc đẩy tính “thương mại hóa” các sản phẩm công nghệ của các nhà nghiên cứu, nhằm giúp định hướng các nhà nghiên cứu thiết kế các sản phẩm theo định hướng thị trường, giàu tính thực tiễn, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất, nhà nông, các “nhà khoa học chân đất”…

Có thể nói, từ những chia sẻ trên, cùng sự quan tâm sát sao và hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, cũng như các tổ chức xã hội...chúng ta có quyền tin tưởng rằng, trong tương lai những dự án, công trình sáng chế có hàm lượng trí tuệ cao của bà con nông dân sẽ có tính ứng dụng cao. Qua đó, góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với các khoa học và công nghệ tiên tiến.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở rất gần, để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, hiệp hội doanh nghiệp…đồng hành cùng người nông dân sáng chế, qua đó, khẳng định vị thế ngành nông nghiệp Việt Nam trên thế giới.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này