Tội phạm sử dụng công nghệ cao: Những biến tướng khó lường

Kỳ 1: Diễn biến ngày càng phức tạp

18:45 | 15/11/2018
(LĐTĐ) Trên thế giới, tội phạm công nghệ cao đã xuất hiện từ lâu, theo thống kê của một tổ chức về an ninh mạng thì trung bình cứ 14 giây trôi qua lại xảy ra một vụ phạm pháp trên mạng. Ở Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng trong nhiều năm qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao bùng phát rất mạnh.
ky 1 dien bien ngay cang phuc tap Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao

Theo báo cáo đe dọa an ninh mạng năm 2017 của Symantec, Việt Nam đứng thứ 10 trong số 10 quốc gia hàng đầu khởi phát tấn công mạng. Thời điểm bùng nổ Internet ở Việt Nam cũng là thời điểm mở rộng hoạt động của nhiều hình thức tội phạm cộng nghệ cao như tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng, mua bán các loại giấy tờ giả, đánh cắp thông tin cá nhân, trộm cước viễn thông, lừa đảo huy động tiền ảo...

Đặc biệt, tội phạm mạng cũng đã trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia như các hoạt động kích động, lôi kéo biểu tình, nói xấu Đảng và Nhà nước trên mạng…Cụ thể, trong lĩnh vực an ninh, an toàn mạng máy tính, năm 2017, phát hiện có khoảng 10.000 cuộc tấn công vào hệ thống mạng Việt Nam; trong đó nhiều cuộc tấn công vào hệ thống Website của cơ quan Chính phủ, hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, tổ chức tín dụng, sân bay,…

Năm 2017, theo thống kê của Trung tâm an ninh mạng BKAV, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam lên tới 12.300 tỷ, vượt xa mốc 10.400 tỷ năm 2016 và còn tăng mạnh trong năm 2018.

ky 1 dien bien ngay cang phuc tap
Tình hình tội phạm mạng đang diễn biến phức tạp gây hệ lụy cho toàn xã hội. Ảnh: nguồn an ninh thủ đô

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, các loại tội phạm liên quan đến hoạt động thanh toán thẻ, tài chính, ngân hàng, trộm cắp cước viễn thông, sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, các hoạt động lợi dụng mạng Internet để kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử để chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra còn có truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, vi phạm bản quyền số,… Đặc biệt là các hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng đang nhức nhối và gây nhiều hệ lụy cho toàn xã hội.

Tại Việt Nam chỉ trong 2 năm 2017, 2018 đã xẩy ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Điển hình như việc hơn 400 tài khoản ngân hàng Agribank bị xâm nhập và có hơn 10 tài khoản bị mất từ 10-24 triệu đồng dù đã báo khóa thẻ ATM xảy ra vào tối muộn ngày 25/4/2018; vụ 2 hacker nhí 15 tuổi đánh sập hệ thống điều hành của sân bay Tân Sơn Nhất và thay đổi giao diện cả một loạt trang web của sân bay Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, Tuy Hòa vào tháng 3/2017; hay mới đây nhất là vụ một hacker tuyên bố đã lấy được tài liệu của hơn 5 triệu khách hàng Thế Giới Di Động. Tuy sự việc đang được xác minh làm rõ nhưng đây cũng như một hồi chuông cảnh báo cho tình trạng tấn công an ninh mạng đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong thời gian qua cũng đã xẩy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ đánh bạc qua mạng lên tới hàng nghìn tỉ đồng gây rúng động dư luận bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng vào tháng 3/2018 do Phan Sào Nam (Nguyên Chủ tịch HĐQT VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty CNC) cầm đầu; vụ án đánh bạc qua mạng hơn 600 tỷ tại Quảng Nam vào Tháng 9/2018 do Huỳnh Quốc Việt cầm đầu…

Theo điều tra, công ty CNC đã tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài với gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc; 25 đại lý cấp 1 và 5.877 đại lý cấp 2 trên phạm vi toàn quốc để giao dịch mua, bán Rik (tiền ảo) với tổng số tiền thu lợi bất chính trên 9.853 tỷ đồng, số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài theo thống kê ban đầu ước chừng 3,6 triệu USD, thu giữ trên 1.760 tỷ đồng; khởi tố điều tra, làm rõ 105 bị can về các tội danh liên quan. Vụ án hiện đang được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử.

Những vụ án trên cho thấy tính chất từ tính chất, quy mô, của các loại tội phạm công nghệ cao ngày càng đa đạng và phức tạp hơn. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng các cấp đã chủ động trong việc nắm bắt tình hình, triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, theo dự báo của Cục An ninh mạng Bộ Công an, thì tình hình tội phạm trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng và sử dụng các thủ đoạn ngày càng tinh vi phức tập hơn, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống tội phạm.

Theo đánh giá của TS. Hồ Thế Hòe, Đại học An ninh nhân dân, TP. Hồ Chí Minh, tình hình mất an toàn thông tin số tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Không những thế, tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng thiết bị công nghệ cao để trộm cắp cước viễn thông, sử dụng thẻ tín dụng giả, lừa đảo,… đang có xu hướng gia tăng; tình trạng cá độ và đánh bạc qua mạng tiếp tục diễn biến phức tạp; hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng mang đậm tính chất có tổ chức và xuyên quốc gia.

Nói về những khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mạng Internet, mạng viễn thông tại Việt Nam, điều này tạo điều kiện khiến tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng số lượng cùng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phòng ngừa và đấu tranh hơn.

Lê Thắm

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này