Nhà vệ sinh ở các trường học: Đến bao giờ mới sạch 100%?

10:33 | 09/11/2018
(LĐTĐ) Theo điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 40% ca nhiễm tiêu chảy ở học sinh bắt nguồn từ trường học. Tình trạng nhà vệ sinh bẩn, xuống cấp trầm trọng tại nhiều trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) hiện nay là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nguy cơ nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ khi đến trường…
nha ve sinh o cac truong hoc den bao gio moi sach 100 Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh
nha ve sinh o cac truong hoc den bao gio moi sach 100 Nhếch nhác ... nhà vệ sinh công cộng

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến tháng 8/2018, cả nước có trên 188.000 nhà vệ sinh ở các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập. Hầu hết cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT công lập đều có nhà vệ sinh dành riêng cho học sinh và giáo viên.Tuy nhiên, nhà vệ sinh đang sử dụng tốt chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 67,3% (riêng cấp tiểu học chỉ có 57,9% nhà vệ sinh sử dụng tốt, còn lại là bán kiên cố, tạm hoặc nhà vệ sinh nhờ mượn). Nhiều nhà vệ sinh không đáp ứng yêu cầu sử dụng như số lượng xí, chỗ rửa tay còn thiếu.

Trong kế hoạch đầu năm học, một trong 9 nhiệm vụ của ngành giáo dục phải thực hiện là giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục, không đưa vào sử dụng các công trình trường, nhà vệ sinh chưa đảm bảo. Tuy nhiên, đến nay, nhiệm vụ này vẫn còn nhiều nan giải.

nha ve sinh o cac truong hoc den bao gio moi sach 100
Hệ thống nhà vệ sinh phục vụ học sinh sạch sẽ, an toàn tại Trường Tiểu học Đại Yên (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh Hải Phong

Trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV cho hay, có đến 95- 97% trường phổ thông và mầm non trong cả nước có nhà vệ sinh. Khoảng 40% trong số này đạt chuẩn, còn lại đã bị xuống cấp và chưa được duy tu, nâng cấp. Bộ đã chỉ đạo các địa phương tổng rà soát, đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trong trường học, tăng cường cơ sở vật chất; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác để giải quyết dứt điểm việc thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục. Trong năm học 208-2019, Bộ đặt việc xây dựng nhà vệ sinh trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 – 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 của ngành Giáo dục diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Thống kê cho thấy cần 40.000 tỷ để xây nhà vệ sinh trường học. Ngân sách Nhà nước ở đâu ra? Tôi đề nghị tất cả các trường đừng dấu, cứ báo cáo thật sự về hiện trạng nhà vệ sinh. Tất cả các nhà vệ sinh phải được chụp ảnh cụ thể và cần có địa chỉ để các trường gửi lên cho toàn xã hội thấy. Chúng ta kêu gọi không chỉ chính quyền địa phương mà cả cộng đồng làm sao có nhà vệ sinh đủ đảm bảo, để học sinh không đến nỗi sợ không dám đi.”

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, bên cạnh những nhà vệ sinh khang trang hiện đại như trong các trung tâm thương mại thì vẫn còn đến trên 400 nhà vệ sinh học sinh là nhà tạm hoặc phải đi nhờ, mượn. Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Nội, tỷ lệ nhà vệ sinh đạt chuẩn là 78%. Đến năm 2017, toàn thành phố còn 2.725 khu vệ sinh xuống cấp, chưa đạt chuẩn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định hiện hành. Ngoài ra, nhiều trường còn thiếu khu vệ sinh đồng bộ, cần phải bổ sung.

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở xác định việc cải tạo sửa chữa các nhà vệ sinh trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới. Trong năm 2018, các quận, huyện đề xuất kế hoạch và triển khai phân bổ hơn 40 tỷ đồng cho 5 huyện khó khăn, đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cấp tiểu học và THCS. Trước đó, một số quận, huyện của Hà Nội cũng đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh tiền tỷ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để giải quyết bức xúc của học sinh, phụ huynh về việc nhà vệ sinh quá bẩn, không chỉ cần có cơ sở vật chất tốt mà vấn đề quan trọng hơn nữa là khâu vận hành, nhất là khi Hà Nội chịu áp lực rất lớn về sỹ số học sinh. Một trường có hàng nghìn học sinh nên chỉ sau giờ ra chơi, nhà vệ sinh đã rất bẩn và bốc mùi.

Chị Bùi Thu Hà, một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, do thấy con sợ đi vệ sinh ở trường và thường xuyên phải nhịn để về nhà mới đi nên trong một lần đón con chị đã vào nhà vệ sinh của trường để kiểm tra. Chính bản thân chị cũng thấy mùi từ nhà vệ sinh rất khó nồng nặc, khó chịu. Đó cũng là lý do mà con gái chị rất sợ bước vào nhà vệ sinh ở trường.

Tương tự, chị Mai Anh có con học tại một trường cấp 2 ở quận Hai Bà Trưng cũng phản ánh rằng nhà vệ sinh của trường luôn trong tình trạng vừa bẩn. Mỗi giờ ra chơi, sàn nhà vệ sinh đều ướt nhẹp do học sinh rửa tay, dội nước ra ngoài. Không chỉ mất vệ sinh, tại một số trường, số lượng nhà vệ sinh không đủ, dẫn đến tình trạng học sinh xếp hàng đợi chờ để đi vệ sinh mỗi giờ ra chơi.

Qua khảo sát thực tế, hầu hết các em học sinh đều phản ánh nhà vệ sinh giáo viên và học sinh trong trường có sự khác biệt rất lớn. Trong khi nhà vệ sinh giáo viên luôn có đầy đủ nước rửa tay, được dọn sạch sẽ, mùi thơm tho, nhà vệ sinh học sinh lại luôn trong tình trạng bốc mùi khó chịu. Việc nín thở để đi “giải quyết nỗi buồn” đã là chuyện thường ngày của không ít học sinh.

Cũng qua khảo sát, thấy rằng, chỉ những trường mới được đầu tư xây mới thì những khu nhà vệ sinh còn được đảm bảo, chứ những trường xây dựng nhiều năm và những trường ở ngoại thành vấn đề này còn bị xem nhẹ, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của học sinh. Vẫn có rất nhiều học sinh bị ám ảnh khi phải đi vệ sinh ở trường.Thậm chí, có em còn không tiểu tiện ở trường, phải nhịn về nhà.

Khách quan nhìn nhận, để giải quyết triệt để vấn đề này cần sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành. Đặc biệt, bản thân các trường phải sát sao hơn nữa trong công tác đảm bảo vệ sinh cho các em học sinh. Vì ở một số trường vẫn còn tình trạng “khoán trắng” cho nhân viên bảo vệ trường với lý do “tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập”.

Đã có trường hợp một bảo vệ trường kiêm nhiệm việc như: Trực cổng trường, bảo vệ cơ sở vật chất, dọn dẹp nhà vệ sinh, trông giữ xe đạp… bởi ôm đồm nhiều công việc khiến nhiệm vụ dọn dẹp khu vệ sinh của học sinh bị lơ là. Chính vì vậy, cần chấm dứt tình trạng kiêm nhiệm, giao khoán công tác vệ sinh trường học cho bảo vệ trường. Thêm vào đó, mỗi đợt thanh kiểm tra vệ sinh trường học thường được thông báo, lên kế hoạch từ nhiều ngày trước. Vì vậy, nhiều trường thường tìm cách đối phó với đoàn kiểm tra y tế - vệ sinh học đường, câu lạc bộ môi trường bằng cách dọn dẹp vệ sinh tươm tất. Và khi đoàn kiểm tra rời đi, mọi chuyện quay lại mốc ban đầu: Bẩn, hôi!

Rõ ràng, để công tác thanh kiểm tra vệ sinh trường học đạt hiệu quả, cần tăng cường các hoạt động kiểm tra đột xuất, gắn trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường trong việc đảm bảo khu vệ sinh học sinh sạch sẽ, an toàn.

Hà Phong – Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này