Cô giáo Quản Thị Thực- Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

12:16 | 17/11/2018
(LĐTĐ) Bằng tình yêu trẻ, sự nhiệt huyết với nghề, hơn 33 năm nay, cô Quản Thị Thực - giáo viên trường Tiểu học Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn nỗ lực hết mình vì sự nghiệp “trồng người”. Đặc biệt, trong năm 2017 – 2018 vừa qua, cô đã vinh dự nhận được giải thưởng cao quý “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” do Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội trao tặng.  
co giao quan thi thuc nha giao ha noi tam huyet sang tao Những nhà giáo tạo động lực cho học sinh và cộng đồng
co giao quan thi thuc nha giao ha noi tam huyet sang tao Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo: Chú trọng truyền cảm hứng và đổi mới phương thức giảng dạy
co giao quan thi thuc nha giao ha noi tam huyet sang tao Vinh danh nhà giáo Thủ đô một cách toàn diện

Nhắc đến cô Quản Thị Thực là phải nói đến lòng say mê, yêu nghề, tích cực, nhiệt tình trong công việc. Cô đã dốc hết bầu tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục, từng giờ thầm lặng bên trang giáo án để tìm ra con đường ngắn nhất, dễ hiểu nhất làm cho bài giảng sinh động, tạo cho học sinh sự say mê, biết tìm tòi để chiếm lĩnh tri thức. Ngoài 33 năm miệt mãi đứng trên bục giảng, trong đó có 27 năm làm khối trưởng chuyên môn, cô là cán bộ quản lý không quản ngại khó khăn, giúp nhà trường phấn đấu vươn lên. Những cố gắng nỗ lực của cô giáo Quản Thị Thực đã góp phần không nhỏ vào bảng thành tích của trường Tiểu học Mỹ Đình I.

Cô Thực tâm sự: “Vào tháng 9/1985, tôi nhận quyết định về dạy tại trường Tiểu học Mỹ Đình thuộc huyện Từ Liêm cũ. Ngày đó khi đưa học sinh đi thi học sinh giỏi cấp Thành phố, tôi vô cùng mong ước học sinh trường tôi đạt được những thành tích cao như các trường bạn. Vì lúc đó, Mỹ Đình vẫn còn là địa phương thuần nông, có trình độ dân trí chưa cao. Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của giáo viên cũng như học sinh, năm 2000, trường tôi lần đầu tiên có học sinh đoạt giải cấp Thành phố. Đến nay, năm nào trường cũng có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi của Thành phố”.

co giao quan thi thuc nha giao ha noi tam huyet sang tao
Cô Quản Thị Thực cùng các em học sinh trường Tiểu học Mỹ Đình 1.

Từ những cố gắng vì học sinh, trường lớp, rất nhiều các thành tích nữa trong công việc trồng người của cô đã được ghi nhận. Cô nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố, là tấm gương cho phong trào giỏi việc nước, đảm việc nhà, được nhận huy chương vì sự nghiệp giáo dục. Năm học 1998 – 1999, cô đạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp huyện Từ Liêm (cũ). Năm học 1999 – 2000, cô đạt giải Giáo viên giỏi cấp Thành phố. Đặc biệt, trong năm 2017 – 2018 vừa qua, cô đã vinh dự nhận được giải thưởng cao quý Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo do Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức.

Cô Thực chia sẻ: “Tôi vô cùng yêu nghề. Chúng ta đã được xã hội gọi là thầy, vì thế chúng ta phải lao động thế nào, cống hiến ra sao để xứng đáng với danh xưng ấy. Sản phẩm mà chúng ta tạo ra hôm nay không phải là giá trị hiện hữu mà có thể nhìn ngay được mà nó ảnh hướng đến nhân cách, năng lực của mỗi con người. Vì thế bản thân mỗi nhà giáo cần phải kiên định với con đường đã chọn, xa hơn nữa, người thầy cần phải miệt mài phấn đấu không ngừng để trau dồi kiến thức phong phú. Khi dạy học sinh, chúng ta không chỉ dạy bằng khối óc mà còn dạy bằng trái tim mình. Tôi luôn nghĩ rằng không chỉ dạy kiến thức cho các em mà còn dạy đạo lý làm người để trang bị cho các em kỹ năng sống làm hành trang vững bước vào đời. Như vậy, ngành Giáo dục của chúng ta mới có thể tạo ra những công dân tiêu biểu, ưu tú cho đất nước”.

Cô yêu nghề, yêu trẻ, cô còn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo. Chắc chắn rằng truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của nhân dân ta từ xưa và mãi sau này chắc chắn sẽ không thay đổi. Nhưng những yêu cầu của xã hội hiện nay đối với nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ, cả về phẩm chất và năng lực lại tăng lên rất nhiều. Là lớp người đi trước, cô giáo Quản Thị Thực muốn chia sẻ với các giáo viên trẻ rằng, chúng ta phải kiên trì, phấn đấu trong hai lĩnh vực.

Thứ nhất là văn hoá ứng xử, chúng ta ứng xử thế nào với phụ huynh để họ mến phục mình, ứng xử thế nào với học sinh để các em tôn trọng mình, ứng xử thế nào với đồng nghiệp để giữ vững nét đẹp của người làm thầy. Đấy chính là tiền đề của công tác chủ nhiệm tốt. Thứ hai, giáo viên trẻ cần phải phấn đấu không ngừng về chuyên môn đến khi nghỉ hưu cũng không thôi. Người giáo viên phải biết kế thừa những tinh hoa của ngành Giáo dục của đất nước cũng phải cập nhật những tri thức mới của thế giới. Có như vậy, những người giáo viên trẻ mới trở thành những người giáo viên "vừa hồng, vừa chuyên". Điều đó cũng đòi hỏi bản lĩnh của mỗi nhà giáo, vừa giữ vững phẩm chất truyền thống tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý này, lại vẫn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.

Những nhà giáo mẫu mực như cô giáo Quản Thị Thực đã nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng, hoàn thành nghĩa vụ cao quý “Trồng người”, xứng đáng với truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này