Khuyến khích sản xuất, sử dụng túi nilon thân thiện môi trường

Tránh thảm họa môi sinh

10:10 | 13/11/2018
(LĐTĐ) Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon chính là rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Khi chôn lấp ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…
tranh tham hoa moi sinh Quyết liệt giải quyết ô nhiễm môi sinh

Nghìn năm chưa phân hủy

Túi nilon là một vật dụng vô cùng quen thuộc, thậm chí không thể thiếu trong hầu hết các gia đình. Từ đựng đồ, đi chợ mua rau, mua thịt, cho tới đựng rác,... Tiện thì có tiện, nhưng túi nilon là “thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường. Có thể thấy rõ điều này khi đi qua các bãi rác, hố chôn rác, xe rác. Túi nilon với đủ các kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải khác. Nhiều hố chôn rác, các loại phế thải khác đã phân huỷ hết từ lâu, nhưng túi nilon vẫn không phân hủy. Túi nilon rất khó tái sử dụng và người dân thường dùng một lần là bỏ đi nên lượng thải ra môi trường là không hề nhỏ.

Theo kết quả khảo sát của Cục Kiểm soát ô nhiễm (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) gần đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1 kg túi nilon/hộ/tháng. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

tranh tham hoa moi sinh
Túi nilon đã qua sử dụng tràn lan, đe dọa môi trường và sức khỏe con người. ảnh: Nguyễn Dương

Thực tế cho thấy, cũng có nhiều người ý thức được rằng sử dụng túi nilon thông thường sẽ gây những hậu quả không tốt đối với môi trường. Tuy nhiên, sự tiện dụng của túi nilon tạo nên thói quen khó bỏ của người tiêu dùng trong việc sử dụng. Do đó, túi nilon trở thành rác thải gây ra mối nguy hại đối với môi trường và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Nếu không có giải pháp thiết thực trong việc hạn chế dùng túi nilon thì không bao lâu nữa đường phố, sông ngòi, ruộng đồng… khắp mọi nơi sẽ tràn ngập túi nilon, môi trường sẽ bị hủy hoại nặng nề và khó có thể khắc phục được.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật, ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật làm các loại này kém phát triển; đồng thời là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Mặt khác, nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư…

Theo các nhà khoa học, một chiếc túi nilon nhiều khi được sử dụng trong vài phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất, song để phân hủy thì cần ít nhất 500 – 1.000 năm. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý, hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây thảm họa mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”.

Việc lạm dụng sự tiện lợi của túi nilon kết hợp thói quen vứt rác bừa bãi của con người khiến túi nilon trở thành thứ rác tràn lan trong cuộc sống. Thực tế này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là tác nhân ẩn chứa vi khuẩn bệnh tiềm tàng, tắc nghẽn cống rãnh, ô nhiễm môi trường.

Theo các nhà khoa học, một chiếc túi nilon nhiều khi được sử dụng trong vài phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất, song để phân hủy thì cần ít nhất 500 – 1.000 năm. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý, hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây thảm họa mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”.

Nguy hiểm hơn, túi nilon có thể gây ung thư khi mà những chất phụ gia dùng để tạo độ dẻo dai, tạo màu cho túi nilon có thể gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70 – 80o C phụ gia dùng sản xuất túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm. Nếu sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm có tính chua như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng các phụ gia sẽ tách khỏi thành phần nhựa và đi vào thực phẩm gây nhiễm độc cho thực phẩm.

Sử dụng túi nilon thân thiện môi trường

Đề cập đến vấn đề về kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ này đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu đến 2025: Sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; các chính sách thuế đối với việc sử dụng túi nilon.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, mục tiêu của Việt Nam là sẽ ban hành cơ chế chính sách buộc các doanh nghiệp sản xuất các rác thải nhựa phải có trách nhiệm thu gom, tái chế những sản phẩm này. Đồng thời, người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm thu gom, phân loại rác thải, chất thải và khuyến khích sử dụng các vật liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường và có khả năng tự phân hủy; phân loại các sản phẩm sản xuất thân thiện với môi trường và khuyến khích người dân sử dụng những sản phẩm đó...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc kiểm soát và quản lý sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy cần có những chính sách, lộ trình cụ thể hơn. Trước mắt cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa, đặc biệt là các loại túi ni lông; áp dụng các biện pháp công nghệ, kĩ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa.

Đồng thời, ban hành chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa. Tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm. Từng bước hạn chế hay cấm sử dựng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên như vật liệu gỗ, mây, tre…

Cần những giải pháp mang tính đồng bộ

Thói quen tiêu dùng túi nilon thay đổi không đáng kể trong đa số người dân. Để việc hạn chế sử dụng túi nilon trong thực tiễn cần có những giải pháp như có các chính sách khuyến khích hỗ trợ trong việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại địa phương, xây dựng hệ thống thu gom tái chế túi nilon, khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi nilon…Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự vào cuộc của mỗi người dân, người tiêu dùng, là sự thay đổi thói quen hạn chế sử dụng túi nilon của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về môi trường có thể sử dụng giải pháp cấm sử dụng túi nilon, nhưng cần phải có chế tài cụ thể, chế độ thưởng phạt nghiêm minh, bộ máy giám sát thực thi và vật dụng thay thế (túi nilon thân thiện với môi trường). Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối túi nilon thân thiện với môi trường, để người tiêu dùng và nhân dân được tiếp cận với loại túi đó.

Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, cơ quan chức năng cần chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến tận người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi nilon. Đồng thời, đưa ra những giải pháp áp dụng cụ thể trong thực tiễn như phân loại rác túi nilon để tái chế, áp dụng ưu đãi thuế đối với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng nhiều lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại…

Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện dự án “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bao bì khó phân hủy (các loại túi nilon)” với mục tiêu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng có liên quan về tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khỏe.

Ngoài ra, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực ngày 1/1/2012 có quy định một số sản phẩm tiềm tàng gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu thuế, trong đó túi nilon là một trong những sản phẩm phải chịu mức thuế cao, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong tiến trình hạn chế, giảm thiểu các vấn đề môi trường do sử dụng và thải bỏ các loại bao bì khó phân hủy gây. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là thay đổi thói quen của người dân về việc sử dụng túi ni lon, có như vậy mới mong cứu vẫn môi trường khỏi “ô nhiễm trắng” và sức khỏe của người dân mới được đảm bảo về lâu, về dài.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này