Thị xã Sơn Tây: Nỗ lực phát triển du lịch làng cổ

10:35 | 09/11/2018
(LĐTĐ) Nhắc tới thị xã Sơn Tây hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Làng cổ Đường Lâm bởi  sau cổng làng, là một không gian yên bình, hiền hòa. Tại nơi đây, những ngôi nhà cổ được xây dựng với lối kiến trúc xưa trong không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của làng quê Bắc Bộ. Đặc biệt hơn, người dân Đường Lâm giờ đã biết khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch. Qua những nền tảng này Sơn Tây đang hướng tới mục tiêu 70% hộ dân sống bằng dịch vụ du lịch vào năm 2020…
thi xa son tay no luc phat trien du lich lang co Sơn Tây tổ chức nhiều hoạt động “Vì người nghèo”
thi xa son tay no luc phat trien du lich lang co Thị xã Sơn Tây chú trọng thực hiện cải cách hành chính

Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, những năm qua, công tác quản lý được thị xã Sơn Tây đặc biệt quan tâm. Theo đó, thị xã đã ban hành Nghị quyết số 08 về “Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo” nhằm cụ thể hóa việc triển khai. Nghị quyết số 08 đã góp phần định hướng và gây dựng nền tảng bền vững cho việc phát triển du lịch trên vùng đất này.

thi xa son tay no luc phat trien du lich lang co

Phát triển gắn với bảo tồn là một trong những thách thức với người dân. Ảnh: Đinh Luyện

Dễ thấy nhất, bất kỳ ai khi đến du lịch Làng cổ Đường Lâm đều có thể thưởng thức những thức quà quê dân dã là “của hiếm” từng thịnh hành thuở xưa cũ như: Kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo lạc và chè lam. Được biết, hiện nay chỉ tính riêng trên địa bàn Đường Lâm có khoảng 4 hộ sản xuất các sản phẩm kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi với quy mô lớn để cung cấp cho thị trường. Đáng nói, nghề làm “quà quê” đã giúp nhiều gia đình có điều kiện phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Cao Văn Hiền - thôn Đông Sàng, làm kẹo là nghề truyền thống của gia đình từ 40 năm trước. Nhưng kể từ năm 2006, khi làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích cấp Quốc gia, thì gia đình anh mới có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị. Đến nay, thương hiệu kẹo do gia đình anh sản xuất đã đứng vững trên thị trường, có mặt ở nhiều tỉnh, thành lân cận.

Còn với ông Hà Hữu Thể, thôn Mông Phụ - chủ nhân của một trong những ngôi nhà cổ, “bí quyết” để sống khỏe là làm du lịch kết hợp với tham quan nhà cổ. Được biết, để phục vụ lượng du khách đến tham quan nhà cổ, gia đình ông Thể đã mở dịch vụ làm du lịch tại chính ngôi nhà của mình. Ông kết hợp tham quan nhà cổ với dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, phát triển nghề làm tương truyền thống... phục vụ nhu cầu của du khách.

Được biết, Đường Lâm hiện có 100 hộ dân tại khu vực 5 thôn của Di tích Làng cổ làm dịch vụ du lịch và các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên với 1.500 hộ gia đình và 6.000 nhân khẩ̉u ở Đường Lâm, lời giải cho bài toán phát triển kinh tế từ du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Trên cơ sở Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn Tây đã chọn hướng phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc. Mục tiêu là phấn đấu xây dựng thị xã trở thành một trong những “trung tâm du lịch văn hóa” của Thủ đô. Để hỗ trợ người dân được hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, UBND thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm đã triển khai nhiều giải pháp để đánh thức tiềm năng, nâng cao nhận thức và trình độ làm du lịch cho người dân như: Mời các hộ đi tham quan mô hình làm du lịch cộng đồng, homestay ở Bát Tràng, Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (lào Cai), phố cổ Hội An – Quảng Nam…; tập huấn cho người dân tiếp khách, mời khách, đón khách một cách chuyên nghiệp; tổ chức thi làm các sản phẩm bánh kẹo của địa phương; mở chợ quê vào những ngày lễ, hội; tạo ra những sản phẩm lưu niệm phong phú từ mây tre đan, gốm sứ, tranh thêu, rơm…

Những nỗ lực và giải pháp phát triển du lịch tại Đường Lâm đã dần dần phát huy hiệu quả. Dễ thấy là, nếu như trước đây, dịch vụ phục vụ khách du lịch, đặc biệt là ăn uống tại Đường Lâm còn rất nghèo nàn, các công ty lữ hành dẫn khách đến Đường Lâm phải đưa khách đi nơi khác ăn uống, người dân không được hưởng lợi thì nay mọi chuyện đã khác. Nhiều hộ dân đã biết tổ chức bữa ăn đa dạng phong phú về chủng loại với những đặc sản gà mía, bánh tẻ, tương bần, rau sạch… các đơn vị lữ hành có thể dẫn khách đến ăn cơm với giá cả hợp lý.

Tin rằng, với những nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung tay góp sức của người dân, du lịch Đường Lâm sẽ ngày càng khởi sắc, người dân nơi đây ngày càng được hưởng nhiều lợi ích từ di sản và từ đó biết bảo tồn di sản quý giá của chính mình, thúc đẩy du lịch Làng cổ ở Đường Lâm ngày càng phát triển.

Đinh Luyện – Phan Thanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này